Địa Chí Hà Tĩnh

Đồng muối Kỳ Hà – Muối bao năm muối đương còn… mặn!

Năm nay, mùa nắng đến muộn hơn nhưng gay gắt và kéo dài, hứa hẹn vụ muối có nhiều ngày nắng hơn nhiều năm trước. Vụ muối năm 2014 chưa đi hết nửa thời gian nhưng đã được dự báo là một năm được mùa. Mặc dù vậy, người làm muối vẫn không vui khi giá muối nhanh chóng xuống thấp ngay từ đầu vụ sản xuất.

Nghề muối vẫn là nghề mưu sinh chủ yếu của người dân xã Kỳ Hà (Kỳ Anh). Ảnh: Mai Thủy

>> Trầm bổng nghề muối Kỳ Hà

“Điệp khúc” được mùa – mất giá

Với mong muốn được chứng kiến những khó khăn của bà con diêm dân trong một ngày lao động sản xuất, chúng tôi vượt hàng chục cây số dưới sức nóng trên 40oC để đến với đồng muối Kỳ Hà (Kỳ Anh).

Kỳ Hà - Muối bao năm muối đương còn... mặn!
Được mùa, khó bán vẫn là “điệp khúc” khiến diêm dân lo lắng.

1h chiều… là thời điểm nhiệt độ ngoài trời cao nhất trong ngày với sức nóng thiêu đốt… Tuy nhiên, đây lại là thời điểm tập trung đông nhất lượng diêm dân tham gia sản xuất trên đồng muối. Có đến đồng muối vào giờ cao điểm mới thấy hết những vất vả đến cùng cực cũng như sức chịu đựng phi thường của bà con diêm dân vì cuộc mưu sinh. Nắng quăn cả bờ đất, nắng hắt cháy sạm da nhưng bà con vẫn miệt mài, cần mẫn bám ruộng. Vào thời điểm này trong ngày, trừ những người đi làm ăn xa, có gần 100% số dân của Kỳ Hà có mặt trên ruộng muối. Kể cả những em bé còn chập chững cũng phải theo bố mẹ ra đồng và được bố trí tránh nắng dưới những căn chòi nhỏ.

Công việc của diêm dân bao năm rồi vẫn thế. Trời càng nắng to, nắng gắt, bà con càng háo hức, không khí làm việc càng nhộn nhịp, khẩn trương, bởi có thế lượng sản phẩm làm ra sẽ được nhiều hơn và chất lượng muối cũng cao hơn.

Theo kinh nghiệm của những diêm dân dạn dày trong nghề, năm nay được dự báo là một năm có nhiều ngày nắng và cường độ nắng cao hơn so với mọi năm. Như vậy, sản lượng muối sẽ tăng đột biến. Một vụ muối thắng lợi gần như đã nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, nghịch lý được mùa, mất giá đã xuất hiện rõ, làm cho bà con diêm dân không thể vui với thành quả lao động của mình. Giá muối, ngay từ đầu vụ đã có dấu hiệu giảm nhanh và giảm sâu theo từng ngày nắng. Từ 17 ngàn đồng/yến, chỉ sau vài tuần đã giảm xuống 15 ngàn, rồi 13 ngàn.

Tạm dừng tay trên những ô muối trắng tinh đang dày lên dưới ánh nắng rát bỏng, chị Lê Thị Phiên, một trong những diêm dân có diện tích sản xuất muối lớn ở xã Kỳ Hà tâm sự: “Mấy ngày đầu, giá muối bán được, bà con tưởng chừng dễ thở thì không có sản phẩm để bán. Bây giờ, muối nhiều, đã rẻ lại ít người mua. Thỉnh thoảng có người mua thì lại bị ép giá đủ bề. Nghề muối cực khổ đã đành, diêm dân chúng tôi chỉ mong sao có sự quan tâm của Nhà nước và doanh nghiệp cho giá muối được ổn định để yên tâm bám trụ với nghề truyền thống của cha ông”.

Diêm dân và doanh nghiệp cùng… khổ

Kỳ Hà là địa phương có nghề muối phát triển nhất trên toàn tỉnh. Hàng năm, sản lượng muối bình quân của xã đạt trên 9.000 tấn, bằng 80% tổng sản lượng muối của cả tỉnh. Với diện tích đồng muối 70 ha, thu nhập từ sản xuất muối đạt trên 70% trong cơ cấu giá trị thu nhập của xã. Theo lãnh đạo địa phương, vụ muối 2014 là một trong những vụ muối được mùa nhưng giá bán lại đạt khá thấp so với những năm gần đây.

Kỳ Hà - Muối bao năm muối đương còn... mặn!
Kỳ Hà là địa phương có nghề muối phát triển nhất trên toàn tỉnh nhưng bà con diêm dân đang chịu thiệt thòi

Ông Nguyễn Đình Khẩn – Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: “Đến thời điểm này, muối đã đạt trên 50% tổng sản lượng so với kế hoạch nhưng các doanh nghiệp lớn trong tỉnh chưa có kế hoạch thu mua cho diêm dân. Lượng sản phẩm bán ra nhỏ giọt từ đầu vụ lại nay chủ yếu thông qua một số tư thương nhỏ lẻ. Vì vậy, giá muối không được kiểm soát, bà con diêm dân đang chịu thiệt thòi”.

Những khó khăn này cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo Công ty CP Muối và Thương mại Hà Tĩnh – đơn vị hoạt động SXKD muối trên phạm vi khu vực (các tỉnh Bắc miền Trung). Hàng năm, đơn vị ký hợp đồng thu mua một lượng muối lớn trong tỉnh để sản xuất các sản phẩm. Năm nay, đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa thể tiến hành thu mua. Theo chúng tôi được biết, đơn vị hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất là năm 2014, Công ty không được đảm nhận thực hiện đề án cung ứng muối i-ốt cho các xã nghèo theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, gần 2.000 tấn muối trong tỉnh mà Công ty thu mua hàng năm để thực hiện đề án đã bị cắt. Tính toán sơ bộ, nếu đơn vị không cắt giảm số lượng công nhân thì mỗi năm, toàn thể công nhân của đơn vị hiện tại sẽ thiếu việc làm ít nhất 2 tháng.

Một khó khăn nữa là việc triển khai lắp đặt và vận hành trạm cân phương tiện vận tải thời gian qua đã đẩy giá cước vận tải tăng lên 1,5-2 lần; trực tiếp làm tăng giá thành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến SXKD của đơn vị.

Mặc dù trước mắt đang gặp nhiều áp lực và khó khăn, song theo Giám đốc Công ty Lê Minh Thành trong thời gian tới, công ty sẽ phấn đấu thu mua muối cho bà con với khối lượng và giá tốt nhất trong điều kiện có thể.

Giám đốc Thành cũng cho biết, hiện công ty đang triển khai lắp đặt và sắp đưa vào vận hành trạm cân điện tử tại huyện Kỳ Anh để phục vụ việc thu mua muối của diêm dân với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng. Khi đi vào hoạt động, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công ty có thể thu mua khối lượng muối cao nhất cho diêm dân trong tỉnh.

Vũ Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP