Địa Chí Hà Tĩnh

Độc đáo nét đẹp Văn hoá nói lối Yên Huy (Yên Lộc – Can Lộc)

Can Lộc từ xưa vốn là cái nôi của nhiều nét văn hóa độc đáo. Nếu như Trường Lưu (Trường Lộc) với những điệu ví phường vải làm say đắm lòng người thì nói lối Yên Huy (Yên Lộc) lại là nét đặc trưng riêng của việc sử dụng ngôn ngữ một cách “điệu nghệ” trong lao động, sản xuất và sinh hoạt để tạo nên những tiếng cười sảng khoái, làm vơi bớt mệt nhọc, lo âu.

Yên Huy là vùng đất bán sơn địa: có núi đồi, có đồng bằng nhưng đất pha cát nên cuộc sống của con người nơi đây từ bao đời nay khá vất vả, thiếu thốn như một câu ví còn lưu truyền: “Em về Trúc Trổ, Hồ Trai – Ở Yên Huy khó nhọc, ăn khoai bốn mùa”. Tuy nhiên, ngày nay, Yên Huy đã có nhiều thay đổi.

Yên Huy trên đường đổi mới.

Nếu như xưa kia, đây chỉ có cát và bùn như tên cổ của nó – Sa Nê (sa: cát, nê: bùn) thì bây giờ là những làng xóm khang trang, những con đường bê tông tựa như dải lụa mềm uốn lượn giữa bạt ngàn lúa, ngô, khoai, sắn. Điều đặc biệt với người dân nơi đây là đời sống tinh thần, họ luôn sáng tạo ra những câu chuyện vui, cách nói dí dỏm, thông minh. Ấy là kiểu nói lối.

Đây là nghệ thuật khẩu ngữ bao hàm trong đó nhiều cách tạo thành nói lối như: nghệ thuật dùng chữ, đảo từ, bắt bẻ, đánh tráo từ, cắt xén nội dung…, đặc biệt là nghệ thuật chơi chữ được sử dụng rất “điệu nghệ” – đó là hạt nhân của nói lối. Kiểu nói này tạo ra sự trái khoáy, bất ngờ so với những logic thông thường, tạo nên sự hài hước, dí dỏm, đôi khi mang tính mỉa mai và nhiều mục đích khác trong những hoàn cảnh cụ thể. Muốn vậy, người nói phải có sự liên tưởng và phản xạ rất nhanh, biểu thị sự lạc quan, thông minh, nhạy cảm trong giao tiếp, hay nói cách khác nói lối là hình thức đối thoại giữa người hỏi và người trả lời. Người đối thoại đưa ra câu trả lời dựa vào vấn đề người hỏi đặt ra, nhưng câu trả lời thường trái với ý đồ của người hỏi mặc dù vẫn đúng với nội dung ngôn từ đưa ra. Đây là một nghịch lý mà người hỏi phải chấp nhận và chính nó là cơ sở để tạo ra tiếng cười trong những mẩu đối thoại. Trong các trường hợp trên, người hỏi bao giờ cũng rơi vào tình trạng cụt hứng, lúng túng và không thể tiếp tục câu chuyện được nữa, nhưng họ không dễ từ bỏ mà sẽ tìm dịp “trả đũa”. Ví như câu chuyện sau đây:

Có một người đang cày dưới ruộng, anh hàng xóm đi qua hỏi: “Cày mần chi rứa ôông” (Cày làm gì thế ông?). Ông ta trả lời: “Cày để bừa”. Thấy thất lý, anh ta bỏ đi, tính cách trả đũa. Gần trưa, khi đi qua gần chỗ người đàn ông đang cày, anh hàng xóm cố tình chạy thật nhanh, ra vẻ hốt hoảng lắm. Ông ta dừng cày và hỏi: “Có chuyện chi mà chạy khiếp rứa (thế)?”. Người kia dừng lại trả lời: “Chạy cho nhanh”.

Nói lối xảy ra phổ biến trong lao động sản xuất, trong chợ búa mua bán, trong giỗ tết, trong những tình huống ngặt nghèo như bị chồng đánh, ốm đau, trong trò chuyện giữa hai ông thông gia, hai ông hàng xóm thân thiết … Ở Yên Huy, nơi đâu có hoạt động của con người là có nói lối, thậm chí, trong giờ giảng của giáo viên với học trò. Ví như câu chuyện của một ông cụ hỏi thầy giáo dạy sử rằng: “Theo thầy, độ (đậu) thắng hay vưng (vừng) thắng?”. Thầy nói: “Câu hỏi của cụ thuộc lĩnh vực sinh học chứ không phải là sử học”. Cụ bảo: “Đây là câu thuộc về sử học chứ”. Rồi cụ giải thích: Tôi nói Vưng thắng, Độ thua, bởi vì: nói Trưng nữ Vương đánh thắng Tô Định. (Nói lái Trưng nữ Vương là Trương nữ Vưng đánh thắng Tô Định là Tinh Độ.)

Hay trong một câu chuyện xung quanh từ “chết”: Hai ông thông gia hỏi nhau về chuyện tang lễ. Ông A. hỏi: “Bên ông chết có ăn không?” (ý hỏi là nếu có người chết thì có làm cỗ bàn ăn uống không. Ông B. trả lời: “Không, bên tôi chết là đem chôn hết”.

Rõ ràng, nói lối Yên Huy chỉ xảy ra một lần, không bài nào giống bài nào và cũng không bản nào giống bản nào bởi trong cuộc sống, lao động, người dân gặp vô vàn những tình huống khác nhau mà những sự việc như vậy khó lặp lại lần thứ hai, nếu gặp cũng không thể y hệt như vậy. Theo giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Cù Huy Tịnh (xóm Đông Lĩnh), một trong những người hay sử dụng lối nói này trong đời sống và có nhiều cách nói độc đáo nhất.

Ông Tịnh cho biết: “Nếu bây giờ bảo tôi bịa ra một câu chuyện để nói lối thì tôi sẽ không làm vì nó sẽ mất tự nhiên như đặc điểm vốn có của nét văn hóa này”. Ông cũng khẳng định: “Hiện tại, nhiều địa phương trong huyện, thậm chí là trong tỉnh cũng biết sử dụng hình thức này, nhưng người Yên Huy có những cách nói đặc trưng mà hiếm ai có thể bắt chước được”. Chắc cũng vì lẽ đó mà nói lối Yên Huy lại có sức sống lâu bền và có những giá trị độc đáo đến vậy.

Nói lối Yên Huy được diễn ra rất hồn nhiên trong sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân. Hoàn cảnh và giọng điệu tự nhiên đã làm nên tính hài hước, ý vị và phong cách của người Yên Huy. Đây là một đặc trưng về văn hóa làm nên diện mạo, hương sắc của một làng quê rất cần được gìn giữ và phát huy.

Hoài Thu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP