Nông thôn mới

Đức Thanh: Dùng xi măng kém chất lượng để xây dựng nông thôn mới?

Phấn khởi trước chủ trương xây dựng nông thôn mới, người dân xã Đức Thanh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) không ngần ngại bỏ tiền, bỏ công để làm các tuyến đường thôn, xóm, nội đồng…Nhưng niềm vui ấy “thắp” lên chưa được bao lâu đa sớm trở thành nỗi thất vọng khi những con đường vừa làm xong đã có những dấu hiệu bất thường. Nguyên nhân được người dân cho rằng bắt nguồn từ việc xi măng được cấp có chất lượng kém..

“Thách  thức thời gian”… chết yểu?
Theo phản ánh của người dân, PLVN đã có mặt tại các tuyến đường của thôn Đại Lợi, Đại Liên. Gặp phóng viên, nhiều người dân bức xúc chuyện đường mới làm xong đã có dấu hiệu “lạ”, khi mà trước đó không lâu, chính họ là những người “bỏ tiền, bỏ của”, dầm mình dưới cái nắng như “thiêu như như đốt” để trực tiếp thi công.
Ông Hàn Ngọc Trinh (thôn Đại Lợi) cho biết: “Nhà tôi nằm ngay tuyến đường vừa hoàn thành vào tháng 10/2013. Thế nhưng khi tuyến đường này đưa vào sử dụng khoảng 1 tháng thì một số đoạn bắt đầu có hiện tượng bong lớp bề mặt, khi các phương tiện lưu thông thì xốc bụi xi măng bay lên khiến không chỉ người đi đường mà gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân ở mặt đường rất khổ sở vì bị ảnh hưởng đến việc sinh hoạt. Vào mùa hè nếu không muốn các phương tiện qua lại “xốc bụi” và bay vào nhà thì phải xối nước thường xuyên, chúng tôi rất mong được làm rõ nguyên nhân ”.
Tuyến đường thôn Đại Lợi có dấu hiệu bong tróc bề mặt 
Cũng theo ông Hàn, chính ông là người thuê máy móc và trực tiếp chỉ đạo người dân thi công tuyến đường trên. Để đảm bảo chất lượng công trình trước khi làm ông đã cùng nhân dân chọn các vật liệu liên quan khác một cách kỹ càng như: đá, sỏi…Ngay cả nước sử dụng thi công cũng là nước sạch chứ không sử dụng nước sông, hồ bởi người dân sợ ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Loại xi măng mà người dân được huyện, xã cấp là xi măng PCB30 – Sản phẩm của Công ty Vicem Hoàng Mai (trên bao bì có ghi dòng chữ “Thách thức thời gian”, “Xi măng xây dựng chương trình nông thôn mới”, hoàn thành tại thị xã Hoàng Mai, Nghệ An – PV). Tất cả tuyến đường đều do người dân bỏ công ra thi công chứ không hề thuê nhà thầu, khi làm người dân rất cẩn thận ở từng công đoạn. Sau khi sử dụng một thời gian đầu có hiện tượng lạ thì nhiều bà con đã báo cáo sự việc lên xã, một số người có phần mất niềm tin và cho rằng nguyên nhân là do chất lượng xi măng kém?.
Bao bì xi măng Hoàng Mai 
Còn ông Đinh Hùng Vương, Trưởng thôn Đại Lợi thì cho hay: “Nhân dân rất phấn khởi trước việc được nhà nước hỗ trợ xi măng để làm đường. Tuy vậy, trong lúc thôn, người dân nhận xi măng về thì có một số bao xi măng đã có hiện tương bị “chết” – Tức là một số bao bị đóng cục, kết dính không thể sử dụng được. Khi phát hiện sự việc xi măng “chết”, thay mặt thôn tôi đã lập biên bản và gửi lên UBND xã Đức Thanh. Tuyến đường của chúng tôi làm dài hơn 400m, rộng 3m, bê tông dày 14cm, làm xong thì dân phản ánh việc đường có hiện tượng bất thường. Còn về việc có hay không chuyện xi măng kém chất lượng thì chưa có ai có thể kiểm định được?”. Tương tự, ông Phan Đình Sơn, Trưởng thôn Đại Liên thông tin, thôn Đại Liên có tuyến đường dài 108m, cũng được cấp xi măng cùng loại. Sau khi đi vào hoạt động thì nhân dân phản ánh hiện tượng như thôn Đại Lợi và người dân cũng có đề xuất ý kiến.
Chính quyền nói gì?
Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Trọng Thiều, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thanh cho biết: “Khi nhận kế hoạch thì xã chỉ đạo các thôn xóm, sau đó xã đăng ký lên huyện, còn đường thì tùy từng tuyến đường mà nhân dân đóng số tiền khác nhau. Xã có nhận được ý kiến của nhân dân về việc các tuyến đường có hiện tượng trên và trong thì các cuộc họp, giao ban xã đều phản ánh lên huyện. Tuy nhiên, từ trước tới nay chưa thấy UBND huyện có giải pháp gì, sau khi có thông tin nhà báo về tìm hiểu thì vào sáng 5/5 đoàn công tác của huyện có về xã, thôn kiểm tra các tuyến đường mà nhân dân phản ánh. Hiện nhân dân phản ánh 3 tuyến đường đó là: 2 tuyến trục thôn Đại Lợi, tổng cộng chiều dài 860m; 1 tuyến dài 108m tại thôn Đại Liên còn các tuyến đường khác thì thì chưa thấy có vấn để gì.”.
 Trưởng thôn Đại Lợi trao đổi vơi PV
Về quy trình nhận xi măng, ông Thiều cho hay, xã nhận xi măng trực tiếp từ đại lý của Công ty xi măng Hoàng Mai đó là Cty Hoành Sơn (Hà Tĩnh). Về vấn đề hỗ trợ xi măng đối với năm 2013: các tuyến đường ngõ xóm – tỉnh, huyện hỗ trợ 35%, còn 65% xã, nhân dân tự đóng góp. Tuyến đường trục thôn – tỉnh, huyện 75%, đường nội đồng 90%, phần còn lại do xã và nhân dân đóng góp.
Báo cáo của UBND xã Đức Thanh gửi UBND huyện Đức Thọ 
Để làm rõ thông tin, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Tài – Trưởng phòng Công Thương và ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ. Quan điểm của ông Việt là ghi nhận phản ánh của nhân dân và tùy vào thực tế sẽ có giải pháp ngay; Còn ông Tài cho biết cụ thể: ông đã trực tiếp xuống các tuyến đường mà người dân phản ánh. Ông Tài cho rằng chất lượng tuyến đường nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mà người dân phản ánh đó là do người dân khi thi công đã không tạo lớp phẳng trên bề mặt đường, do công tác bảo dưỡng kém nên mới có!?. Hiện tượng trên chỉ có 3 tuyến đường có phản ánh các tuyến đường khác thì không. Khi ông có mặt tại hiện trường thì không thấy hiện tượng nứt nẻ hay xuống cấp nào, các xe tải hạng lưu thông đường vẫn không vấn đề gì.
Theo Báo cáo số 08 của UBND xã Đức Thanh gửi UBND huyện Đức thì: thời gian nhận xi măng từ 15/10/2013, xã đã chỉ đạo các đơn vị thôn xóm làm đường, thời tiết tương đối thuận lợi…Kết quả, năm 2013 xã Đức Thanh làm được 14 tuyến ngõ xóm, dài 1.642m, 1 tuyến kênh mương dài 450m, 2 tuyến đường trục thôn dài 860m, 1 tuyến nội đồng 400m. Tổng số xi măng đã nhận của Nhà máy xi măng Hoàng Mai là 299,5 tấn. Sau một thời gian thi công đường đơn vị, thôn xóm một số nhân dân ở Đại Liên, Đại Lợi phản ánh một số tuyến đường có dấu hiệu xi măng kém chất lượng, xe cộ và người đi lại thấy bụi bay lên, một số đoạn đường đá 2×4 lồi lên trên bề mặt…còn mặt đường chưa có hiện tượng nứt nẻ, sụt lún…

PLVN sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc sự việc này

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP