Trong nước

Dù bỏ xe biển xanh, biển đỏ nhưng vẫn còn “thẻ đỏ”, “thẻ xanh”?

Về đề xuất xóa xe biển xanh, biển đỏ để sử dụng một màu biển trắng, nhằm tránh việc “lách” phạt khi vi phạm giao thông, đa số người dân cho rằng, vấn đề không phải là màu biển. Xóa được biển xanh, biển đỏ nhưng người ngồi trên xe có “thẻ đỏ”, “thẻ xanh” thì vấn đề vẫn không được giải quyết…

Ngày 22/12, tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Lào Cai đưa ra đề xuất xóa bỏ xe biển xanh, biển đỏ vì thời gian qua có nhiều xe công vi phạm giao thông nhưng không bị xử phạt khiến người dân rất bức xúc. Để đảm bảo công bằng trong xử lý phạt vi phạm giao thông, đại biểu Lào Cai cho rằng nên thống nhất một màu biển trắng trên toàn quốc.

Ý kiến đề xuất nói trên được Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông – Thiếu tướng Trần Sơn Hà – ủng hộ. Ông Hà thừa nhận: “Hiện có rất nhiều loại biển xe, ông nào ra đường cũng to cả. Ngoài đặc thù của xe quân đội thì các xe còn lại cần quy định một màu biển kiểm soát!”.

Theo Cục trưởng Cảnh sát giao thông, sắp tới nếu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, các đơn vị chức năng sẽ xem xét vấn đề này.

 Người lái xe biển xanh đang tự cho mình quyền được ưu tiên khi tham gia giao thông (ảnh: Ngọc Diệp)

Người lái xe biển xanh đang tự cho mình quyền được “ưu tiên” khi tham gia giao thông (ảnh: Ngọc Diệp)

Vấn này này được đăng tải trên Dân trí đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo bạn đọc. Tuy nhiên không nhiều người ủng hộ việc xóa biển xanh, biển đỏ vì cho rằng đó không phải là giải pháp tối ưu.

Anh Phạm Ngọc Điệp (ở quận Hoàng Mai – Hà Nội) cho rằng, vấn đề không phải là cái biển xanh, biển đỏ mà là ở người ngồi trên xe có “thẻ xanh”, “thẻ đỏ”. Vấn đề đặt ra ở đây là ý thức người tham gia giao thông…

Cùng quan điểm trên, bạn đọc Trung Quang đưa ra phân tích về việc không ủng hộ xóa bỏ biển xanh, biển đỏ: Thứ nhất, tất cả những tiêu cực không do lỗi của biển số xanh hay đỏ mà do pháp luật không được thực hiện nghiêm, thiếu sự thượng tôn pháp luật. Thứ hai, xe biển xanh thành biển trắng, xe công sẽ được các sếp sử dụng vô tội vạ vì khi đó khó phân biệt xe công, xe tư. Người dân cũng không giám sát được.

Lí do thứ 3 bạn đọc Trung Quang đưa ra liên quan đến đặc thù xe quân đội. Xe quân đội liên quan đến an ninh quốc phòng, do đó không thể giống xe dân sự được.

 Nhiều người cho rằng, cái sai không nằm ở loại biển mà do ý thức của người lái xe và người ngồi trên xe.

Nhiều người cho rằng, cái sai không nằm ở loại biển mà do ý thức của người lái xe và người ngồi trên xe.

Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo một Phòng Cảnh sát giao thông cho biết không ủng hộ việc xóa bỏ biển xanh, biển đỏ. Không chỉ là trong điều hành và tổ chức giao thông cần có phân loại biển xe, mà nếu xóa bỏ biển xanh, biển đỏ thì sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.

“Với việc cấp biển xe, quan trọng nhất là cấp cho đối tượng như thế nào để giám sát việc sử dụng và kiểm soát được phương tiện khi tham gia giao thông. Ngoài đặc thù xe quân đội mang biển đỏ thì với xe biển xanh phải quy định chặt chẽ đối tượng được cấp biển. Ở đây, biển xanh chỉ được cấp cho xe cơ quan Trung ương, cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước để phục vụ hoạt động công vụ. Không cấp biển xanh cho các cơ quan Trung ương nhưng tham gia làm kinh tế, các đơn vị doanh nghiệp Nhà nước” – vị này nêu rõ.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông cũng nhấn mạnh, quan điểm của lực lượng chức năng là xử phạt nghiêm tất cả các trường hợp vi phạm, không khu biệt người vi phạm là ai, xe vi phạm là biển xanh hay biển trắng.

“Ý thức công dân, ý thức thượng tôn pháp luật khi tham gia giao thông… Đó mới là vấn đề quan trọng” – vị lãnh đạo này cho biết thêm.

Châu Như Quỳnh

  Từ khóa: Xe biển đỏ , Xe biển xanh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP