Văn hoá Dân gian

Đón Tết quê hương – tham gia Lễ hội Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác

Mỗi khi Xuân về, Tết đến, mọi người ai nấy lại nô nức về thăm quê hương để đón Tết cổ truyền cùng với gia đình, họ hàng. Tết Nguyên đán cũng là dịp để mọi người cùng nhau tìm hiểu về truyền thống văn hóa của vùng đất Hương Sơn. Những năm gần đây, cùng với đón Tết cổ truyền của dân tộc Nhân dân Hương Sơn lại nô nức chuẩn bị Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Lễ hội Hải Thượng lãn ông là lễ hội dân gian tổng hợp của các cộng đồng dân cư, là cầu nối cho việc đối thoại thông tin, cùng nhau trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Đây là môi trường nhằm giáo dục về y đức, y đạo, y thuật cho cán bộ và nhân viên ngành y hôm nay và mai sau; đây là nơi Nhân dân trên địa bàn Hương Sơn và du khách thập phương đến đây để gửi gắm ước mơ và thể hiện tấm lòng tri ân: uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Lễ hội còn là nơi gợi nhớ về thân thế và sự nghiệp của Hải Thượng lãn ông, nơi thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh của người dân: thông qua lễ hội, người ta có thể tìm hiểu về với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân thông qua việc thờ cúng Hải Thượng theo cả hai phong tục cúng thần và cúng phật. Lễ hội là môi trường nhằm thỏa mãn các nhu cầu vui chơi lành mạnh và thú vui ẩm thực của người dân. Lễ hội là môi trường bảo tồn, giáo dục là lưu truyền văn hóa truyền thống. Là biểu tượng của sự cố kết cộng đồng và biểu dương sức mạnh tập thể mà ở thời điểm nào cũng cần gìn giữ và phát huy.

Mâm thi của các đoàn được các thiếu nữ xinh đẹp trong sắp phục dân tộc dâng cúng Đại danh y

Lễ hội năm nay được huyện chuẩn bị rất công phu và được tổ chức sau Tết Nguyên đán cho đến dịp Tết Nguyên tiêu ngày Rằm tháng Giêng. Năm nay, là năm thứ 226 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Lễ tế giỗ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được tổ chức tại Nhà thờ ở thôn Bảo Thượng, xã Sơn Quang vào hồi 17 giờ ngày 09/02/2017 (Tức ngày 13 tháng Giêng năm Đinh Dậu; Lễ cầu Quốc thái dân an – cầu sức khỏe được tổ chức tại Khu mộ và tượng đài thôn Hải Thượng xã Sơn Trung vào hồi 19 giờ ngày 10/02/2017 ( Tức ngày 14 tháng Giêng năm Đinh Dậu ). Cùng với các hoạt động Lễ hội, từ ngày 16/01/2017 đến hết ngày 16/02/2017 ( Tức ngày 19 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày 20 tháng Giêng năm Đinh Dậu ) trên địa bàn Hương Sơn sẽ diển ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi đáp ứng nhu cầu văn hóa giải trí nhân dịp đầu xuân năm mới. Đây là những hoạt động nhằm khơi dây truyền thống quê hương góp phần xây dựng Hương Sơn ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Lễ Đại tế được tổ chức trang trọng, với sự tham gia của các vị chức sắc trong dòng tộc

Mừng Xuân, Đón Tết- làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.

Đền ơn đáp nghĩa là truyền thống đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Xưa kia, vào năm Minh Mạng thứ 4 triều đình đã có lệ thưởng cho quân và dân sống lâu, người sống thọ được cấp bạc, lụa; năm Minh Mạng thứ 8 vua ban sắc cho các địa phương mỗi dịp đầu năm phải trích công quỹ để xét cấp cho các thọ dân. Lúc sinh thời, Bác Hồ rất coi trọng việc mừng thọ và tặng lụa cho các cụ già cao tuổi. Ngày Xuân, trọng lão là một phong tục đẹp

Trên địa bàn Hương Sơn hiện nay có 4068 đối tượng được hưởng các chính sách của Nhà nước, trong đó có: 9 cán bộ tiền khởi nghĩa, 13 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2050 thương binh, 498 bệnh binh, 487 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiểm chất độc da cam. Tiếp nối truyền thống tương thân, tương ái, những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng luôn là công việc hàng đầu của cấp ủy và chính quyền các cấp nhân dịp Tế đến – Xuân về.

Ngày Tết là dịp thể hiện lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ của người Việt Nam. Trên địa bàn Hương Sơn, các địa phương đã tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi nhân dịp đầu năm, có Giấy chúc thọ của Hội người cao tuổi, sinh hoạt văn nghệ bằng chính những tiết mục do các cụ sáng tác và trình bày. Đây là những việc làm nhằm giáo dục cho lớp trẻ biết quan tâm và nhớ ơn đến ông bà cha mẹ, những Bậc sinh thành dưỡng dục nên mỗi chúng ta.

“Tết trồng cây”nhớ ơn Bác Hồ.

“ Mùa xuân là Tết trồng cây”- Lời Bác dạy, nhân dân cả nước còn đinh ninh ghi nhớ. Từ khi Người phát động Tết trồng cây (ngày 28-1-1959) đến nay. Phong trào Tết trồng cây đã góp phần cải thiện môi trường sống và đem lại nguồn lợi lớn cho xã hội. Những năm qua, phong trào Tết trồng cây đã được cấp ủy và chính quyền các cấp hết sức quan tâm. Năm 2016 trên địa bàn huyện đã trồng được 87.277 cây, trong đó có 2,215 cây cảnh, 24, 249 cây bóng mát, 4.683 cây ăn quả. Hàng năm, lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến huyện đã  xuống tham gia phát động Tết trồng cây tại các địa phương nhân dịp đầu Xuân năm mới đã gây nên không phí lao động sôi nổi, tạo nét đẹp mới trong phong tục tập quán, góp phần làm nên những công viên cây xanh, vườn cây kỷ niệm, thể hiện nếp sống mới độc đáo trong những ngày đầu Xuân.

Đón tết kỷ cương, an toàn, văn minh, tiết kiệm.

Ngày Tết, trong niềm vui chung của mọi người. Bên cạnh đó các tệ nạn như: cờ bạc, mê tín dị đoan, say rượu, vi phạm luật giao thông, đốt pháo nổ đã gây nên thảm họa cho nhiều gia đình, gây lãng phí cho xã hội cần phải được ngăn chặn và có thái độ lên án mạnh mẽ để giữ gìn nét đẹp văn hóa trong những ngày Xuân.

Xây dựng những sinh hoạt mới, mỹ tục mới, gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, trái với thuần phong mỹ tục sẽ góp phần làm cho Tết cổ truyền trên quê hương Hương Sơn ngày càng đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển trong giai đoạn hiện nay./.

Lê Nhật Tân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP