Lao Động - Việc Làm

Giá vé xe khách bến xe Nước Ngầm ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017

Tại bến xe Nước Ngầm, khách không quá đông, vẫn còn vé về các tỉnh Miền Trung và Miền Nam trong đêm nay, ngày 24 (âm lịch).

Chiều tối 23 tháng Chạp, lượng khách đổ về bến xe Nước Ngầm mỗi lúc một đông. Đối với nhiều người, hôm nay đã là ngày làm việc cuối cùng để nghỉ Tết. Phần nhiều lượng khách là sinh viên, lao động tự do và một số làm việc ngành nghề đặc thù.

Ngay khi được nghỉ, họ nhanh chóng đến bến xe để nhanh chóng trở về quê. Theo ghi nhận của chúng tôi, tuy lượng khách tăng nhưng không đến mức quá tải.

Nhiều nhà xe chạy tuyến Hà Nội – Nghệ An, Hà Nội – Hà Tĩnh đồng loạt tăng giá vé lên 250.000 đồng/lượt. Trước đó tuyến này giá vé được niêm yết giao động từ 170.000 đồng đến 200.000 đồng/lượt.

 Với 225.000 đồng nhà Văn Minh là số ít trong các nhà xe không tăng giá dịp Tết Đinh Dậu. Ảnh: H.Phương

Với 225.000 đồng nhà Văn Minh là số ít trong các nhà xe không tăng giá dịp Tết Đinh Dậu. Ảnh: H.Phương

Một số nhà xe uy tín tại bến xe Nước Ngầm vẫn không tăng giá vé. Nhà xe Văn Minh cho biết luôn bán vé với giá 225.000 đồng/lượt Hà Nội – Hà Tĩnh và ngược lại. Giá vé xe Văn Minh sẽ không tăng trước, trong và sau Tết. Công ty Du lịch Văn Minh cho biết, tính đến thời điểm này vé những chuyến chạy đêm 23 rạng 24 Tết Đinh Dậu đã được bán hết. Tuy nhiên, vé những chuyến sau đó vẫn còn nhiều.

Các tuyến đường dài tại bến xe Nước Ngầm đã đăng ký tăng giá vé với mức tăng từ 30-60%. Trong đó tuyến Gia Lai đi Nước Ngầm tăng 60%, TP.HCM tăng 40%. Nhà xe Hoàng Long tăng giá vé Hà Nội – TP.HCM từ 950.000 đồng/khách lên 1.330.000 đồng/khách.

Tại bến xe Nước Ngầm, các tuyến chạy về 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh giá nhích tăng. Ảnh: H.Phương
Tại bến xe Nước Ngầm, các tuyến chạy về 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh giá nhích tăng. Ảnh: H.Phương

Tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe này cho hay, giá tăng chủ yếu ở các tuyến xe chạy đường dài với cự ly 500km trở lên. Sở dĩ các nhà xe tăng giá do những ngày Tết xe chỉ một chiều có khách còn chiều ngược lại phải chạy rỗng.

“Như tuyến TP.HCM – Hà Nội, dịp trước Tết chỉ có chiều ra Giáp Bát có khách còn chiều về hầu như không có. Ngược lại, sau Tết chủ yếu khách từ Bắc vào Nam đông còn chiều ra lại rất ít. Chính vì vậy các DN tuyến đường dài tăng giá vé để bù vào chiều chạy rỗng”, ông Thành giải thích.

Ông Thành cho rằng, nếu DN vận tải muốn điều chỉnh giá thì phải có thông báo bằng văn bản, từ đó bến xe có ít nhất 1 tuần chuẩn bị các thủ tục để DN được niêm yết giá vé mới.

Hà Phương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP