Họ tộc tại Hà Tĩnh

Giải cứu người Chứt: Cổ tích Rào Tre

Những cuộc tình tội lỗi đẩy người Chứt ở Rào Tre vào bóng tối, nhưng lại có những câu chuyện tình tựa như cổ tích mở ra những tia hi vọng giải thoát đồng bào./ Cuộc chiến chống… bó củi

Giải cứu người Chứt: Cổ tích Rào Tre

Lê Xuân Công và Hồ Thanh Mai trong ngày cưới

Chuyện tình hay hơn tiểu thuyết

Một ngày giữa tháng Tư vừa rồi, bản Rào Tre xẩy ra một sự kiện mang tính chất lịch sử. Lần đầu tiên sau 25 năm hòa nhập với thế giới văn minh, đồng bào người Chứt có đám cưới đầu tiên với một người ngoài bản.

Con gái ông Hồ Pắc tên là Hồ Thanh Mai đồng ý làm vợ chàng thanh niên người Kinh tên Lê Xuân Công, một anh lính biên phòng xuất ngũ.

“Đó là một đám cưới vô cùng đặc biệt”, trung tá Nguyễn Văn Sâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng vẫn còn rất hồ hởi khi kể lại.

Trung tá Sâm chính là vị chủ hôn trong “đám cưới lịch sử” được tổ chức vào ngày 7/4, ngay tại Trạm biên phòng Rào Tre. Đó cũng là lần đầu tiên người Chứt chứng kiến một đám cưới đúng nghĩa.

Bốn năm trước, cũng vào những ngày tháng Tư đổ lửa miền biên ải, trong một đêm giao lưu văn nghệ ở trung tâm xã Hương Liên (Hương Khê, Hà Tĩnh) họ đã gặp nhau.

Khi ấy Công là anh lính nghĩa vụ đầy nhiệt huyết, lý tưởng, còn Mai là cô nữ sinh của Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê.

Dường như định mệnh đã sắp đặt sẵn, họ cùng hát song ca một bài trong chương trình văn nghệ, cùng nhau tham gia những trò chơi, cùng nhau tham gia buổi giao lưu giữa các cơ quan với dân bản… Và cùng để ý đến nhau.

Sau lần gặp gỡ ấy, Công trở về đơn vị còn Mai tiếp tục đi học. Ở Rào Tre, nơi mà muốn trẻ con đi học còn phải đến tận từng nhà để gọi thì việc Mai học đến cấp ba là chuyện hiếm hoi vô cùng.

Mai lại còn là cô gái xinh nhất bản. Vì thế, trước cổng gia đình ông Hồ Pắc đêm nào cũng có 4-5 bó củi của đám thanh niên dạm hỏi Mai theo tục lệ đồng bào.

Rất nhiều người đánh tiếng với gia đình ông Pắc, nhưng đã từ lâu, suy nghĩ của Mai đã vượt ra khỏi bóng tối đang bao trùm lên bản.

Cô biết, những cuộc hôn nhân cận huyết thống đang bào mòn giống nòi người Chứt ở đây. Cô biết, trong những bó củi hằng đêm đặt trước cổng nhà mình có không ít chủ nhân là anh em trong họ.

Học hết cấp III, cô trở về làm Phó Bí thư Chi đoàn, tham gia các lớp dạy bổ túc cho trẻ em trong bản. Một năm sau Công xuất ngũ. Anh khoác ba lô lên bản Rào Tre tìm Mai với quyết tâm thổ lộ tấm lòng mình.

“Khó khăn lắm em mới nói được lời yêu với Mai nhưng ban đầu cô ấy không đồng ý. Lúc đó em đã rất thất vọng, nghĩ rằng Mai không có tình cảm với mình nên lập tức xách ba lô quay trở về gia đình rồi đi vào Nam làm ăn.

Một thời gian sau, thông qua Hồ Tình, một người bạn cùng đơn vị, cũng là người ở bản Rào Tre em mới biết Mai từ chối vì vẫn còn mặc cảm mình là người dân tộc thiểu số.

Phải mất một thời gian dài sau đó, khi em trở về quê, thường xuyên đi lại, quan tâm, thuyết phục Mai mới đồng ý. Có lẽ là thấu hiểu được tình cảm chân thành của em nên một thời gian sau Mai đã nhận lời”, Công kể, còn Mai chỉ biết ngồi cười tủm.

Tưởng như trắc trở thế đã qua, nhưng không, tất cả mới chỉ bắt đầu. Ngày Công và Mai yêu nhau, từ chính quyền địa phương đến cánh bộ đội biên phòng cắm bản tìm nhiều cách động viên, giúp đỡ, vun vén thêm hạnh phúc đôi trẻ, nhưng cản trở lớn nhất như nhiều người vẫn dự đoán, đến từ gia đình của chàng trai.

Quê Công ở xã Phúc Đồng (huyện Hương Khê), vùng bán sơn địa cách bản Rào Tre gần 50 cây số. Bố anh mất sớm, mẹ già con một nương tựa lẫn nhau, từ nhỏ Công đã phải xa quê bôn ba đủ thứ nghề kiếm sống.

Ngày Công đưa Mai về ra mắt, biết cô là người Chứt ở Rào Tre, anh em họ hàng trăm người như một ra sức phản đối. Họ nhất quyết cự tuyệt cô gái đến từ Rào Tre, một nơi mà đời sống thường xuyên lên đài báo, ti vi bởi những hủ tục, lạc hậu, đói nghèo…

Tôi hỏi Công: Làm rể người Chứt thấy thế nào? Anh trả lời: Ban đầu thì cũng có nhiều cái lạ lẫm, giao tiếp còn khó khăn, nhưng bây giờ thì đã quen, em thấy cũng bình thường.
Mấy năm yêu Mai và bây giờ thành chồng vợ, thỉnh thoảng vẫn thấy Công nói tiếng Chứt như người đồng bào, đánh đàn Trơ bon, một nhạc cụ của người Chứt hay ra phết.

Không cần uống nước, ăn chiếc kẹo của đôi bạn trẻ, cả họ bỏ về hết, chỉ còn lại Công, Mai và bà mẹ già ngồi thẫn thờ nhìn lên di ảnh chồng trên chiếc bàn thờ cầu cứu.

Thương con lắm, nhưng bà không thể chống lại các bậc cao niên trong họ. Bao năm nay, khi Công biền biệt, bà chẳng sống nưa tựa vào họ là gì?

Biết không thể thuyết phục được mọi người, Công dẫn Mai đến quỳ trước mặt mẹ già xin đưa Mai quay trở lại Rào Tre. Anh nói với mẹ mình, hai đứa sẽ tìm đất lập nghiệp trên đấy, bao giờ ổn định sẽ làm lễ cưới và đón mẹ lên.

Gạt từng giọt nước mắt khô, bà mẹ gật đầu, bà biết tính con, hắn đã quyết cái gì thì không bao giờ thay đổi.

Hai năm sau, ngày 7/4/2015, đám cưới của họ được tổ chức trong một không gian ấm cúng do Đồn Biên phòng Bản Giàng dựng nên.

Treo thưởng cho các cặp uyên ương

Trung tá Nguyễn Văn Sâm tâm sự rằng, giữa đồng bào người Chứt và Bộ đội Biên phòng dường như có một sợi dây tình cảm vô cùng đặc biệt.

Có một câu chuyện mà anh em luôn nhắc nhở nhau về trách nhiệm đối với đồng bào, trước đây, khi người Chứt vừa được phát hiện, một đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh do ông Đặng Duy Báu, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lúc bấy giờ dẫn đầu, khi khảo sát ở Rào Tre đã phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Làm sao để cứu giúp được tộc người Chứt bây giờ?”.

nhchut2151019221
Người chứt ở bản Rào Tre hôm nay

Lúc ấy chỉ có Bộ đội Biên phòng dám đứng ra “trả lời” câu hỏi ông Bí thư Tỉnh ủy. Trung tướng Võ Trọng Việt, lúc ấy là đại tá, Chỉ huy trưởng Bội đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã đưa ra những lời quả quyết: “Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh sẽ hồi sinh dân tộc Chứt, bằng mọi giá đưa tộc người này tiếp cận với xã hội văn minh…”.

Tinh thần ấy, 25 năm sau, trong lúc các phương án giải cứu người Chứt đang gặp quá nhiều khó khăn, vẫn còn đang dang dở thì Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh âm thầm hành động.

Nếu cứ để người Chứt bị cô lập mãi thế này thì không có cách nào thoát ra được. Chưa có người Chứt nào lấy chồng, lấy vợ bên ngoài thì bộ đội biên phòng phải tiên phong hỏi cưới người Chứt trước.

Trước đám cưới của Công và Mai ở Rào Tre, người Chứt ở bên bản Giàng cũng đã chứng kiến những câu chuyện tình rất đẹp.

Anh lính biên phòng Đặng Tuấn Anh quê ở Nam Định nên duyên với cô giáo người Chứt Hồ Thị Loan năm 2011, đến nay họ đã có 2 người con. Hai năm sau, cũng ở bản Giàng, lại thêm một chiến sĩ biên phòng tên Thành kết hôn với cô gái người Chứt tên Hồng… Đến nay, cuộc sống của họ đang vô cùng hạnh phúc.

Trung tá Sâm nói rằng, để động viên, hỗ trợ điều kiện tối đa cho các cặp uyên ương xác định gắn bó với mảnh đất này, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã lên phương án vận động, treo thưởng, đặc biệt là xin chính quyền địa phương cấp đất, hỗ trợ làm nhà cho họ ổn định đời sống.

Tất nhiên là trên cơ sở các cặp đôi có tình cảm với nhau. Ngoài ra, sau khi họ nên duyên, anh em biên phòng cũng thường xuyên giúp đỡ trong sinh hoạt, SX.

Khi chúng tôi rời Rào Tre, trung tá Sâm nắm tay hẹn: Chúng tôi vừa có thông tin, trong bản hiện đang có một đôi đang tìm hiểu. Anh chàng người Kinh ngoài xã Hương Liên yêu cô gái Chứt trong này. Sắp tới nếu họ cưới nhau sẽ mời anh lên dự.

Hoàng Anh/ NNVN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP