Rừng xanh bị bức hại
Nhiều năm trước, huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) tồn tại những cánh rừng nguyên sinh, xanh bạt ngàn, với những cây gỗ quý hiếm, hệ sinh thái động - thực vật đa dạng.
Thế nhưng, càng ngày rừng xanh phải “quằn quại” trước những kẻ phá rừng, hám lợi. Các đối tượng ngang nhiên tàn sát rừng không chút mảy may suy nghĩ về những hệ quả khôn lường do việc phá rừng gây nên. Vì cái lợi trước mắt, một số người sẵn sàng bất chấp tất cả.
Những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn màu xanh. |
Rừng phòng hộ tại tiểu khu 678D và 688 thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông (tỉnh Quảng Trị) gần 2 năm trở lại chưa bao giờ hết “nóng” vì tình trạng phá rừng.
Kể từ khi một con đường được mở xuyên rừng phòng hộ, một số người dân ở cạnh đó đã ồ ạt vào rừng cưa xẻ gỗ. Rừng xanh liên tục bị “chảy máu”, muông thú gào thét do bị tận diệt, môi trường bị hủy hoại.
Thôn Vùng Kho của xã Đakrông (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) nằm bên Quốc lộ 9, cạnh tuyến đường mới mở dẫn vào thủy điện Khe Nghi. Người dân nơi đây phần lớn là đồng bào Vân Kiều, sinh sống bằng nương rẫy, nhưng thời gian gần đây không ít người chuyển sang làm… lâm tặc.
Trước những kẻ hám lợi, ngang nhiên “xẻ thịt” rừng, lắm lúc các chủ rừng - được giao trọng trách quản lý và bảo vệ rừng cũng ngậm ngùi bất lực, cầu cứu, bởi lâm tặc người bản địa quá manh động, liều lĩnh.
Những cuộc chạm trán giữa lực lượng bảo vệ rừng và lâm tặc thường xuyên xảy ra. Thấy nhân viên bảo vệ rừng, các lâm tặc còn táo tợn đe dọa, thậm chí tấn công lực lượng này.
Anh Nguyễn Văn Đức – nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa- Đakrông – người được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng ở tiểu khu 678D và 688 nói rằng, đã nhiều lần giáp mặt, lời qua tiếng lại với lâm tặc là người địa phương.
Anh Đức nói: “Biết chúng tôi là người của Ban quản lý rừng, không có quyền bắt người vi phạm, không có dụng cụ hỗ trợ súng ống nên lâm tặc không sợ”.
Chính vì vậy, có lúc cả mấy chục người ngang nhiên vào rừng, cưa cắt gỗ rồi chở về, chủ rừng đến ngăn chặn thì chỉ thẳng mặt đe dọa, xô đẩy.
Gốc cây rừng bị lâm tặc đốn hạ. |
Vào tháng 3/2017, báo chí cũng đã phản ánh về tình trạng xâm hại rừng phòng hộ tại 2 tiểu khu 678D và 688, thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Đakrông-Hướng Hóa quản lý. Lâm tặc ngang nhiên mang máy cưa vào đốn hạ gỗ rừng, xẻ phách mang ra khỏi rừng, chỉ còn lại gốc với cành vương vãi khắp nơi.
Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Trị đã thành lập tổ liên ngành, với các thành phần gồm kiểm lâm, công an, bảo vệ rừng… chốt chặn trên tuyến đường dẫn vào rừng. Các thành viên trong tổ sẽ được cắt cử vào rừng tuần tra cả ngày lẫn đêm, nếu xuất hiện của người dân Vùng Kho, cán bộ bảo về rừng theo sát để có phương án xử lý.
Nhờ chốt bảo vệ rừng và có sự hiện diện của lực lượng công an, kiểm lâm, nên lâm tặc có phần chùn bước.
Lối về của những lâm tặc
Người ta thường nói, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, cũng là để cảnh báo cho những người có hành vi phá rừng, tàn sát rừng rồi có ngày sẽ nhận sự trừng phạt. Dường như, nhận thức được điều đó, những người từng một thời sa ngã, từng “ăn của rừng” quay trở về, tham gia vào đội bảo vệ rừng.
Người dân tham gia cùng lực lượng chức năng bảo vệ rừng. |
Do nương rẫy ít, cuộc sống khó khăn nên khi thấy đường được mở xuyên qua rừng Hồ Văn Thuận (SN 1992, sống tại thôn Vùng Kho) cùng thanh niên trong bản vào rừng đốn hạ gỗ. Thuận được liệt vào dạng những lâm tặc liều lĩnh, vì không chỉ đốn hạ gỗ mà còn đe dọa chủ rừng.
Một thời gian khá dài, Thuận làm lâm tặc, nhưng từ khi có chốt bảo vệ rừng, các cán bộ tiếp cận Thuận để tuyên truyền và thuyết phục làm bảo vệ rừng. Nghe cán bộ phân tích, Thuận đã trở về làm bảo vệ rừng, nhận mức hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng.
“Cán bộ đến nhà chơi nhiều lần, từ chỗ từng xô xát nhau thành người thân quen. Được giải thích nhiều về việc phá rừng là vi phạm pháp luật, nên em bỏ nghề lâm tặc qua làm bảo vệ rừng”, Thuận nói.
Những người từng có quá khứ lầm lỗi quay lại tham gia bảo vệ rừng. |
Cùng có quá khứ lầm lỗi như Thuận, Hồ Công Cường (SN 1988, trú tại Vùng Kho) cũng từng làm lâm tặc đã được cảm hóa. Cường cho biết, trước kia do trình độ hạn chế, chưa nhận thức được việc giữ rừng nên mới vào rừng đốn gỗ. Được cán bộ giải thích mới từ bỏ việc phá rừng, tham gia bảo vệ rừng xanh, cũng là giữ gìn môi trường sống cho bà con dân bản.
Ngoài việc thuyết phục lâm tặc vào làm bảo vệ rừng, những đối tượng manh động, bất chấp pháp luật để phá rừng đang được cơ quan công an lập hồ sơ, xử lý theo quy định.
Tác giả: Đ. Đức
Nguồn tin: Báo Dân trí