Trong nước

EVN: Giá điện nhẽ ra tăng 12,8%!

Ông Đinh Quang Tri cho biết, để doanh nghiệp có lợi nhuận ở mức bình thường thì giá điện phải tăng khoảng 12,8%, song tập đoàn này chỉ đề xuất tăng 9,5% và được Chính phủ đồng ý tăng 7,5%. Ước tính, EVN sẽ tăng doanh thu 13.000 tỷ đồng và có lãi 1.500 tỷ trong 2015 này.

Ngay sau khi Thường trực Chính phủ thông qua phương án tăng giá điện 7,5% từ ngày 16/3 tới, chiều nay (6/3/2015), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lập tức đã có cuộc họp báo giải đáp những vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm.

Trao đổi với báo giới, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mức tăng cụ thể đối với từng đối tượng tiêu thụ điện sẽ được Bộ Công thương thông báo trong tuần tới (theo đó, một số đối tượng như hộ sản xuất sẽ tăng trên mức trung bình 7,5%, một số tăng dưới mức trung bình là những hộ kinh doanh và những hộ sử dụng điện thấp).

Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri: “Chúng tôi chỉ mơ được lợi nhuận 0%”

Chi phí đầu vào tăng trên 12%

Một thời gian dài từ 1/8/2013 cho tới nay, EVN chưa điều chỉnh giá bán lẻ điện. Ông Tri cũng thành thật rằng, trong năm 2014, EVN đã trình nhiều lần trình phương án điều chỉnh giá lên Bộ Công thương, nhưng do tình hình trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nên Bộ chưa cho phép điều chỉnh.

Tháng 1/2015, Tập đoàn có những tờ trình cuối cùng lên Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những tính toán, cập nhật đến tất cả các chi phí tăng giảm đến 31/1/2015. Theo EVN báo cáo, các chi phí đầu vào đã tăng trên 12% nhưng căn cứ về tình hình kinh tế xã hội và phân tích ảnh hưởng, tác động của đợt tăng giá, EVN chỉ kiến nghị tăng 9,5%.

Từ 1/8/2013 (lần điều chỉnh giá điện gần nhất) thì một loạt các thông số đầu vào đã thay đổi: Giá dầu, giá than (tăng khoảng 50%), giá khí trên bao tiêu (trước đây chỉ 3,6-3,7 USD/1 triệu BTU thì từ 1/3/2014 lên 5,39 USD/triệu BTU và 1/3/2015 lên 5,62 USD/triệu BTU, từ 1/3/2016 tăng 2%/năm so với năm trước).

Theo tính toán của EVN, chi phí sản xuất điện từ 1/8/2013 đến 31/1/20215, yếu tố giảm khoảng 1.657 tỷ đồng (trong đó do giá dầu làm giảm chi phí mua điện khoảng 279 tỷ đồng. Giá dầu trong nước giảm giúp giảm chi phí 219 tỷ đồng và giá dầu thế giới bình quân giảm giúp giảm 1.366 tỷ đồng; giá khí cũng giảm theo).

Trong khi đó, các yếu tố tăng làm tăng chi phí khoảng 10.491 tỷ đồng, trong đó giá than làm tăng chi phí 4.485 tỷ đồng; giá khí trên bao tiêu khoảng 3.532 tỷ đồng; giá khí trong bao tiêu 557 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chênh lệch tỉ giá từ 1/8/2013 đến 31/1/2015 làm chi phí tăng thêm 105 tỷ đồng. Thuế tài nguyên nước tăng từ 2% giá bán lẻ lên 4% làm chi phí mua điện từ các nhà máy thủy điện ngoài EVN tăng thêm 1.590 tỷ đồng; giá mua điện từ các nhà máy dưới 30 MW theo chi phí tránh được tăng thêm khoảng 148 tỷ đồng. Tổng các chi phí để tăng sản xuất kinh doanh điện khoảng 833 tỷ đồng. Một số các khoản khác như tiếp nhận lưới điện nông thôn, lắp đồng hồ, chi phí bổ sung phí môi trường rừng của năm 2011, 2012…

Tính đến 31/12/2013 theo báo cáo đã kiểm toán của Deloitte, chênh lệch tỉ giá chưa phân bổ còn 8.811 tỷ đồng. Năm nay dự kiến phân bổ khoảng 926 tỷ đồng, phần còn lại đề nghị Thủ tướng cho kéo dài phân bổ sau 2015.

Khả năng không có đợt tăng giá điện lần thứ 2 trong năm 2015

Ông Tri cho biết, trong các phương án giá điện từ năm 2011 đến nay, Bộ Công thương và EVN chưa lần nào tính chênh lệch tỉ giá vào phương án giá điện, nhưng thực tế, Tập đoàn đã phải dùng lợi nhuận để bù đắp khoảng 18.000 tỷ đồng.

Năm 2012, 2013 và một phần 2014 do thủy điện tăng khá so với kế hoạch nên EVN có nguồn để yêu cầu các đơn vị phía dưới trích bù phần chênh lệch tỉ giá còn đang “treo” từ 31/12/2011. Phần chênh lệch còn lại khoảng 8.000 tỷ tiếp tục được xử lý trong năm 2015, 2016.

Như vậy, nếu tính toán để bù đắp đầy đủ các chi phí phát sinh và có lợi nhuận ở mức bình thường thì giá điện phải tăng khoảng 12,8%. Tuy nhiên, EVN chỉ kiến nghị tăng 9,5%.

Nếu tăng với phương án 9,5% thì lợi nhuận đạt được/vốn chủ sở hữu khoảng 3% – so với mức bình quân vẫn thấp.

Bộ Công thương đã đưa ra 3 phương án, tăng 7,5%; tăng 8,5% và phương án thứ 3 là 9,5%. Khi họp bàn, các đại biểu cũng phần tích, với phương án tăng 7,5% thì lợi nhuận của EVN chỉ đạt khoảng 1%/vốn chủ sở hữu và sau xử lý chênh lệch tỉ giá (xấp xỉ 1.000 tỷ đồng) thì chỉ còn một ít.

Sau khi cân nhắc, Chính phủ quyết định chỉ điều chỉnh tăng 7,5% trong đó yêu cầu EVN phải bảo đảm để đạt chỉ tiêu tổn thất mà Thủ tướng giao và phải có các biện pháp để tăng năng suất lao động và điều hành hiệu quả, bảo đảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất trên 1% vốn chủ sở hữu.

Ông Tri cũng cho biết thêm, Theo Tổng sơ đồ VII và quyết định của Bộ công thương thì giá trần bán lẻ điện bình quân là 1.835 đồng/kwh. Với mức tăng 7,5% vào 16/3 tới thì giá bán điện bình quân mới ở mức 1.622 đồng/kwh (khoảng 86-87% so với giá trần). Nếu thời gian tới giá khí, giá dầu, giá than ổn định thì sẽ không cần thiết phải điều chỉnh giá điện trong năm nay song nếu không ổn định thì EVN vẫn phải báo cáo lên Bộ Công thương và Chính phủ để có biện pháp cân đối.

Tuy nhiên, ông Tri cho rằng, giá điện trong năm 2015 này “chắc là sẽ ổn định” do tỉ giá ổn định giá khí đã có lộ trình; giá than thế giới giảm nên tạo sức ép cho Tập đoàn Than Khoáng sản không thể tăng giá than được mà phải theo thị trường…

Phó Tổng giám đốc EVN tính toán, với mức tăng giá điện bán lẻ 7,5% thì doanh thu EVN trong năm 2015 sẽ tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng và có lãi khoảng 1.500 đồng.

Nói về mong muốn của EVN, ông Tri nói: “Chúng tôi chỉ mơ ước có lợi nhuận 0% trên vốn chủ sở hữu là đã tốt vì mục tiêu của chúng tôi không phải là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận mà vì phục vụ xã hội. Nhưng nếu lỗ thì không thể tiếp tục vay vốn và không có nguồn lực đầu tư” – lãnh đạo EVN trải lòng.

Về tăng năng suất lao động, từ 2014, EVN đã không cho phép các đơn vị tăng biên chế. Trường hợp có các nhà máy mới cần nhân lực vận hành thì phải trình lên Tập đoàn phê duyệt. Trong năm 2013, năng suất lao động của EVN tăng 8,6%; năm 2014 tăng 9% và 2015 cũng dự kiến tăng 9%.

Bích Diệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP