Trong nước

Dịch giả Thúy Toàn: Maxim Gorky hết lòng ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Maxim Gorky - một trong những nhà văn vĩ đại của nền văn học Nga nói riêng và nền văn học thế giới nói chung, cũng là người tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 150 ngày sinh của nhà văn Maxim Gorky, VTC News có cuộc trò chuyện với dịch giả Thúy Toàn về những đóng góp của Gorky đối với nền văn học Nga và thế giới, cũng như sự ảnh hưởng của các tác phẩm do Gorky sáng tác tới phong trào cách mạng Việt Nam.

- Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh của nhà văn Maxim Gorky, 1 cuộc khảo sát thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Xã hội Toàn Nga chỉ ra rằng có đến 91% người dân đọc tác phẩm của ông và 74% xem các tác phẩm chuyển thể từ sáng tác của Gorky. Theo ông nhận định, điều gì khiến những tác phẩm của Gorky vẫn còn sức sống cho tới thời đại ngày nay?

Gorky viết rất thật, Gorky viết từ cuộc sống và cuộc sống của người dân Nga luôn luôn là cuộc đấu tranh không chỉ để tồn tại mà còn để xây dựng hạnh phúc của mình – đất nước chính là hạnh phúc ấy. Nước Nga luôn phải đối đầu với những thử thách bên trong và bên ngoài, để nước Nga tồn tại và vươn lên thì người Nga chỉ có thể dựa vào mình chứ không thể dựa vào ai cả.

Gorky thể hiện điều này rõ ràng hơn, mạnh hơn những nhà văn khác, ông tìm được mục đích cho cuộc đấu tranh. Phê phán thì dễ, chỉ ra được mục đích và con đường để đi đến mục đích ấy là điều quan trọng hơn nhưng cũng vô cùng khó. Kể cả có chỉ ra rồi thì mục đích ấy rất khó để đạt được, con đường ấy cũng đầy rẫy chông gai.

Kết quả có 91% người dân đọc tác phẩm của ông và 74% xem các tác phẩm chuyển thể từ sáng tác của Gorky là vì thế, bởi họ thấy được rằng Gorky mang đến cho họ điều có thể ví như ánh sáng cuối đường hầm.

Maxim Gorky là nhà văn vĩ đại, có tầm cỡ thế giới, đồng thời ông cũng là nhà chính trị, nhà cách mạng và thậm chí có thể nói rằng ông là 1 người Bolshevik, dù Gorky không phải đảng viên chính thức của Đảng Bolshevik nhưng ông rất thân quen và rất ủng hộ sự nghiệp cách mạng của những người Bolshevik ở Nga.

Với tư cách là 1 nhà văn vĩ đại của nước Nga nói riêng và thế giới nói chung, Maxim Gorky để lại 1 sự nghiệp đồ sộ. Năm 2005, Viện Hàn lâm Khoa học Nga xuất bản bộ sách gồm 100 tập có tựa đề 3 thế kỷ văn học Nga, trong đó riêng các sáng tác của Gorky chiếm đến 4 tập. Điều này chứng tỏ sự tôn trọng rất lớn của người Nga hiện nay đối với Maxim Gorky.

Sách giáo khoa sử dụng trong các nhà trường phổ thông Nga được in năm 2002 đánh giá Gorky, theo cách dùng từ của người Nga, là “trên cả mức vĩ đại”. Nếu như thiếu đi những thành tựu nghệ thuật của Gorky thì người ta không thể hình dung được một cách đầy đủ văn học Nga lẫn văn học thế giới. Đó là những gì mà sách giáo khoa cho cấp học phổ thông của Nga có viết.

Nhà văn Maxim Gorky.

- Để có được những trang sách vĩ đại ấy, hẳn cuộc đời của nhà văn Maxim Gorky trải qua nhiều biến động?

Maxim Gorky là nhà văn hết sức nhiều mâu thuẫn trong bản thân ông, trong tiểu sử của ông và cả trong cuộc sống của ông. Người ta nhận định rằng cuộc đời của Gorky bí ẩn, nhiều trang trong cuộc đời của ông còn chưa được hiểu hết.

Gorky là bạn thân của Lenin, 2 ông gặp nhau vào những năm đầu của thể kỷ 20, khi trở về nước Nga, Gorky để ủng hộ tài chính rất nhiều cho Đảng Bolshevik, dù không phải là đảng viên chính thức.

Gorky ủng hộ việc xây dựng thế giới mới, ông nhận ra rằng chủ nghĩa Mác mở ra cho thế giới thấy con đường để đi đến nhưng trên con đường đó, người ta phải tìm tòi và nhiều khi không tránh được những sai lầm.

Sau Cách mạng tháng Mười Nga, bản thân ông có những mâu thuẫn với những người Bolshevik về những tồn tại trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô lúc bấy giờ. Nhưng Gorky vẫn hướng tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, mà khi ấy gọi là xã hội cộng sản chủ nghĩa chứ không hướng tới điều gì khác.

Do đó, vào năm 1921, Lenin khuyên Gorky nên ra nước ngoài chữa bệnh và Gorky làm theo lời khuyên này. Mãi tới năm 1928, Gorky mới trở về Nga và lúc này ông được đón tiếp rất trọng thể. Khi thấy được những thay đổi lớn ở Liên Xô, Gorky cảm thấy rất mừng.

- Các tác phẩm văn học của Maxim Gorky được biết đến rộng rãi ở Việt Nam từ khi nào và chúng có ảnh hưởng thế nào đối với sự nghiệp cách mạng của chúng ta, mà cụ thể là những người thanh niên và trí thức cách mạng Việt Nam?

Theo quan điểm của tôi, thứ nhất, Maxim Gorky là nhà văn có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Việt Nam. Người Việt Nam biết đến Gorky từ những năm 1930, đặc biệt từ sau ngày ông mất, tức ngày 18/6/1936, toàn bộ giới văn học và trí thức Việt Nam đều nói về Maxim Gorky.

Đó cũng là lần đầu tiên Maxim Gorky được đề cập tới một cách công khai trên báo chí Việt Nam thời kỳ này.

Trên tờ Thế giới, tờ báo của Mặt trận Dân chủ, có bài viết của nhà văn Hải Triều, bài viết này nhận định rằng Maxim Gorky là người thợ tiên phong xây dựng nền văn hóa mới.

Phải nói rằng, khi Maxim Gorky mất, văn học của nước Nga và văn học thế giới bàng hoàng và có nhà văn nhận định rằng đây là nỗi đau không chỉ của nước Nga Xô viết mà hơn thế nữa, còn là nỗi đau chung của giới văn chương thế giới.

Dù cho có các ý kiến khác nhau khi người ta đánh giá về đóng góp của Gorky đối với việc xây dựng nền văn hóa mới, một bên nhận định rằng Gorky mở lối cho thế hệ thanh niên lúc bấy giờ tìm tới tương lại, bên khác lại cho rằng Gorky viết thiên vị cho giai cấp vô sản mà ông vốn yêu quý, nhưng tất cả đều đánh giá cao những giá trị tư tưởng nghệ thuật cả về hình thức lẫn nội dung trong các sáng tác của Gorky.

Trong cuốn Văn sĩ và xã hội xuất bản năm 1937, nhà văn Hải Triều nhắc đến 3 nhà văn cách mạng Maxim Gorki, Romain Rolland và Henri Barbusse. Trong cuốn sách này nhà văn Hải Triều viết lại các đánh giá về Gorky của ông một cách đầy đủ hơn, sâu sắc hơn.

Từ năm 1945 trở đi, tác phẩm của Gorky được xuất bản công khai. Sau khi tên tuổi của Gorky xuất hiện trên báo chí của chúng ta thời kỳ này, thanh niên Việt Nam đi tìm đọc các tác phẩm của ông – không phải chỉ là một vài truyện ngắn nổi tiếng của ông mà còn tất cả các truyện và tiểu thuyết khác của Gorky.

Nhà văn, nhà báo và nhà lý luận phê bình Như Phong kể lại rằng ông cùng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đọc trọn vẹn bộ tiểu thuyết Cuộc đời Klim Samgin - bộ tiểu thuyết mà Gorky dành trọn tâm huyết cả đời sáng tác. Đây là tác phẩm đồ sộ, chiếm tới 3 tập lớn của bộ tuyển tập 3 thế kỷ văn học Nga với gần 2.000 trang.

Tiểu thuyết Người mẹ, lúc đó được dịch tên là Bà mẹ, được xuất bản chính thức sau năm 1945. Còn vào năm 1936, bản dịch của Trần Mai Ninh được chuyền tay nhau, thậm chí người ta học thuộc lòng toàn bộ bản dịch cuốn tiểu thuyết Người mẹ của Gorky rồi “xuất bản miệng”, tức là kể cho nhau nghe.

Có thể bây giờ khi ta đọc tác phẩm Người mẹ của Gorky, chúng ta không thể thấy được xúc động như lúc bấy giờ, khi giới thanh niên đang đi tìm con đường giải phóng dân tộc thì gặp tác phẩm Người mẹ. Tác phẩm đó mở ra cho giới thanh niên lúc bấy giờ con đường đi rõ ràng để giải phóng dân tộc.

Giá trị của tác phẩm Người mẹ ở thời kỳ đó hết sức lớn lao, đồng thời những tác phẩm văn học với giá trị nghệ thuật rất cao của Gorky mang đến ảnh hưởng rất lớn đối với thanh niên Việt Nam trong giai đoạn đi tìm đường cứu nước.

Dù chúng ta có dịch và xuất bản nhiều tác phẩm của Gorky, nhưng đó chỉ là phần rất nhỏ trong di sản mà ông để lại. Những tác phẩm và bản dịch ấy để lại dấu ấn trong nhiều thế hệ bạn đọc. Lấy ví dụ, tập truyện ngắn của Gorky được xuất bản năm 1956-1957, do nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi giới thiệu và nhà văn Nguyễn Tuân có tham gia dịch thuật.

Nhà văn Nguyễn Tuân dịch rất nhiều truyện ngắn của Gorky, Nguyễn Tuân là người cân nhắc đến từng từ từng chữ trong các sáng tác của ông, mà phải phục văn Gorky để bỏ công sức ra dịch truyện ngắn và thơ văn xuôi của Gorky thì đủ hiểu ảnh hưởng của Gorky lớn đến thế nào.

Hiện nay, các công trình nghiên cứu về Gorky vẫn được tiếp tục, các nhà lý luận phê bình văn học ở Nga và thế giới vẫn tiếp tục đánh giá Gorky là một trong nhà văn vỹ đại nhất không những của nước Nga mà còn của toàn thế giới.

Các tác phẩm của Gorky vẫn tiếp tục được giảng dạy ở các nhà trường, mới đây bộ Toàn tập Gorky trên 40 tập được xuất bản ở Nga, gồm các tác phẩm của Gorky cùng những thư từ, bài phát biểu, bài báo, những ghi chép của ông. Đó là sản phẩm sáng tạo đồ sộ của Gorky với tư cách là 1 nghệ sĩ, 1 nhà văn.

Về ảnh hưởng của Gorky với các thế hệ của chúng ta, lớp đàn anh của chúng ta trưởng thành trong cách mạng nhờ một phần không nhỏ ảnh hưởng từ các tác phẩm của Gorky như “Thời thơ ấu”, “Kiếm sống”, “Những trường đại học của tôi”. Những thế hệ sau này, dù mới chỉ đọc một phần trong số các tác phẩm của Gorky thôi, nhưng đều nhận thức được, học được rất nhiều điều từ Gorky.

Và tôi muốn nhấn mạnh rằng, phải đọc Gorky cho kỹ trước khi đánh giá về Gorky.

Maxim Gorky là người duy nhất trong giới trí thức châu Âu lên tiếng phản đối thực dân Pháp khi chúng thực hiện hành động đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.

- Maxim Gorky từng nhắc trực tiếp đến đất nước Việt Nam và phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh…

Ngày 1/12/1945, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công một thời gian ngắn, thì tờ Tiên phong của Hội Văn hóa Cứu quốc đăng bài dịch và dẫn giải của nhà văn Hải Triều, đó là bức thư trả lời nhà báo Mỹ của Gorky vào khoảng năm 1931. Trong bức thư này, Gorky lên án văn hóa tư sản, giới văn hóa tư sản và cái gọi là “nhân đạo chủ nghĩa” của tư sản.

Gorky 2 lần nhắc đến Đông Dương và Việt Nam, Ấn Độ, châu Phi..., trong đó nhắc trực tiếp đến đất nước Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Ở đây, Gorky phê phán thái độ lãnh đạm của giới tư sản phương Tây đối với việc đàn áp các dân tộc ở phương Đông - Ấn Độ và Việt Nam.

Trong lá thư này, Gorky nói rõ rằng nhân dân tại Việt Nam bị tàn sát bằng súng đại bác, súng liên thanh – ý nói về vụ đàn áp Cầu Am và vụ đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh của chúng ta. Thế nhưng giới tư sản phương Tây im lặng trước điều này. Trong khi đó nếu ở Liên Xô, một giáo sư có tư tưởng phản động, bảo hoàng bị bắt thì phương Tây lại làm ầm ĩ lên.

Có thể nói từ đầu những năm 1930, Gorky là người duy nhất trong giới trí thức châu Âu lên tiếng phản đối thực dân Pháp khi chúng thực hiện hành động đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh của nhân dân ta.

Dịch giả Thúy Toàn

Có thể nói từ đầu những năm 1930, Gorky là người duy nhất trong giới trí thức châu Âu lên tiếng phản đối thực dân Pháp khi chúng thực hiện hành động đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh của nhân dân ta.

Tôi nghĩ rằng, bài báo mà nhà văn Hải Triều dịch thể hiện tấm lòng của chúng ta đối với sự ủng hộ mà Maxim Gorky dành cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta cho đến ngày Cách mạng tháng 8 giành thắng lợi. Đó là lời cảm ơn dành cho Gorky.

Thêm vào nữa, sự nghiệp cách mạng của chúng ta được một trong những tiếng nói có trọng lượng trong giới trí thức Nga, đó là Gorky, ủng hộ ngay từ thời kỳ trước khi Cách mạng tháng 8 thành công. Sau này, các nhà văn Liên Xô nói riêng và nhân dân Liên Xô nói chung ủng hộ chúng ta trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước cũng như trong những năm tháng xây dựng đất nước – mối quan hệ đặc biệt này được Gorky đặt nền móng từ những năm 1930.

- Gorky được coi là đại diện tiêu biểu, thậm chí là người sáng lập ra trường phái hiện thực xã hội chủ nghĩa. Theo ông nhận định, những tác phẩm của Gorky có vai trò như thế nào trong việc hình thành và phát triển nền văn học Xô viết và văn học Nga?

Tôi cho rằng Gorky là người tiếp tục phát triển khuynh hướng hiện thực của Nga, mà người đặt nền móng cho khuynh hướng này là Pushkin. Nhưng cần phải thấy rằng, Gorky muốn tìm thấy con đường đi đến hạnh phúc.

Những nhân vật của của nhiều nhà văn cùng thời có thể rất đẹp nhưng họ chỉ là những người nổi dậy chống lại xã hội bất công, các nhà văn này chưa chỉ ra được con đường để đi đến hạnh phúc. Còn Gorky, ví dụ như trong tác phẩm “Người mẹ”, nhân vật Pelageya Nilovna Vlasova thấy được con đường đi đến hạnh phúc. Hiện thực để tìm ra con đường đi tới mục đích thì đó chính là hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Chính khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa trong các tác phẩm của Gorky mở đường cho những lớp thanh niên yêu nước Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Tác giả: NGUYỄN TIẾN

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG