>> Hà Tĩnh: Đường Hồ Chí Minh “kêu cứu”!
>> Hà Tĩnh: Đường Hồ Chí Minh “kêu cứu”, Xem lại năng lực “đối tác”
Người dân ngăn cản Chi cục Quản lí đường bộ đóng tại tường hộ lan bị tháo gỡ trái phép.
Quyết liệt ngăn cản vì bị chặn mất đường sống?
Sáng ngày 14/11, thực hiện chỉ đạo của Cục QLĐB II (Bộ GTVT) về việc xử lý dứt điểm hành vi phá bỏ tường hộ lan, chiếm dụng hàng lang an toàn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh mà Dân trí phản ánh, Chi cục QLĐB II (quản lý Quốc lộ địa phận tỉnh Hà Tĩnh) đã tiến hành đợt tuần tra, xử lý vấn đề báo nêu.
Tại địa phận xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, địa phương có nhiều hộ dân chiếm dụng, phá bỏ tường hộ lan trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Chi cục QLĐB II đã cùng lãnh đạo xã này tiến hành kiểm tra thực tế, lập biên bản xử lí đối với một số hộ dân.
Hàng loạt sai phạm của một số hộ dân tại đây trong việc “xẻo thịt” hành lang đường Hồ Chí Minh đã được Chi cục QLĐB II làm rõ. Các hành vi sai phạm bao gồm, phá bỏ tường hộ lan, chiếm dụng hành lang đường để làm bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng, mặt bằng bãi tập kết cao hơn mặt đường ảnh hưởng đến việc thoát nước, gây nguy cơ tai nạn giao thông. Chi cục QLĐB 2 còn phát hiện thanh tường hộ lan bị phá bỏ trong nhà của người dân.
Đoàn cùng với chính quyền địa phương đã lập biên bản xử lý, đồng thời ra quân tiến hành ngay việc rào chắn lại các điểm tường hộ lan người dân tự ý tháo gỡ. Mặc dù vậy, việc xử lý những sai phạm nói trên của Chi cục QLĐB II đã gặp nhiều khó khăn khi người dân tiến hành cản trở, không cho đoàn đóng lại các điểm tự ý tháo gỡ này.
Trường hợp ông Đặng Duy Toàn, xóm 8, xã Phúc Đồng là một ví dụ điển hình. Khi đoàn công tác Chi cục QLĐB II và chính quyền xã Phúc Đồng tiến hành đóng lại khoảng tường hộ lan có độ dài 6m mà gia đình ông Toàn tự ý mở mà không được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, ông này đã ra sức ngăn cản. Ông Toàn nêu lí lẽ, phần hành lang mà ông chiếm dụng làm mặt bằng buôn bán VLXD vốn là đất vườn nhà ông, việc mở một khoảng tường hộ lan là hợp lí, vì nếu đóng rào chắn (tường hộ lan) như thế là chặn mất đường sống của gian đình ông?
Khi đại diện Chi cục QLĐB II đưa ra các văn bản chỉ rõ sai phạm, bị đuối lí, ông Toàn lại “cù nhầy” bằng lí lẽ, trên tuyến này từ La Khê (Quảng Bình) ra đây (xã Phúc Đồng) có mấy chục điểm sai phạm, đoàn công tác xử lí hết thì gia đình ông sẽ chấp hành!
Trước sự quyết liệt của Toàn, Chi cục QLĐB II và lãnh đạo xã Phúc Đồng đã phải lập biên bản buộc gia đình ông Toàn ký văn bản, đảm bảo nguyên trạng, không được mở rộng, tháo gỡ tường hộ lan; ngay trong ngày phải huy động máy móc, nhân lực hạ thấp ngay mặt bằng bãi tập kết đảm bảo thoát nước.
Theo một cán bộ trong đoàn công tác nói trên thông tin, đây không phải là lần đầu người dân trên tuyến đường Hồ Chí Minh phản ứng, chống đối quyết liệt đơn vị quản lý xử lí việc lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ. “Nhiều vị trí mở tường hộ lan để làm lối vào nhà (như bài báo đưa tin), trong quá trình đơn vị xử lý đóng lại đã bị người dân chống đối quyết liệt, thậm chí hành hung cả cán bộ quản lý đường bộ, cũng như chính quyền địa phương; đóng được hôm nay thì ngày mai các hộ dân lại tự ý tháo ra” – vị cán bộ này cho hay.
Kết quả xử lí của địa phương không cao?
Trong khi Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh Bùi Đức Đại nói rằng, việc hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh bị chiếm dụng lỗi trước hết thuộc về đơn vị quản lý (Cục QLĐB 2), sau đó là địa phương; thì trong văn bản gửi cho PV Dân trí, ông Võ Trường Giang – Chi cục Trưởng Chi cục QLĐB II, người đứng đầu chuyến kiểm tra, xử lí nói trên cho hay, đơn vị đã làm hết sức, còn kết quả xử lí của địa phương không cao?
Theo ông Giang, năm 2014 Chi cục QLĐB II đã phối hợp với địa phương lập biên bản xử lý 22 trường hợp vi phạm hành lang ATGT tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Hà Tĩnh), trong đó huyện Hương Khê 15 trường hợp, huyện Hương Sơn 3 trường hợp và huyện Vũ Quang 4 trường hợp. Và từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị cùng các địa phương lập biên bản xử thêm 31 trường hợp.
“Hầu hết các trường hợp vi phạm đơn vị chúng tôi đều chuyển chính quyền địa phương (xã, huyện) xử lý, vì liên quan đến việc cấp đất cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát của Chi cục, kết quả xử lý của địa phương là không cao” – ông Giang cho hay.
Theo ông Giang, nguyên nhân là do địa phương đã cấp đất cho các hộ dân nhưng không có kinh phí để làm đường gom nên việc san lấp mặt bằng trong hành lang đường bộ ra sát Quốc lộ để làm đường vào nhà là không thể tránh khỏi. Đặc biệt, nhiều hộ dân có đất thổ cư từ trước khi có đường Hồ Chí Minh mà chưa được đền bù, nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra sát mép đường. Đây là thực trạng ở đường Hồ Chí Minh nói riêng và các Quốc lộ trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung.
Văn Dũng – Huy Thái