Đường sang sông cách trở
Chúng tôi đến Hồng Lam vào những ngày cuối tháng 3 cũng là lúc những đợt gió mùa tràn về. Đến được bến đò Hồng Lam, còn phải chờ mất cả tiếng đồng hồ mới có đò đưa chúng tôi qua sông.
Chỉ cách thị trấn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khoảng hơn 1km, Xuân Giang 2 hay còn gọi là “ốc đảo” Hồng Lam được biết đến như một hòn đảo nằm lọt giữa dòng sông Lam, với diện tích khoảng 4 km2. Phương tiện duy nhất để đến được đây đó chính là đò. Đây cũng chính là phương tiện duy nhất để tiễn người dân sang sông lên xã, vào chợ, đưa các em học sinh đến trường.
Nhìn từ xa, Hồng Lam như một con rồng khổng lồ dũng mãnh vươn mình theo dòng sông Lam ra biển lớn, xung quanh bờ được phủ một màu xanh hiền hòa của rừng cây. Nhưng có lẽ khi đến đây chúng tôi mới thấu hết cuộc sống lam lũ của người dân và có qua đò mới thấu hết được sự nguy nan của những chuyến đò ngang.
Trên chuyến đò đến bên Hồng Lam, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ, tay xách chiếc cặp, đầu vẫn còn đội nón bão hiểm đang hớt hả chạy về phía con đò, anh chủ lái đò cho hay đó chính là cô giáo Đậu Thị Nghi, giáo viên trường Mầm non Xuân Giang.
Nhà cô giáo Nghi ở phía bên kia bờ sông Xuân Giang 1, nên mỗi ngày cô phải đi đò để đến trường. Đều đặn mỗi ngày 2 lần, buổi sáng 7h sang 11h về, buổi chiều 2h qua 5h về. Có những khi nước lớn, đò tròng trành không sang được bờ là cô Nghi phải ở lại.
Ngồi chung chuyến đò, cô Nghi tâm sự: “Trước đây cô dạy tại trường Mầm non Xuân Giang (phân cụm 1) 15 năm, còn hơn 2 năm nay cô được phân sang dạy tại phân cụm 2. Nên hằng ngày cô phải sang sông bằng đò để dạy học, giờ trường mầm non chỉ con 11 cháu nhưng hơn lúc nào hết chúng tôi vẫn luôn mong cái chữ đến với lũ trẻ ở “ốc đảo” này”.
Tuy nhà nghèo, nhưng những đứa trẻ trên “ốc đảo” Hồng Lam vẫn được học hành đến nơi đến chốn.
Ông Đinh Hải Long, một người cao tuổi trong làng cho hay, hiện làng Hồng Lam có khoảng hơn 30 người đậu đại học, cũng có nhiều người thành đạt, nhưng có lẽ vì đường qua sông còn cách trở nên không ai muốn trở lại quê.
Dù ở bên kia sông nhưng mọi hoạt động đều phải tham gia ở bên này chính vì vậy mà việc đi lại của người dân trở thành nổi lo lắng của các cấp chính quyền địa phương và nhân dân nhất là vào mùa mưa lũ.
Tiếng gọi đò
Trở về trên chuyến đò cuối cùng, chúng tôi được chứng kiến cảnh chen lấn của những hành khách, những người nông dân lam lũ. Sau một ngày làm việc, có lẽ ai cũng nóng lòng trở về nhà nên cứ cố chen lấn tìm cho mình một chỗ trên con đò bé nhỏ.
Tất cả hành khách, phương tiện và hàng hóa đều được chất lên đò. Sau mấy phút chờ đỡi xem có ai đến chậm hay không bác lái đò cho đò rời bến. Dường như con đò gồng hết sức mình lên để dịch chuyển rồi nó cũng quay đầu và tiến về phía bên kia bến.
Khi đò đi được khoàng vài trăm mét thì có 2 em học sinh dắt xe đạp hớt hải chạy tới. Nhưng đã chậm mất rồi, chuyến đò cuối cùng trong ngày đã rời bến. Chúng cố gắng dùng hết sức để gọi bác lái đò, nhưng có lẽ tiếng gọi yếu ớt của chúng không thể kéo nổi con đò chật ních quay trở lại.
Tuyệt vọng, một đứa ngồi sụp trên bến sông nhìn theo con đò mờ xa dần với với bóng hoàng hôn. Thấy thương hai đứa trẻ, chúng tôi dừng lại an ủi chúng và được biết, vì khi tan trường, chiếc xe đạp cà tàng bị hỏng nên chúng nó về muộn. Giờ không thể về chắc bố mẹ đang mong chờ, lo lắng lắm, phải tìm nhà quen ngủ lại để chờ chuyến đò đầu tiên vào ngày mai.
Được biết thì đây không phải là lần đầu tiên bị nhỡ đò vì ngày nào chúng cũng phải sang sông để đi học. Cả làng chỉ có mỗi con đò nên phải đến đúng giờ nếu không sẽ không được sang sông và cũng vì vậy mà chúng thường xuyên phải nghỉ học.
Mỗi khi mưa gió là đò nghỉ chèo để đảm bảo an toàn theo yêu cầu của cấp trên. Mà thiên nhiên, thời tiết thì bất thường, mỗi khi trời trở gió là lớp học lại trống trải vì không có đò đưa sang sông.
Không biết có phải do đường qua sông cách trở khó khăn nên học sinh phải bỏ học giữa chừng, còn đứa theo học thì cũng ngày đi ngày nghỉ vì thế mà kiến thức cứ hỏng dần đến khi không theo được bạn bè lại bỏ học.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, một đứa bảo: “Cháu chỉ ước đò quay trở lại để được về nhà. Còn đứa kia thì bả dù sao hôm nay cũng không được về nhà. Nếu được ước luôn thì ước luôn một cây cầu bắc qua sông để hôm nào cũng được đi học và không lo sợ tai nạn khi ngồi trên đò lênh đênh giữa sông nước….
Một cây cầu bắc qua sông phục vụ nhu cầu đi lại là ước nguyện lớn nhất của bà con xóm đảo. Có nối liền với bờ thì Hồng Lam mới có cơ hội phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Không biết đến bao giờ ước mơ ấy trở thành hiện thức để những chuyến đò lùi vào ký ức cho những khát vọng tương lai của người dân Hồng Lam nói chung và những bước nhân nhỏ bé, yếu ớt kia kịp về với mái ấm để mai lại đến trường mà không lo lắng chuyện chậm đò.