Đặc Sản Hà Tĩnh

Độc đáo đũa cau rừng Hương Sơn

Một lần qua xóm Phúc Thịnh – xã Sơn Thịnh (Hương Sơn), tôi nghe bà con tấm tắc về tài làm đũa của bác Nguyễn Phi Hùng (64 tuổi). Đũa bác làm không phải đũa dừa, đũa gỗ, đũa tre như ta thường sử dụng, mà là cau rừng – loại đũa quý và độc đáo. Từ đôi tay khéo léo, từng sản phẩm ra đời là một nét văn hóa đẹp, kết tinh bao tâm huyết của người thợ già.

Độc đáo đũa cau rừng
Làm đũa cau đòi hỏi công phu, tỉ mỉ

Làm đũa cau đòi hỏi công phu, tỉ mỉ và tay nghề nhất định. Kỹ thuật cao, sự cầu kỳ, khéo léo là tiêu chí hàng đầu. Sản phẩm đẹp, trải qua nhiều công đoạn. Nét độc đáo của đũa cau rừng thể hiện ngay ở cách sơ chế nguyên liệu.

Đầu tiên, phải cưa cây cau thành khúc, chẻ từng thanh nhỏ, phơi khô, đem luộc, rồi tiếp tục phơi. Khác với các loại đũa thông thường, muốn làm đũa cau buộc phải luộc nguyên liệu từ 2-3 tiếng, để đũa không bị mốc và giữ được hương thơm tự nhiên. Phơi cau 4-5 nắng và phải là nắng nhạt của mùa xuân, mùa thu, tránh cau bị nứt, vỡ. Sau khi sơ chế nguyên liệu, người thợ đem gọt, nạo nhẵn và đánh bóng. Muốn đũa sáng đẹp phải cần giấy nhám.

Độc đáo đũa cau rừng
Phải cưa cây cau thành khúc, chẻ từng thanh nhỏ, phơi khô, đem luộc, rồi tiếp tục phơi

Theo kinh nghiệm, đũa đánh nhám càng lâu càng tinh xảo. Bác Hùng chia sẻ: “Cau phải trên 10 năm tuổi mới có thể làm đũa. Muốn sản phẩm đẹp thì cau phải thật già. Nhưng điều khó là cây đạt chất lượng rất hiếm bởi bị khai thác quá nhiều. Do đó, phải tuyển chọn nguyên liệu kỹ lưỡng để cho những sản phẩm đẹp nhất”.

Đũa cau đều và đẹp, một bề tròn xoe, một bề vuông vức, trông rất thích. Nét đặc sắc để phân biệt đũa cau là khi cầm sẽ thấy nặng tay và chắc chắn. Nếu đũa nhựa, đũa gỗ… bao bọc bên ngoài bởi một lớp sơn, thì đũa cau rừng có màu sắc tự nhiên, không qua sơn nhuộm. Đũa cau không mốc như đũa tre, không độc như đũa gỗ, đũa nhựa… và luôn sáng bóng… Phải chăng vì thế mà rất nhiều người “mê” nó?

Độc đáo đũa cau rừng
Đũa cau không mốc như đũa tre, không độc như đũa gỗ, đũa nhựa… và luôn sáng bóng

Đũa cau rừng đã đi khắp đất nước, như một món quà quê, gợi đặc trưng riêng về đất và người xứ Nghệ!

Mỗi khi nhắc đến bác Hùng, bà con Sơn Thịnh nghĩ ngay tới tay nghề của bác. Điều lạ là ở mảnh đất này, chỉ bác mới theo đuổi được nghề. Mong rằng, sẽ có thêm nhiều người học, làm nghề để tặng cho đời món quà đặc biệt: đũa cau rừng.

THU PHƯƠNG

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP