Đất vàng hóa đồng cỏ
Dạo quanh một số khu vực trung tâm TP Hà Tĩnh, không khó nhìn thấy một số khu đất được cấp dự án đã nhiều năm nhưng vô cùng nhếch nhác, hoang tàn, làm xấu xí cho bộ mặt thành phố.
Khu đất 4 mặt tiền dự án Xuân Thành Land ở phường Nguyễn Du nhếch nhác, cỏ mọc um tùm. |
Trong đó không thể không nói đến dự án Khu nhà ở chức năng Xuân Thành Land của tập đoàn Xuân Thành tọa lạc tại phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh.
Dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2009 với quy mô 4,5ha đất, nằm trên khu đất vàng với 4 mặt tiền. Phía bắc đối diện với UBND phường Nguyễn Du, phía đông hướng ra trụ sở Cảnh sát tỉnh, phía tây đối diện với đài tưởng niệm và khu vui chơi phường và phía nam đối diện với khu dân cư.
Đến nay đã 10 năm trôi qua nhưng nhà đầu tư không triển khai dự án khiến cho người dân và chính quyền địa phương không khỏi bức xúc.
Hạ tầng đường, hệ thống cống thoát nước của dự án Xuân Thành Land chưa kịp hoàn thành đã hư hỏng |
Anh Đậu Văn Thành (trú tại phường Nguyễn Du) cho hay, khu đất giao cho tập đoàn Xuân Thành nằm trên những tuyến đường chính của phường, mỗi lần đi qua thấy rác thải chất đống, cỏ mọc um tùm làm cho bộ mặt của phường văn minh trở nên xấu xí.
Những ngày đầu tháng 10/2019, PV VietNamNet có mặt tại dự án này chứng kiến cảnh ngổn ngang, nhếch nhác đến khó tin. Ngay khi có được dự án, nhà đầu tư rầm rộ huy động đất san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống cống thoát nước làm cho người dân quanh khu vực lầm tưởng một dự án hoành tráng của tập đoàn Xuân Thành sẽ nhanh chóng hoàn thành.
Khu đất vàng 4,5ha trở thành nơi đổ rác, xà bần trông rất phản cảm |
Thế nhưng, những gì người dân kỳ vọng đã không diễn ra, những ngôi nhà cao tầng đẹp đẽ không xuất hiện, ngược lại khu đất cỏ mọc um tùm, hoang hóa, hệ thống cống xây dựng trước đó chưa kịp hoàn chỉnh đã xuống cấp nằm ngổn ngang khắp nơi.
Suốt 10 năm qua dự án này án binh bất động nên một số người dân thiếu ý thức đã đưa rác thải, xà bần đến khu đất tập kết trông rất phản cảm.
Thu hồi đất nông nghiệp để… bỏ không
Còn nhớ vào năm 2008, xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) rầm rộ thu hồi đất nông nghiệp của hàng chục hộ dân để giao cho doanh nghiệp làm dự án. Những cánh đồng lúa màu mỡ, trĩu hạt bị xóa bỏ để nhường chỗ cho bệnh viện lớn, với hi vọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, người dân có nơi khám chữa bệnh vừa gần vừa chất lượng.
Khu đất 3,2ha giao cho công ty BMC làm dự án bệnh viện được bao quanh bởi hàng rào cao hơn 2m |
3,2ha đất của 65 hộ dân ở các thôn Tân Phú, Thanh Phú, Bắc Phú, Liên Phú được UBND tỉnh Hà Tĩnh thu hồi để giao cho Công ty Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (công ty BMC) xây dựng Bệnh viện Đa khoa Ngọc Linh.
Ngay khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao đất, vào tháng 6/2010, chủ đầu tư tổ chức lễ động thổ khởi công xây dựng bệnh viện với quy mô 250 giường bệnh nội trú và 100 giường ngoại trú với tổng số vốn đầu tư là hơn 227 tỷ đồng.
Bên trong hàng rào là bãi đất trống, không có dự án bệnh viện nào được xây dựng |
Theo dự kiến ban đầu, tháng 12/2014 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Giai đoạn thu hồi đất nông nghiệp nhanh chóng bao nhiêu thì quá trình triển khai dự án “rùa bò” bấy nhiêu, thậm chí, đã hơn chục năm trôi qua, dự án bệnh viện trăm giường vẫn chỉ nằm trên giấy.
3,2ha đất giao cho công ty BMC được bao quanh bởi hàng rào cao hơn 2m. Phía mặt tiền dự án này xây dựng một dãy nhà cấp 4, trên đó có một số phòng treo biển cấp cứu, số khác treo biển quầy bán thuốc nhưng tuyệt nhiên dãy nhà này cửa đóng then cài, không có người bên trong.
Nhà đầu tư chỉ xây dựng hai dãy nhà cấp 4 nhưng cửa đóng im lìm, không hoạt động |
Phía sau dãy nhà cấp bốn là khu đất rộng chỉ toàn cỏ gianh. Không có tòa nhà nào được xây dựng, không có khung cảnh nhộn nhịp của một bệnh viện như nhà đầu tư thuyết minh hơn 10 năm trước đó.
Nói về dự án bệnh viện Ngọc Linh, những người dân gần dự án này lắc đầu ngao ngán: ruộng đồng màu mỡ cho lúa năng suất cao, đùng một cái đất dân bị thu hồi giao cho doanh nghiệp. Từ đó đến nay doanh nghiệp họ không xây dựng còn dân cần đất không có để dùng.
Tác giả: Lê Minh
Nguồn tin: Báo VietNamNet