Giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn không ngừng tăng sau khi vượt 90 USD một thùng từ đầu tháng 2. Chốt phiên 16/2, giá dầu Brent tương lai tăng 1,6%, lên 94,81 USD một thùng, còn dầu WTI cũng lên 93,66 USD một thùng.
Căng thẳng Nga - Ukraine, địa chính trị tại các nước sản xuất dầu lớn ở Trung Đông... khiến nguồn cung "vàng đen" khan hiếm, đẩy giá tăng cao.
Từ phía cung - cầu và biến động địa chính trị, giới phân tích cho rằng, giá dầu có thể sớm vượt 100 USD một thùng. Bình quân cả năm, giá dầu khoảng 85-90 USD một thùng, tăng gần 20% so với mức trung bình năm ngoái.
Theo đà tăng này, giá xăng dầu bán lẻ tại thị trường trong nước đã lên mức cao nhất 8 năm, mỗi lít xăng RON 95 vượt 25.000 đồng.
"Giá dầu thô tăng sẽ có những tác động vừa tích cực, vừa tiêu cực tới kinh tế Việt Nam, nhưng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn", TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận xét trên VnExpress.
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế (bộ Tài chính) cho biết, Bộ luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để theo dõi giá xăng dầu thế giới, giá cả trong nước, lạm phát…; từ đó tham mưu, báo cáo các cấp thẩm quyền tìm giải pháp điều hành giá xăng dầu, điều tiết từ quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Thực tế, để hỗ trợ ngành hàng không, thuế bảo vệ môi trường với xăng máy bay (nhiên liệu bay) đã giảm 30% trong năm 2021, và giảm 50% trong năm 2022, nên nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế này cho xăng dầu nhằm hỗ trợ nền kinh tế, như vận tải khách đường bộ. Theo đại diện Vụ Chính sách Thuế, các hãng hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, rất khó khăn, Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay để hỗ trợ và áp dụng từ năm trước, còn các ngành khác vẫn tiếp tục theo dõi.
Với thuế giá trị gia tăng, theo ông Tuấn, mặt hàng xăng dầu nằm trong nhóm loại trừ không áp dụng giảm thuế từ 10% xuống 8% trong năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xăng dầu không áp dụng chính sách giảm thuế này.
Theo vụ Chính sách Thuế, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế gồm thuế nhập khẩu (với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu) và thuế bảo vệ môi trường.
Hiện thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) áp dụng với xăng là 20%, các loại dầu và nhiên liệu bay là 7%. Tuy nhiên, theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thuế với xăng dao động từ 8-8,8% tuỳ hiệp định, các mặt hàng dầu từ 0-7%. Theo Bộ Tài chính, xăng dầu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, nên thuế nhập khẩu với xăng cơ bản ở mức 8% và dầu 0%. Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu trên thị trường chỉ chiếm khoảng 20-30%, phần còn lại được cung ứng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.
Với thuế giá trị gia tăng, xăng dầu chịu mức 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt mức 10% với xăng, không thu với các loại dầu (thuế này với xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%); thuế bảo vệ môi trường với xăng là 4.000 đồng/lít (xăng sinh học E5 và E10 thu với phần xăng gốc, không tính trên phần ethanol pha trộn), các loại dầu là 2.000 đồng/lít.
Với các mức thuế như trên và giá bình quân của xăng A95 trên thế giới làm cơ sở tính điều chỉnh giá ngày 11/2 vừa qua, mỗi lít xăng A95 đang bán trên thị trường chịu các khoản thuế khoảng 9.000 đồng.
Tác giả: Việt Hương (T/h)
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn