Lá cờ Đảng (trái) và bức vẽ Hồ Chủ tịch (phải) được làm bằng máu của những cựu tù Phú Quốc |
Trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Thánh Thiên (phường Lê Lợi, TP Bắc Giang), có một thợ sửa giày nay đã 75 tuổi. Nhìn những hình ảnh bình dị hàng ngày của ông, ít ai nghĩ rằng, ông đã từng là một chiến sĩ đặc công can trường, vào sinh ra tử.
“Nếu không chiến thắng, nguyện không trở về”
Ông Nguyễn Thế Nghĩa sinh năm 1945 trong một gia đình có truyền thống cách mạng với người cha là Đội trưởng Đội du kích thanh niên cảm tử Đình Bảng bị giặc Pháp bắt và đã hy sinh anh dũng. Sau đó, trước khi mẹ ông mất đã dặn dò: “Khi con lớn lên, hãy đi bộ đội để trả thù cho dân tộc, trả thù cho gia đình, vì chính giặc Pháp đã giết bố con”.
Lời dặn của mẹ luôn canh cánh trong lòng, nên ngay khi còn trẻ, ông chỉ có một tâm nguyện duy nhất là được ra chiến trường trực tiếp chiến đấu để có cơ hội bảo vệ Tổ quốc và trả thù nhà.
Thế nhưng, từ năm 1961 - 1966, cả ba lần viết đơn xung phong nhập ngũ ông đều bị loại từ vòng khám sức khỏe hoặc sơ tuyển do thiếu cân nặng và thuộc gia đình chính sách. “Ngày đó tôi chỉ có 38kg, không đủ điều kiện nhưng tinh thần chiến đấu giết giặc luôn thúc giục tôi. Sau hai lần thất bại, lần thứ ba tôi nghĩ mình nhất định phải được đi chiến đấu. Hôm đi khám để đủ cân, tôi đã đút hai quả cân trong túi và qua được vòng khám sức khỏe. Nhưng vào vòng sơ tuyển thì bị loại vì là con một của gia đình có cha là liệt sĩ. Khi ấy, tôi lấy ngay tờ giấy trên bàn tuyển quân, đưa đầu ngón tay trỏ lên cắn bật máu trước mặt rất nhiều người rồi viết quyết tâm thư: “Đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu”. Vậy là tôi đã được nhận nhập ngũ năm 1967 để thực hiện lời thề “Nếu không chiến thắng, nguyện không trở về”, ông nhớ lại.
Khi vào chiến trường miền Nam, ông là lính trinh sát, rồi chuyển sang quân báo. Ông về Sài Gòn làm biệt động, trực tiếp tham gia hàng trăm trận đánh ác liệt như trận đánh ở dốc 31 (Tây Ninh), trận Bến Lức (Long An). Sau đó, ông trở thành Đại đội trưởng Đại đội đặc công CK25 của Trung đoàn 320 trực thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam. Với sự mưu trí, nhanh nhẹn và dũng cảm, ông tiếp tục được cấp trên tin tưởng giao cho những vị trí quan trọng như Đội trưởng Đội quân báo rồi Tham mưu trưởng Tiểu đoàn đặc công.
Năm 1969, khi Phó tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Trần Văn Hương về Long An, Nguyễn Thế Nghĩa cùng 7 chiến sĩ khác được lệnh thực hiện cuộc ám sát. “Cuộc chiến đấu suốt từ 6h sáng đến 2h chiều, các đồng đội của tôi hy sinh hết, chỉ còn mình tôi sống sót. Khi ấy, trong súng còn một viên đạn, vì không muốn rơi vào tay địch nên tôi bóp cò tự sát, nhưng đạn không nổ. Địch ập đến bắt tôi”, ông kể lại và cho biết, khi tỉnh dậy thấy tay đã bị còng, trong đầu nghĩ chắc không còn cơ hội sống nữa.
Ông bị địch kết án tử hình rồi đày ra nhà tù Phú Quốc, nơi vẫn được biết đến như địa ngục trần gian với các hình thức tra tấn vô cùng man rợ. Đồng đội tưởng ông đã bị giết hại nên giấy báo tử được gửi về quê hương.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa |
“Ăn cơm địch, học cho ta để phục vụ cách mạng”
Trong thời gian ở nhà tù Phú Quốc, ông Nghĩa được giao nhiệm vụ Bí thư Chi bộ để dẫn dắt đồng đội đấu tranh chính trị.
Ngày 2/9/1969, tại nhà tù Phú Quốc diễn ra một buổi kết nạp đảng viên mới, rất đặc biệt. Buổi lễ được tiến hành ngay sau khi Bác Hồ mất. Ông Nghĩa kể lại: “Ngày kỉ niệm 2/9 là ngày quân địch rất khiếp sợ, ở ngoài chiến trường đánh mạnh, trong lao tù chúng tôi lấy ngày kỉ niệm đó là ngày đấu tranh để kẻ địch khuất phục rằng: Ở đâu cũng có Đảng, ở đâu cũng có Bác”.
Lễ kết nạp đảng viên mới trước đó gặp phải vô vàn khó khăn vì điều kiện trong nhà tù bị kiểm soát hết sức gắt gao. Các chiến sĩ cũng trăn trở vô cùng khi trong chốn lao tù không biết lấy đâu ra lá cờ đỏ búa liềm để thực hiện lễ kết nạp. Có những hôm thức trắng đêm suy nghĩ, rồi bất chợt một lần, có chiến sĩ gợi ý: “Anh Nghĩa ơi! Lấy máu nhuộm cờ được không?”.
“Tôi nghe thấy mừng quá, tôi chạy đến góc nhà giam, quẹt tay vào tấm tôn cánh cửa, sau đó xin băng gạc của giám thị quấn vào. Khi máu đã thấm vào, tháo băng gạc ra thì chỗ đậm, chỗ nhạt nên các đồng đội trong tù đã đề nghị “cho chúng em góp với” rồi cắn tay chảy máu để nhỏ vào, tạo thành lá cờ đỏ. Sau đó, tôi tán viên thuốc chống phù nề của tù binh màu vàng rắc lên vẽ hình búa liềm”, ông kể lại, giọng bồi hồi.
Khi lá cờ được hoàn thành, ông lại nảy sinh sáng kiến vẽ chân dung Bác bằng máu để buổi lễ thêm trang trọng. Nghĩ là làm, ông cắn dập một đầu que tăm chấm vào máu để vẽ chân dung Bác Hồ. Ông ngồi vẽ, các đồng đội đứng xung quanh xem. Khi bức tranh vừa hoàn thành, ông đã thấy những giọt nước mắt của đồng đội rơi trên vai mình, họ xúc động thốt lên: “Bác! Bác của chúng ta đây rồi”. Hôm đó, ông Tô Diệu, Bí thư Đảng ủy nhà lao còn mượn bức vẽ ấy đem về ngắm suốt đêm.
Ông Nghĩa kể: Hôm ấy, để buổi lễ diễn ra trang nghiêm, ông đã mượn chiếc áo lành lặn nhất của một đồng chí quê ở Hà Tĩnh, gắn hình Bác Hồ và lá cờ Đảng bên ngực trái. Bên ngoài ông vẫn mặc chiếc áo rách phòng khi quân cảnh đi tuần. “Buổi lễ kết nạp Đảng của Đảng bộ nhà tù Phú Quốc cuối cùng cũng diễn ra thành công. Đó có lẽ cũng là buổi lễ đặc biệt nhất”, ông Nghĩa chia sẻ.
Có “báu vật” là lá cờ Tổ quốc và bức tranh vẽ Bác bằng máu, các buổi học tập, sinh hoạt chính trị trong tù sôi động hơn hẳn. “Báu vật” lần lượt được đi khắp nhà giam củng cố niềm tin, lòng quyết tâm, giác ngộ cho các chiến sỹ trong lao tù cho đến ngày ký Hiệp định Paris. Ngày ra tù, tất cả các hành lý đều bị giữ lại, ông Nghĩa đã nghĩ cách cuộn chặt lá cờ Đảng và tấm hình của Bác được vẽ bằng máu rồi đưa vào trong cổ họng. Đó là “tài sản” duy nhất ông mang trở về quê hương.
Mong gặp lại ân nhân, tha thứ cho kẻ thù
Hơn 40 năm kể từ ngày vẽ lá cờ Đảng và bức chân dung Bác bằng máu, ông Nghĩa luôn giữ hai kỷ vật đó bên mình. Năm 2008, một người đồng đội cũ của ông là Lâm Văn Bảng, ở thôn xã Nam Triều, Phú Xuyên, Hà Nội - một cựu tù binh Phú Quốc mở Bảo tàng “Chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày”. Ông Nghĩa đã đem hai kỷ vật tặng lại cho bảo tàng.
Ông kể, năm 2015, chương trình Điều ước thứ 7 của Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa ông trở lại nhà tù Phú Quốc, tái hiện lại toàn bộ khung cảnh và khoảng thời gian ông cùng đồng đội bị giam tại nhà tù. Ông nói, lúc đó ông chỉ biết khóc, vì bao nhiêu hình ảnh về sự hy sinh của đồng đội, khi ấy đều còn rất trẻ, lại ùa về. Rồi một bất ngờ khác đến với ông, khi hình ảnh thân thương của bà Nguyễn Hồng Vân (Long An) - người mà ông gọi là O du kích Sáu Hường, tiến đến gần ông. Gặp lại nhau, ông ào đến ôm bà Sáu Hường gọi “Chị ơi” và khóc như một đứa trẻ. Ông kể, đã rất lâu rồi, ông chưa có dịp được gặp lại bà Sáu Hường, người đã mạo hiểm giấu ông trong chum khi địch càn quét. “Cuộc đời tôi, nếu không có những con người như chị Sáu Hường, Bảy Đờn hay những bà má miền Nam, có lẽ tôi đã chết lâu rồi”, ông nghẹn ngào, tay lau vội những giọt nước mắt.
Cũng tại đây, ông còn đến thăm ông Trần Văn Nhu (tức Bảy Nhu, SN 1926) - viên cai ngục nổi tiếng ác ôn nhất ở Nhà lao Cây Dừa, đảo Phú Quốc, Kiên Giang hồi đó. Chính ông Bảy Nhu là người đã tra tấn ông Nghĩa với đủ các hình thức, thậm chí nhổ răng ông, nhưng sau hơn 40 năm gặp lại, ông đã bắt tay, ôm ông Nhu như những người bạn. Hai khóe mắt rưng rưng, người cai ngục năm nào nay đã 90 tuổi, rơm rớm nước mắt nói lời xin lỗi cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thế Nghĩa và mong được thông cảm. Ông Nhu nói đã biết sai lầm, nên sau đó ông lấy công chuộc tội bằng cách tham gia tìm hài cốt các liệt sĩ, rồi trùng tu di tích.
Cuộc gặp sau gần nửa thế kỷ của hai con người từng ở hai chiến tuyến đã khép lại quá khứ. Họ đã tha thứ cho nhau.
Người cựu tù Phú Quốc năm nào tay còn khoẻ mạnh cầm súng, can trường chiến đấu, giờ đây, đôi bàn tay ấy đã trở thành đôi bàn tay của người thợ đóng giày. Ông kể, khi trở về đời thường, những phẩm chất của bộ đội Cụ Hồ vẫn ngấm sâu trong ông. Vì vậy, ông rất tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Trước đây khi còn sức khoẻ, ông còn tham gia giữ gìn trật tự an ninh khu phố. Không những vậy, ông còn vận động các gia đình có con em mắc phải tệ nạn xã hội tham gia cải tạo để thành công dân có ích. Hiện, ông đang mở tiệm đóng giày và dạy nghề không thu phí cho con em đồng đội, con em gia đình chính sách. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lâm Văn Bảng - Phó Ban liên lạc cựu tù binh Việt Nam, Giám đốc Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày (có trụ sở tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, ở bảo tàng hiện cũng có rất nhiều tư liệu về cựu tử tù Nguyễn Thế Nghĩa. Ông Bảng cho biết, ông Nghĩa tham gia vào hoạt động của Hội Cựu tù Việt Nam từ năm 1995 đến nay và là một nhân vật điển hình, rất tích cực hoạt động. Hiện ông Nghĩa cũng là Phó ban Liên lạc của Hội cựu tù ở tỉnh Bắc Giang. Nhắc đến ông Nghĩa, người ta nhớ ngay đến hình ảnh của chiến sỹ đã lấy máu của mình và đồng đội để tô thắm lá cờ Đảng, vẽ lên chân dung Bác Hồ. Theo ông Bảng, Hội Cựu tù trên cả nước có hơn 1 triệu thành viên, ở mỗi tỉnh có Ban liên lạc riêng đứng ra làm đầu mối và có nhiều hoạt động thiết thực, như dịp 27/7 vừa qua đã tổ chức cho 2.000 cựu tù ra Phú Quốc dự lễ tri ân, năm trước đó thì tổ chức cho 3.000 cựu tù ra Côn Đảo. |
Tác giả: Hoài Thu
Nguồn tin: Báo Giao thông