Đức Lạng là một xã miền núi thuộc vùng tiểu bán sơn địa của huyện Đức Thọ, vừa tiếp giáp với đồng bằng lại vừa tiếp giáp với vùng đồi núi thấp. Đức Lạng có diện tích tự nhiên 2.074ha với 3.600 nhân khẩu.
Trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 18,16%, đất lâm nghiệp chiếm 31,10%, với một quỹ đất dồi dào Đức Lạng có điều kiện để phát triển trồng các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Đây là những tiềm năng thế mạnh để Đức Lạng phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
cây Chanh trên đồng đất Đức lạng đem lại nguồn thu nhập cho người dân
Gia đình ông Võ Thấu thôn Tân Quang, thôn Tân Quang xã Đức Lạng có trên 4 ha đất vườn đồi, Trước đây, gia đình ông chủ yếu là trồng cây lâm nghiệp, hiệu qủa kinh tế mang lại thấp, thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình ông đã tiến hành cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là trồng chanh. Ông cho biết Hiện nay trong vườn của gia đình có trên 500 gốc chanh, và hàng chục gốc cây ăn quả khác như cam, vải thiều… hàng năm cho thu nhập 100-150 triệu đồng. Đầu năm 2015, với sự hỗ trợ của huyện và xã, gia đình ông tiếp tục trồng mới 150 gốc chanh.
Nghề trồng chanh ở Đức Lạng không biết có từ bao giờ, nhưng từ năm 2009 bắt đầu phát triển mạnh. Từ chỗ chỉ một số hộ làm tự phát thì đến nay, toàn xã có hơn 300 hộ tham gia trồng với diện tích trên 200 ha. Có thể khẳng định, đây là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương trong những năm qua. Để phát triển cây chanh theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, địa phương đã có chính sách hỗ trợ người dân khi trồng thêm một gốc chanh mới là 10.000 đồng. Anh Nguyễn Thế Anh – bí thư chi bộ thôn Tân Quang cho biết: Những năm qua Thôn Tân Quang đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế hàng hóa. Trong đó cây chanh là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống. Hiện nay, thôn Tân Quang, chúng tôi hiện có 68 hộ dân thì hầu như hộ nào cũng trồng chanh. Nhà nhiều nhất có 600 gốc chanh, ít nhất cũng có từ 150 – 250 gốc. Theo thống kê, sản lượng hàng năm đạt gần 300 – 400 tấn chanh. Tuy giá chanh không ổn định, nhưng bình quân mỗi hộ gia đình trồng chanh có thu nhập ít nhất cũng trên 80 triệu đồng.
Với chủ trương khai thác tiềm năng của đất đai, điều chỉnh trồng và cải tạo hợp lý vườn tạp trên cơ sở nắm bắt thị trường để có kế hoạch sản xuất. Đảng bộ Đức Lạng định hướng cụ thể cho người dân phát triển kinh tế vườn đồi một cách khoa học, theo hướng bền vững, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và sinh thái. Bên cạnh những cây ăn quả truyền thống, trong 4 năm trở lại người dân Đức Lạng đã chuyển đổi những diện tích vườn tạp không hiệu quả sang trồng cây Thanh Long. Toàn xã Đức Lạng hiện nay đã có gần 100 hộ trồng cây Thanh Long bao gồm ruột trắng và đỏ. Bình quân mỗi hộ trồng 40 cây, trong đó có khoảng 5 hộ trồng từ 100 – 120 cây. Chủ yếu tập trung ở các vườn đồi cao. Qua 4 năm trồng cho thấy, cây Thanh Long phù hợp với vùng đất Đức Lạng, dễ trồng, cây phát triển tốt, quả sai, trọng lượng bình quân đạt từ 0,5 – 0,8 kg/quả. Giá bán ổn định cao và đang được thị trường ưa chuộng. Với hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại, mô hình trồng Thanh Long ở xã Đức Lạng đang mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân, trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Từng bước trở thành 1 trong những cây kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. anh Trần Văn Trợ – thôn Tân Quang cho biết: cây thanh long thích hợp với vùng đất địa phương, nếu được chăm sóc tốt, sản lượng và chất lượng quả không thua gì Thanh Long ở các nơi khác nhập về. Hiện nay, thị trường cũng rất dễ bán, ngay từ trước rằm tháng 7 âm lịch đã có rất nhiều khách đến đặt hàng.
Đức Lạng hiện có 27 mô hình chăn nuôi
Đi đôi với phát triển kinh tế vườn đồi, những năm gần đây cấp uỷ, chính quyền xã Đức Lạng đã vận động bà con nông dân mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó chủ lực là phát triển đàn lợn, gà và bò. Đặc biệt các chính sách kích cầu của UBND tỉnh, của UBND huyện, đã thổi một luồng gió mới cho nhiều hộ nông dân Đức Lạng vốn quen với lối sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung tự cấp chuyển sang chăn nuôi công nghệ mới. Hiện nay, toàn xã có 27 mô hình chăn nuôi, trong đó 2 mô hình lợn trang trại có quy mô 500/con/lứa, 1 mô hình lợn nái quy mô 370 con, 1 mô hình gà 100.000/lứa, 13 mô hình chăn nuôi lợn liên kết, 3 mô hình nuôi hươu 5/con/hộ, 2 mô hình bò quy mô 10 con/hộ… Nhờ vậy, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt từ 29% đầu nhiệm kỳ nay tăng lên 58% vượt mục tiêu đại hội đề ra. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi tổng hợp, tiêu thụ sản phẩm hộ Nguyễn Thái Huy – Đức Lạng. Hay như mô hình chăn nuôi gà liên kết với quy mô 10 ngàn con/lứa của Anh Nguyễn Đình Chiểu – thôn Tiến Lạng .
Cùng với tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, xã Đức Lạng cũng đã rất thành công trong huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong 5 năm qua, Đức Lạng đã huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng đạt 150 tỷ đồng, trong đó có gần 18 tỷ đồng là do nhân dân và con em xa quê đóng góp, ủng hộ. Đã xây dựng mới trên 15 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, 7 km kênh mương cứng nội đồng và 2,5 km mương thoát nước. Trường học, trạm y tế, 6 nhà văn hóa thôn, nhà văn hóa xã đã được xây dựng kiên cố, đồng bộ tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn mới. Đến nay, Đức Lạng đã hoàn thành 16 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trong năm nay hoàn thành 19 tiêu chí
Ông Lê Văn Hiệp chủ tịch UBND xã Đức lạngcho biết: Để có được những kết quả trên, Ban Chấp hành Đảng bộ xã tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, lựa chọn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phân công cá nhân phụ trách, quy định thời gian hoàn thành và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra. Cấp ủy quan tâm phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt trong thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Nhờ vậy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở Đảng ở đây luôn được phát huy cao độ. Từ NQ của từng chi bộ, các thôn, xóm chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể theo tình hình thực tế của địa phương mình, phân công trách nhiệm cho các đảng viên, đoàn viên, hội viên tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện. Bên cạnh đó cấp uỷ, chính quyền xã Đức Lạng đã làm tốt công tác vận động, phát huy sức mạnh toàn dân, dựa vào dân để lo cho dân, nhờ đó Đức Lạng đã và đang khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên của người dân trong quá trình tham gia xây dựng các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93%, 5/6 thôn đạt thôn văn hóa. Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm đúng mức, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,4%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt trên 25 triệu đồng/người/năm.
Những kết quả trên là dấu mốc quan trọng để Đức Lạng tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, vượt qua mọi khó khăn thách thức, khơi dậy các tiềm năng lợi thế để hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đặt ra, đưa xã Đức Lạng đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2018./..
Nam Thắng – Tiến Hải