Ngôi nhà cấp 4 đã ọp ẹp của anh chị nằm lọt thỏm sau những ngôi nhà kiên cố trong con ngõ nhỏ của vùng chiêm trũng xóm 4 xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc). Khi chúng tôi đến đúng lúc chị đang cố trườn đôi chân đã bị bại liệt hơn năm nay đi lấy củi vào nhóm bếp nấu cơm chiều.
Ngôi nhà có 3 đời làm nghề "cái bang" của anh Hòa, chị Báu. Ảnh: Xuân Hòa |
Sinh ra trong gia đình từ đời ông bà rồi bố mẹ anh Nguyễn Đức Hòa đều mắc căn bệnh thiểu năng trí tuệ và đều sống nhờ cái nghề ăn xin, cũng như bố mẹ, cả 4 anh chị em của anh Hòa sinh ra cũng bị bệnh thiểu năng trí tuệ.
Cùng với cảnh nhà nghèo nên học đến lớp 2 ngoài cái tên mình thì anh Hòa không thể nạp được thêm chữ hay số vào đầu óc được nữa nên sớm nghỉ học. Cha mất sớm nên anh Hòa theo mẹ “phụ nghề” cái bang. Đến khi trở thành thanh niên thì anh đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy từ chẻ củi, phun thuốc…
Cả ngôi nhà chẳng có gì ngoài chiếc giường ọp ẹp cùng mớ quần áo hỗn độn. Ảnh: Xuân Hòa |
May mắn trong một lần đi làm thuê được người mai mối chị gặp Hoàng Thị Báu hơn anh gần giáp cũng chung cảnh ngộ. Chị Báu cũng bị thiểu năng trí tuệ nên mãi cũng chưa lấy được chồng. Thế là anh chị nên vợ chồng mà cũng chẳng có vài lá trầu, quả cau làm lễ.
Rồi niềm vui cũng đến với đôi vợ chồng này khi chị Báu sinh được đứa con. Nhưng sinh ra được ít tháng cũng chẳng biết ốm đau bệnh gì hai vợ chồng không tỉnh táo cùng với cái nghèo nên cháu bé ốm rồi mất không rõ lý do. Từ đó, chị Báu chẳng lần nào có thêm “tin vui” nữa.
Hàng ngày, cứ thế chị vẫn theo mẹ chồng hành nghề "cái bang". Còn anh Hòa hàng ngày làm thuê kiếm thêm đôi đồng về mua gạo lo cuộc sống qua từng bữa.
Anh Hòa thường xuyên phải cõng vợ khi phải di chuyển xa. Ảnh: Xuân Hòa |
Cách đây mấy năm người mẹ anh Hòa trong một lần không may sẩy chân đã ngã gãy chân. Cảnh nghèo con cái chẳng đứa nào tỉnh táo nên bà cứ nằm mãi vậy cho đến khi vết thương lở loét nhiễm trùng rồi mất. Không lâu sau khi mẹ mất, anh Hòa phát hiện bị bệnh gan nên sức khỏe giảm sút.
Cách đây hơn 2 năm, một cơn tai biến ập đến với anh, may mắn được mọi người đưa đi cấp cứu nên giữ được tính mạng. Nhưng cũng từ đó tay chân anh vận động khó nên chẳng làm được gì nên cũng chẳng ai thuê nữa.
Kể từ đó anh về cùng vợ “nối nghiệp ăn xin”. Cách đây hơn 1 năm chị Báu bỗng bị bại liệt đôi chân không đi lại được. Vì vậy, nghề "cái bang" truyền kiếp anh cũng chỉ bữa được bữa không và sống với khoản phụ cấp ít ỏi cho người khuyết tật.
Bữa cơm “chát mặn” của đôi vợ chồng "cái bang". Ảnh: Xuân Hòa |
“Hàng năm, chính quyền địa phương cũng vận động người dân quyên góp ủng hộ cho anh Hòa, chị Báu. Ngay cả khi trong gia đình này có người mất cũng phải đi vận động từng gia đình để có tiền lo mai táng…” - ông Nguyễn Tứ Thuận, xóm trưởng xóm 4, xã Nghi Vạn cho biết.
Tác giả: Xuân Hòa
Nguồn tin: Báo Nghệ An