Tục xin “lửa Thánh” đã có từ lâu và mang ý nghĩa một năm mới ấm no hạnh phúc, người người gặp nhiều may mắn và thể hiện lòng thành kính của người dân nhớ đến Tổ tiên, nhớ đến công ơn người khai mở bờ cõi.
Xin “lửa Thánh” đêm giao thừa là một phong tục truyền thống có từ lâu đời của người dân làng nghề mây tre đan xuất khẩu thôn Cát Đằng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Điều đó không chỉ có ý nghĩa một năm mới ấm no hạnh phúc, an khang thịnh vượng, người người gặp nhiều may mắn mà nó còn thể hiện lòng thành kính của người dân nhớ đến Tổ tiên, nhớ đến công ơn của người có công lao khai mở đất nước bờ cõi.
Tích xưa kể lại, lễ xin “lửa Thánh” có từ đời vua Đinh, khi vua Đinh Tiên Hoàng từ Hoa Lư kéo quân về tập trận tại thôn Cát Đằng. Sau đó, dân làng tôn vua Đinh Tiên Hoàng là Thánh và thờ tại đình của làng. Từ đó cứ vào đêm 30 tết hằng năm người dân nơi đây sẽ tổ chức lễ xin “lửa Thánh” cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc.
Ở xã Yên Tiến ngày cuối năm, trong khi mọi người đang tất bật với công việc chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, thì khi đó các thanh niên trai tráng trong làng lại dành đa số thời gian để chuẩn bị cho mình những cây đuốc.
Khi gần đến thời khắc giao thừa, một số thanh niên trai tráng trong làng khênh một chiếc kiệu đẹp trang trí đặc sắc, rước người tế chủ ra đình làng. Người Tế chủ là người đã được tuyển chọn, là người cao niên trong làng đại diện cho một làng để mở cửa đình. Gia đình người Tế chủ phải còn đầy đủ mọi người sống khoẻ mạnh, hạnh phúc không vi phạm pháp luật.
Sau khi mở cửa đình, lễ rước nước từ sông Đằng về thờ ở đình được tiến hành, cả làng trịnh trọng rước kiệu ra sông xin nước rồi cùng nhau rước nước về để lên bàn thờ. Đêm giao thừa, đúng vào thời khắc sang canh, khi 3 kim đồng hồ chập một chỉ vào đúng số 12, báo hiệu một năm mới đã đến, vị Tế chủ trịnh trọng lấy lửa hương đưa qua một khe ở bên mé tường đã chuẩn bị từ trước châm vào vạc dầu ở bên ngoài sân đình để mở đầu cho lễ xin “lửa Thánh”.
Từ đó lửa bắt đầu bùng lên, mọi người chen nhau chĩa đầu của cây tre vào để tranh lửa sau đó giơ cao ngọn đuốc cùng nhau hô hào rồi toả ra khắp các nẻo đường, các ngõ ngách trong làng, mọi người dùng hết sức chạy mong sao về đến nhà đầu tiên vì người dân quan niệm nếu lấy được lửa trước rồi về nhà đầu tiên thì cả năm gia đình gặp may mắn.
Sau đó bằng ngọn lửa đó mọi người dùng để thắp hương, đèn cầy cúng gia tiên, nhóm lửa bếp gia đình và đồng thời khua khắp nhà để xua đi những điều chưa may mắn của một năm cũ.
Với ý nghĩa của ngọn lửa thiêng liêng Thánh ban đó người dân xã Yên Tiến luôn giữ lửa trong nhà hết 3 ngày Tết ở bàn thờ và ở bếp nhà mình. Sau nhiệm vụ mở cửa đình, người được suy tôn làm Tế chủ đó sẽ có trách nhiệm làm Tế chủ cả một năm đó mỗi khi đình làng có công việc.
Thay bằng tiếng pháo nổ đùng đoàng là những ngọn lửa sáng rực cả vùng trời xoá đi cái không gian tĩnh mịch của đêm tối, gợi lên bao ước mơ, hoài bão, cuộc sống ấm no, năm mới an khang của người dân thôn Cát Đằng.
Đức Văn