Tin Hà Tĩnh

Dự án kè 48 tỉ đồng (Hà Tĩnh): Dân kiến nghị lên Chủ tịch tỉnh

Bức xúc vì chưa được đền bù thỏa đáng và đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế để thực hiện dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, người dân đã kiến nghị lên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 28.4, trao đổi với phóng viên, ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, vừa tiếp công dân Trần Thị Khuyên (thôn Thượng Hải, xã Gia Phố, huyện Hương Khê) kiến nghị về việc bồi thường giải phóng mặt bằng dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu không thỏa đáng.

“Tôi đã đề nghị công dân làm đơn lên UBND huyện Hương Khê, yêu cầu huyện trả lời bằng văn bản, nếu công dân thấy chưa thỏa đáng thì cấp tỉnh sẽ xem xét giải quyết” - ông Võ Trọng Hải nói và khẳng định quan điểm tỉnh luôn bảo đảm quyền lợi của người dân trên cơ sở thực hiện đúng pháp luật.

Bà Trần Thị Khuyên cho rằng, việc đền bù giải phóng mặt bằng với gia đình chưa thỏa đáng. Ảnh: TT


Trước đó, bà Trần Thị Khuyên đã nhiều lần phản đối việc triển khai dự án kè chống sạt lở bờ sông vì thực tế địa phận bờ sông đi qua khu vực nhà bà nhiều chục năm qua không sạt lở, đã hình thành bãi bồi, được trồng cây để chống sạt lở. Việc chặt hàng cây ngoài bãi bồi để làm kè có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ, gây thiệt hại lớn cho người dân và lãng phí ngân sách.

Do cán bộ tổ chức nhiều đoàn đến vận động, gây sức ép lên gia đình, bà Khuyên đồng ý cho triển khai dự án với điều kiện phải đền bù thỏa đáng.

Bà Khuyên cho rằng sau đó, bộ phận phụ trách bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hương Khê đưa ra phương án đền bù gây thiệt thòi cho gia đình.

Cụ thể, diện tích đất vườn ao liền kề với đất ở của gia đình bà sử dụng từ trước tháng 10.1993 mà không được đền bù theo giá đất ở mà chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp (50,05 nghìn đồng/m2). Trong khi các hộ khác liền kề, cùng một loại đất và quá trình sử dụng như nhau, lại được đền bù với giá đất ở (210 nghìn đồng/m2).

Đồng thời, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ngoài bãi sông của gia đình bà (khoảng hơn 1.000m2) đã sử dụng liên tục từ trước năm 1993 đến nay, nay bị thu hồi để làm dự án nhưng không được đền bù. Theo bà Khuyên, đó là việc làm trái luật.

Cụ thể, khoản 2 Điều 77 của Luật Đất đai 2013 quy định: “Đối với đất nông nghiệp đã sử dụng trước ngày 1.7.2004 mà người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định thì được bồi thường đối với diện tích đất thực tế đang sử dụng, diện tích được bồi thường không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp”.

Gia đình bà Khuyên bị thu hồi gần 2.000m2 đất và hai công trình phụ bị tháo dỡ, nhưng tổng số tiền đền bù, hỗ trợ chưa được 200 triệu đồng.

“Tôi đã kiến nghị nhiều lần với các cán bộ phụ trách giải phóng mặt bằng dự án, nhưng đều không được chấp nhận và họ còn dọa sẽ tổ chức cưỡng chế nếu gia đình không chấp hành” - bà Khuyên nói.

Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê - cho biết, việc đền bù, bồi thường đối với hộ bà Khuyên đã thực hiện đúng quy định. Đất ngoài bãi sông không được đền bù do bà con không đăng ký kê biên đất và do nhà nước chưa giao đất cũng như công nhận quyền sử dụng đất.

Ông Phan Kỳ cũng cho hay, đã tiến hành vận động tuyên truyền, nếu người dân vẫn không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế.

Như Lao Động đã thông tin, dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, được phê duyệt dự toán vào năm 2015, tổng mức đầu tư 48 tỉ đồng.

Dự án vấp phải sự phản đối của nhiều người dân do thi công sẽ chặt phá toàn bộ hàng cây chống sạt lở dọc bờ sông, có nguy cơ làm mất an toàn cho cuộc sống của họ. Năm 2019, mặc dù chưa giải phóng xong mặt bằng, chủ đầu tư đã cho nhà thầu tạm ứng số tiền 13,9 tỉ đồng.

Tác giả: QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN

Nguồn tin: Báo Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP