Các công ty thực phẩm chay, quán chay, nhà hàng chay mọc lên khắp nơi trong TP để đáp ứng nhu cầu có thật của thị dân. Thế nhưng...
Có phải chay tốt hơn mặn?
Hỏi tức là trả lời: tốt và không tốt. Có thể tốt với cơ địa người này nhưng lại dị ứng với người kia. Đó là câu trả lời của một bác sĩ chuyên về tiêu hóa khi một người bạn hỏi anh tại một tiệc cưới mà thấy tôi không ăn thịt nên tưởng tôi ăn chay. Anh bạn bác sĩ còn nói thêm kể cả thực phẩm chay hiện nay cũng không hoàn toàn vô hại khi mà nhiều loại rau củ cũng bị ô nhiễm trầm trọng. Anh nói thêm ăn chay, ăn kiêng thường dùng thực vật làm thực phẩm chính, kèm theo một số nguyên liệu gia vị được chế biến từ nấm hay bột ngọt, bột nêm mà nếu không biết chế biến sẽ cực kỳ nguy hại đến sức khỏe. Còn rau củ quả bày bán ngoài chợ hay siêu thị hầu hết được trồng với phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất bảo quản - kể cả nhiều thủ thuật bảo quản bằng hóa chất độc hại để kéo dài vẻ tươi ngon mà gần đây trên các phương tiện truyền thông đã liên tiếp cảnh báo...
Bà chị cả tôi ngoài 70 tuổi, mấy năm nay ăn chay trường và ăn kiêng chữa bệnh, nhiều chứng bệnh trước đây của chị đã giảm nhiều. Đáng nói là những rau củ chị ăn đều do chính tay chị trồng trên sân thượng. Nhưng ở TP đâu phải ai cũng có điều kiện tự trồng trọt để ăn như chị. Một số rau củ quả bán trong các siêu thị với giá cao được giới thiệu là thực phẩm sạch, canh tác bằng phân hữu cơ nhưng nhiều người vẫn nghi ngờ tính xác thực của nó.
Một anh bạn tôi viêm loét hang vị bao tử và viêm đại tràng, đã đi nội soi cắt bỏ mấy cái pôlip rồi nhưng vẫn đau âm ỉ. Nghe lời một người chuyên viết và dịch sách thực dưỡng, anh chuyển sang ăn kiêng thực dưỡng từ nửa năm nay. Gặp anh thấy mặt anh đỡ nhăn nhó. Anh bảo: “Nó nhẹ hẳn người, ông ạ!”. Cái đau âm ỉ và cảm giác lình bình trong bụng giảm hẳn. Tôi hỏi ông ăn uống thế nào, thế là giống như gãi đúng chỗ ngứa, anh thao thao bất tuyệt về việc ăn thực dưỡng theo phương pháp Ohsawa nhưng đã cải tiến, chỉ giữ lại cái cốt tủy thôi. Anh còn giới thiệu tôi nên mua cuốn sách đó đọc và học hỏi phương pháp bảo vệ sức khỏe đơn giản và ít tốn kém này.
Vấn nạn thực phẩm bẩn đang là cơ hội cho các nhà hàng chay, quán ăn thực dưỡng phát triển. |
Ăn chay, ăn kiêng thực dưỡng không rẻ
Thật ra ăn uống theo phương pháp thực dưỡng không hề đơn giản. Còn các nhà hàng chay hay tiệm cơm chay, nhất là các tiệm cơm chay bình dân, họ rất vô tư bán thức ăn chế biến từ những thứ rau củ quả mua rẻ nhất có thể, thậm chí họ mua cả những loại bầm dập nên khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cô bạn tôi tuổi ngoài 50 mà vẫn độc thân, trước đây vốn là nhân viên kế toán của một công ty xuất nhập khẩu, đã bị vướng vào một vụ án tham nhũng thất thoát mà cô không tham dự, bị đình chỉ công tác ra hầu tòa. Mặc dù sau đó cô được miễn tố nhưng cô nghỉ việc luôn, rồi chán đời nên sau đó thường vào chùa làm công quả. Mới đây tôi nghe tin cô hùn với một ni cô hoàn tục mở tiệm cơm chay và bán thực phẩm chức năng, thực dưỡng, cô nhắn mời tôi đến ủng hộ. Nhân dịp này tôi đến tìm hiểu công việc chế biến và mua bán thực phẩm chay.
Tiệm cơm chay của cô bạn tôi khá khang trang, mặt tiền một con đường lớn ở Bình Thạnh. Cô bảo khu này có đến hơn chục ngôi chùa, ngày chay không có chỗ khách ngồi, nhiều người phải mua về. Tiệm chay của cô bán cả những thực phẩm nhập từ Đài Loan, giá không rẻ chút nào. Cô bảo hơn 70% người Đài Loan ăn chay, ăn kiêng nên họ chế biến nhiều loại thực phẩm chay có hình dáng và mùi vị như thức ăn mặn. Nào là thịt gà chay, thịt bò chay, chả cá chay... chế biến từ đậu nành, tàu hũ ky, mì căn, nấm hương... nhưng mùi vị y chang đồ mặn, mục đích để phục vụ những người ăn kiêng nhưng vẫn thèm thịt cá. Nhiều người Việt ở TP bây giờ, nhất là giới trung lưu trở lên ngày càng có khuynh hướng ăn chay, ăn kiêng thực dưỡng để tránh bớt những căn bệnh thời đại như đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, dư cholesterol xấu... Đó cũng là cơ hội cho các nhà hàng chay, quán ăn thực dưỡng phát triển. Cả ngành chế biến thực phẩm chay cũng có cơ hội phát triển.
Tác giả: Nguyên Chương
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM