Tuỳ bút Quê hương

Đổi thay trên quê hương Trần Phú

Từ bao đời nay, người Tùng Ảnh chịu khó học, say mê lao động.

Xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), quê hương của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng không chỉ là vùng đất phong cảnh hữu tình mà còn là xứ sở của địa linh nhân kiệt.

Cuối năm 2013, xã Tùng Ảnh là địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh và các tỉnh Bắc Trung Bộ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Yếu tố làm nên thành công của Tùng Ảnh chính là biết huy động được sức mạnh tổng lực, trong đó vai trò của người dân được đề cao.

Vẻ đẹp làng thuần phong mỹ tục

Sắp đến ngày kỷ niệm 110 năm  ngày sinh của cố Tổng Bí thư Trần Phú, con đường nối từ ngã ba thị trấn Yên Trung lên tận bến Tam Soa sẽ trở thành “cung đàn vui” đưa làng Tùng Ảnh xích gần hơn với Thị trấn Đức Thọ. Đây nguyên là cung đường quốc lộ 8A cũ  nay được  láng  nhựa  với độ dài 4km vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Con đường đã trở thành một dấu ấn lịch sử đối với mọi nguời dân nơi đây bởi bao đời mơ ước. Vượt lên cả tầm mơ ước ấy là con đường này sẽ được thắp sáng hai dãy đèn cao áp.

Mùa vàng trên quê hương Tùng Ảnh.

Đứng từ đỉnh núi Quần Hội nơi khu mộ của đồng chí Tổng bí thư Trần Phú nhìn xuống bến Tam Soa ngỡ như mình đang lạc vào một thế giới cổ tích. Khi mặt trời ngả bóng về chiều những con thuyền lững lờ trên sóng nước. Trong ánh chiều tích tụ cả mầu mây màu nước ấy, tôi vẫn nhận ra nét đẹp riêng của làng Tùng Ảnh. Một vẻ đẹp thanh bình của vùng đất văn hoá ngàn đời. Con đê sông La hình cánh cung ôm ấp làng Tùng Ảnh. Một làng trông bốn phía phía nào cũng ngút ngát màu xanh: đồng quê xanh rì ngô lúa; dưới triền đê đậm đặc màu xanh su hào, cải bắp; vườn nhà xanh ngút ngát cây na, cây ổi bụi chuối hàng dừa… Bây giờ nhà san sát nhà, nhiều hộ làm ăn khá giả đã xây dựng nhà cao cửa rộng và tôn tạo cho mình “thâm nghiêm kín cổng cao tường”. Một số cụ trong hội người cao tuổi có thú vui tao nhã trồng cây cảnh, nuôi cá cảnh, nuôi chim cảnh. Còn gì sâu lắng tâm hồn bằng vừa được nghe tiếng lạch bạch của đàn vịt ngoài bờ ao, tiếng con gà cục tác nhảy ổ lại được nghe hoạ mi hót, nghe khướu dạo khúc tình ca. Bên ngoài lại nghe thầm thì tiếng con sông La vỗ sóng…

Tiên phong trong xây dựng nông thôn mới

Tôi nhớ lại cách đây hơn  20 năm, khi ghé vào thăm một ông bạn đồng nghiệp ở làng Tùng Ảnh thì bất ngờ trời đổ mưa chiều.  Hôm đó trong màn mưa dày đặc  tôi thấy một đám đông, người cầm lạt, kẻ vác tre nứa, họ tong tả đi về phía những  ngôi nhà dột ở cuối thôn mà để tập trung sức chống đỡ giữa “mưa gào gió thét” khi thời tiết đang diễn biến phức tạp. Khổ một nỗi ở làng Tùng Ảnh vốn đất thuần nông nên không có rừng cọ, cũng chẳng có nguồn lâm sản  tự nhiên. Vì thế hễ nghe tới mùa mưa bão là cả làng lo ngay ngáy. Thế mà giờ đây nỗi lo ấy bị mất hút trước sức bung của nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy khi huyện Đức Thọ thực hiện chủ trương của tỉnh phát động phong trào xoá nhà tranh tre dột nát cho người nghèo, tất cả mọi người dân trong xã không có một ai chần chừ. Họ bảo với nhau rằng: “Mình ấm phải thương kẻ không chăn, mình no phải biết thương kẻ đói ”. Thế là họ tự nguyện góp công, góp tiền. Bắt đầu là thôn góp, xã góp rồi huyện trích ngân sách giúp, rồi bộ tộc dòng họ và cả người xa xứ nữa. Chuyện làm nhà tình thương ở Tùng Ảnh đã trở thành chuyện của muôn người, muôn nhà.

Hệ thống giao thông xã Tùng Ảnh được bê tông hoá.

Hôm nay tôi trở về làng Tùng Ảnh, nghe cán bộ và dân háo hức bàn chuyện xây dựng  NTM. Bây giờ sáp nhập thôn  lại rồi, chuyện quy hoạch, chuyện quản lý đến những mô hình sản xuất Tùng Ảnh cũng phải thay đổi theo nhịp đi của thời đại.

Từ 17 thôn nay chỉ 12 thôn, với 2300 hộ và 7300 nhân khẩu, tại một xã có truyền thống đất cách mạng, đất hiếu học, nhưng để đạt được 19 tiêu chí đi đầu trong toàn tỉnh quả là một sự vật lộn đầy gian lao và thử thách. Ông Lê Tự Lập, Bí thư Đảng ủy xã Tùng Ảnh đúc kết được bài học thành công trong chiến lược xấy dựng NTM là:”Mở rộng dân chủ, phát huy nội lực, tích cực sự giúp đỡ ngoại lực “.

Tương tự,  Chủ tịch xã Phan Tiến Dũng cũng cho hay:  “Tôn trọng và lắng nghe ý kiến tập thể, chính là cán bộ địa phương biết tôn trong dân. Khi đã đồng thuận rồi hãy bàn đến vấn đề quy hoạch”,  từ chuyện nhỏ nhất là chỉ làm một đoạn mương ở dưới ruộng đến việc lớn như xây dựng chợ mới, quy hoạch chăn nuôi theo hướng tổng đàn… Bao nhiêu vấn đề đặt ra: từ chuyện lợi ích trước mắt đến lợi ích lâu dài, từ nguồn vốn tài chính đến chuyện bảo vệ môi trường… Cuộc cách mạng xây dựng NTM của Tùng Ảnh khởi đầu từ viêc chọn tiêu chí “dễ làm trước, khó làm sau”. Từ cán bộ xã đến trưởng thôn đều chung lưng đấu cật, những công trình xây dựng hạ tầng cơ sở như: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… Mọi hạng mục thi công đều được dân giám sát, kiểm tra nghiêm túc. Mỗi công trình sau khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng đều được minh bạch hóa nguồn vốn đầu tư. Tính dân chủ và minh bạch là điểm tựa vững chắc nhất để Tùng Ảnh sớm về đích NTM.

Nhiều người tự nguyện hiến đất, không ít những gia đình con cái làm ăn xa bây giờ thành đạt, được mọi người động viên đã góp tiền về giúp xã xây dựng NTM. Cảm động trước nguồn vốn trợ giúp 24 tỷ đồng của những người con xa xứ, những người trong cuộc ở quê đang “vận hành” chiến lược lớn đó luôn  trăn trở làm sao sử dụng đồng tiền đúng mục đích, phải phục vụ tốt lợi ích của dân.

Bà Phan Thị Mai, một nông dân tại xóm 4 (Tùng Ảnh) vui vẻ kể: “Từ khi tôi nghe tin vườn nhà mình có thể bị thu hẹp bởi dành đất cho địa  phương làm đường xây dựng NTM, tôi thấy mừng lắm. Bởi có đường rộng chạy  qua nhà lại đường bê tông nữa đi lại thoải mái hơn nhiều  nên hy sinh đi một vài trăm mét vuông đất thì chẳng lấy gì làm tiếc”.  Và chuyện bà Mai đã tiên phong trong phong trào hiến đất là tấm gương để hàng chục hộ dân trong xã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường.

Tuy là làng có diện tích không rộng, dân cư lại ở sát gần nhau, nhưng Tùng Ảnh vẫn xây dựng thành công tiêu chí chăn nuôi (một tiêu chí trong xây dựng NTM). Đến tháng 4/2014 toàn xã đã có 55 hộ chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô từ 350 con – 370 con, nhằm giúp các chủ hộ phát triển nghề nuôi lợn theo phương pháp mới, địa phương đã hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu  đồng để xây dựng bể khí biogas, mặt khác xã cũng phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi gia đình vay 15 triệu đồng (với lãi suất ưu đãi) để đầu tư chăn nuôi. Ngoài ra xã còn xây dựng trang trại chăn nuôi gà tập trung quy mô 5000 con tại xóm Châu Tượng, tiếp tục xây dựng mô hình trồng hoa trên khuôn viên 3,3 ha tại xóm Châu Nội.

Về lại Tùng Ảnh,  quê hương của đồng chí Trần Phú nghe chuyện NTM hẳn đang còn dài lắm. Làng chưa phải là làng giàu kinh tế, nhưng Tùng Ảnh vẫn tự hào là đất học, đất nghĩa khí và dám tiên phong đổi mới, xứng với ước nguyện của bao bậc tiền nhân đã tô thắm tên đất, tên làng.

Phan Thế Cải

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP