Theo khảo sát, tại các chợ truyền thống ở Hà Nội, thị trường rượu nếp Tết Đoan Ngọ có 2 mặt hàng chính là rượu nếp cẩm và rượu nếp trắng. Theo đó, rượu nếp trắng có giá bán dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi rượu nếp cẩm có giá bán đắt hơn từ 70.000 - 100.000 đồng/kg.
Rượu nếp là mặt hàng không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Việt Vũ) |
Vào đúng ngày Tết Đoan Ngọ, giá bán của rượu nếp có thể tăng nhẹ từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại. Theo tiết lộ của nhiều tiểu thương, bán rượu nếp trong Tết Đoan Ngọ có thể cho thu nhập đến 1 triệu đồng/ngày.
Chia sẻ với VTC News, chị Thu Hằng, một tiểu thương bán hoa quả tại chợ Khâm Thiên cho biết, chỉ trong vòng 3 ngày trước Tết Đoan Ngọ, chị đã bán được 40kg rượu nếp.
"Bình thường gia đình tôi bán hoa quả tại đây. Nhưng tranh thủ dịp này bán thêm rượu nếp để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày tôi bán được hơn 10kg, càng gần đến Tết Đoan Ngọ càng đắt khách. Thậm chí hôm qua (6/6), tôi chỉ bán trong vài tiếng buổi sáng là hết 15kg rượu nếp. Vì vậy, hôm nay tôi tăng thêm 5kg rượu nếp nữa để phục vụ nhu cầu của khách hàng", chị Hằng nói.
Cũng theo chị Hằng, so với rượu nếp trắng, rượu nếp cẩm được nhiều người ưa chuộng hơn. Trung bình, có 3 người mua thì 1 người mua nếp trắng, 2 người còn lại mua nếp cẩm".
Vài năm trở lại đây, người dân có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn, song rượu nếp chưa bao giờ ế trong ngày Tết Đoan Ngọ. (Ảnh: Việt Vũ) |
Cô Hoàng Thị Bích, một tiểu thương bán rượu nếp tại chợ Kim Liên cho biết, vài năm trở lại đây, người dân có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn, song rượu nếp chưa bao giờ ế trong ngày Tết Đoan Ngọ.
"Ngày bình thường, cô chỉ bán khoảng 5kg, tuy nhiên, đến đúng dịp Tết Đoan Ngọ, nhu cầu mua rượu nếp có thể tăng lên gấp 4, gấp 5 lần. Nhiều khi còn không có để bán", cô Bích nói.
Cô Bích nói thêm, mỗi năm, số lượng tiểu thương bán rượu nếp lại tăng lên theo cấp số nhân: "Nếu như cách đây 10 năm, chỉ có vài hộ tại chợ Kim Liên bán rượu nếp trong ngày này thì năm nay, số lượng người đã tăng lên rất nhiều. Bà bán rau, bán thịt, bán cá cũng tranh thủ bán rượu nếp để kiếm thêm thu nhập".
So với nếp trắng, rượu nếp cẩm được ưa chuộng hơn, giá bán cũng đắt gấp đôi. (Ảnh: Việt Vũ) |
Gia đình cô Bích có nghề làm rượu nếp lâu năm tại Thanh Trì (Hà Nội). Theo bí quyết của cô Bích, rượu nếp muốn ngon quan trọng nhất là gạo: "Muốn rượu nếp ngon, gạo cũng phải ngon. Ngoài ra, khâu ủ men phải cực kỳ cẩn trọng, sau đó nấu cơm rượu phải đảm bảo không nát, nhưng cũng không quá khô".
Ngoài rượu nếp, các mặt hàng khác như mận, bánh tro cũng đắt khách trong dịp Tết Đoan Ngọ. Theo khảo sát vào sáng 7/6, giá mận đang tăng gấp đôi lên 40.000 - 50.000 đồng/kg (ngày thường dao động trong khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg), bánh tro được bán với gái 70.000 đồng/10 chiếc.
Tác giả: Việt Vũ
Nguồn tin: Báo VTC News