Những con vịt này giữ nhiệm vụ bảo vệ đồng lúa bằng cách ăn cỏ, sâu bọ hay côn trùng gây hại.
Chủ tịch của Tsumura Honten - công ty chuyên sản xuất và buôn bán vịt giống - cho biết hình thức dùng vịt trong canh tác nông nghiệp hữu cơ tại đất nước mặt trời mọc đang lên tới đỉnh điểm, công ty ông rất tự hào vì đáp ứng được nguyện vọng của những nông dân muốn sản xuất sạch.
Ông Takao Furuno và chú vịt bảo vệ cánh đồng lúa hữu cơ Ảnh: LIVING CIRCULAR |
Tại Nhật Bản hiện có khoảng 10.000 nông dân áp dụng phương pháp "trừ sâu" cho ruộng lúa bằng vịt như vậy, sau khi người được mệnh danh là cha đẻ của phương pháp độc đáo này - ông Takao Furuno (SN 1950) ở làng Keisen trên đảo Kyushu (miền Tây Nhật Bản) - công bố rộng rãi thành công của mình cách đây khoảng một thập kỷ. Phương pháp còn được gọi là "Aigamo" - đặt tên theo giống vịt được ông Furuno sử dụng trên ruộng lúa của mình cũng nhanh chóng được nhiều quốc gia có ngành nông nghiệp lúa nước phát triển như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… đưa vào ứng dụng và tiếp tục được nhân rộng tới những nước phát triển phương Tây như Pháp, Mỹ…
Nuôi vịt trong ruộng lúa vốn không phải điều xa lạ với nông dân Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia trồng lúa khác. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của phương pháp này mà ông Furuno khám phá ra là vịt con khoảng 2 tuần tuổi khi thả vào ruộng lúa chỉ ăn cỏ, mầm cỏ dại, côn trùng và sâu bọ gây hại chứ không làm hại lúa non như vịt trưởng thành. Cách di chuyển tự nhiên của vịt còn làm đất tơi xốp và cây lúa khỏe hơn. Thêm vào đó, dùng vịt để "trừ sâu" khiến nông dân có thể vô tư nuôi thêm cá trong ruộng lúa mà không phải lo lắng vấn đề thuốc trừ sâu làm chết cá. Đối với bèo hoa dâu trong ruộng lúa, thay vì diệt bỏ, ông Furuno tận dụng chúng làm thức ăn cho vịt, cá và là nguồn tổng hợp nitrogen tự nhiên. Mỗi hecta bèo hoa dâu có thể tạo ra 9 tấn đạm. Kết quả ấn tượng là sản lượng lúa gạo của ông Furuno nhờ phương pháp "Aigamo" đã tăng 20%-50% so với trước. Ông được vinh danh trong cuốn sách "80 nhân vật làm thay đổi thế giới" của tác giả Sylvain Darnil và Mathieu Le Roux. Cuốn sách về phương pháp canh tác của nông dân Nhật Bản này mang tên "Quyền lực của vịt", xuất bản năm 2010, cũng gây tiếng vang lớn trên khắp thế giới.
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo Người lao động