Nơi kiến tạo nên một tâm hồn vĩ đại
Sau bao nhiêu lần lỗi hẹn với lòng mình, tháng năm này tôi đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng từ thuở ấu thơ – về thăm quê Bác. Chắc hẳn trong dòng người thành kính đi giữa mùa sen thơm ngát Nam Đàn hôm ấy cũng có những người lần đầu tiên về quê Bác giống như tôi và hẳn là cũng có rất nhiều người từng về đây rất nhiều lần nhưng tất cả vẫn vẹn nguyên nỗi háo hức, niềm xúc động khi đứng trước từng kỷ vật thiêng liêng.
Làng Hoàng Trù – quê ngoại nơi Bác được sinh ra và lớn lên trong tiếng ru êm đềm của mẹ thật thân quen bởi nó cũng giống như bao nhiêu làng quê tôi đã đi qua, giống làng quê tôi đã sống thời thơ trẻ. Ngôi nhà tranh 3 gian nằm ở góc vườn phía tây nhà ông bà Hoàng Đường là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 3 tuổi. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này cụ Hoàng Đường thường qua đây trao đổi với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa. Gian giữa sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu cói, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quí của gia đình. Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả gia đình. Đứng trước những kỷ vật ấy, tôi mường tượng về những đêm trăng thanh gió mát, bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã trôi đi trong những làn điệu dân ca bay bổng chan chứa tình đời. Và cũng chính lời ru ấy là những “viên gạch” đầu tiên kiến tạo nên tâm hồn nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sau.
Cách Hoàng Trù khoảng 2km là làng Sen quê nội của Bác. Khu di tích xã Kim Liên và cụm di tích Làng Sen được xây dựng rất khang trang trong một quần thể khép kín. Cũng giống như nhà lưu niệm quê ngoại, quê nội của Bác cũng gọi về cảm giác yên bình với ngôi nhà tranh nằm lặng lẽ giữa những hàng cau vươn mình trong nắng ban mai. Khu nhà có hai gian và toàn bộ vật dụng trong nhà được giữ nguyên. Gian đầu tiên là gian thờ, trên chiếc bàn làm bằng tre đơn sơ đặt một bát nhang bằng gốm sứ, đĩa trái cây, đây là nơi thờ chung của cả gia đình Người. Gian kế bên có một cái tủ gỗ cũ làm nơi cất thức ăn và bên trên là chiếc mâm đồng mòn nhẵn, đây là gian nhà ăn của gia đình Bác. Gian cuối của căn nhà kê hai chiếc giường gỗ, một chiếc làm nơi nghỉ và đọc sách của ông Nguyễn Sinh Sắc, một chiếc dành cho ông cả Khiêm và Bác… Tất cả chúng tôi đã ngắm nhìn những kỷ vật ấy trong nỗi xúc động sâu sắc, tưởng như đâu đây vẫn ấm hơi Người…
Ngôi nhà của gia đình Bác cũng đơn sơ, đạm bạc như nhà của bao gia đình nông dân khác nhưng đã hun đúc, nuôi dưỡng nên tính cách, tâm hồn vĩ đại Hồ Chí Minh. Ấy là điều khiến cả thế giới phải nghiêng lòng ngưỡng mộ.
Đổi thay trên quê hương Nam Đàn
Thời kỳ xa xưa Nam Đàn qua sự đúc rút của Hoàng giáp Bùi Huy Bích là miền đất: “Hè đến gió Lào như lửa đốt. Thu qua mưa phùn lấm tấm sa. Tháng Mười sông còn tràn nước lũ. Mồng 9 tháng 9 cúc chưa nở hoa”. Thiên nhiên khắc nghiệt là thế nhưng Nam Đàn cũng nổi tiếng là mảnh đất có truyền thống hiếu học và đấu tranh cách mạng bất khuất. Nam Đàn là một trong những cái rốn của nghìn năm khoa cử nơi xứ Nghệ, đã góp cho đất nước 38 vị đại khoa cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm, được người đời trọng phục mà ta có thể dễ dàng kể tên như Trạng nguyên Trương Xán (đời Trần), Thám hoa Nguyễn Đức Đạt, Thám hoa Nguyễn Văn Giao (đời Nguyễn)… Trong “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: Nam Đàn có núi cao sông sâu nên xuất hiện nhiều người văn võ kiêm toàn còn Bùi Dương Lịch thì cho rằng: “Huyện Đông Thành và huyện Nam Đường vĩ nhân đã nhiều, mà khí tiết cũng thiên về mặt cương cường quả cảm”. Đúng như lời nhận xét trên, nhân dân Nam Đàn mang trong máu của mình tính chất của con người xứ Nghệ là cương cường, quả cảm, tiết tháo, trung thực, sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa. Lịch sử Việt Nam thêm chói lọi bởi tên tuổi những anh hùng lỗi lạc đất Nam Đàn như vua Mai Thúc Loan, nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu …
Đoàn nữ công báo Hà Tĩnh tại làng Hoàng Trù
Chính thổ nhưỡng sông núi Nam Đàn cùng những truyền thống quý báu đã góp phần to lớn trong việc hình thành tình cảm, cốt cách, tư tưởng của Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh sau này. Và cũng chính quê hương Nam Đàn với nhiều nỗi khổ đau, lầm than của nhân dân chính là động lực đầu tiên và to lớn nhất khiến chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành nuôi lớn ý chí ra đi tìm đường cứu nước cứu dân. Mảnh đất ấy, trong mấy chục năm bôn ba khắp trời Âu, trời Mỹ luôn là nỗi nhớ thương khôn nguôi trong trái tim chàng trai trẻ. Và trong ngày trở về thăm quê Người xúc động nói: “Tôi xa quê đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”. Ngày nay, hẳn là nơi chín suối, Người cũng đang mỉm cười vì sự đổi thay mạnh mẽ trên quê hương mình. Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân, huyện Nam Đàn đang trỗi dậy sức sống mới của miền quê anh hùng. Anh Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Nam Đàn cho biết: “Là miền quê vốn không được thiên nhiên ưu đãi nên lãnh đạo đảng và chính quyền huyện xác định đi lên phải từ cái nôi truyền thống văn hoá”. Với sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, văn hoá, xã hội ở Nam Đàn có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục đã được quan tâm đúng mức và đạt được thành quả đáng khích lệ: Hiện có 27 trường được công nhận trường chuẩn quốc gia, hàng năm có từ 1.200- 1.300 em thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Công tác xã hội hoá giáo dục có tiến bộ, nhất là trong huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học. Các tổ chức khuyến học từ huyện đến cơ sở xã, cơ quan, đơn vị, khối xóm, dòng họ hoạt động ngày càng hiệu quả, kích lệ phong trào học tập ngày càng tốt hơn. Hiện nay, toàn huyện có 13 xã hoàn thành hệ thống thiết chế văn hoá- thể thao đồng bộ, 163 xóm văn hoá với 299 nhà văn hoá có. Tỷ lệ gia đình văn hoá toàn huyện đạt trên 80%. Văn hóa giáo dục phát triển kéo theo sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Hiện nay, tốc độ bình quân của Nam Đàn đạt 17,82%, năm. Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng khá, tổng sản lượng lương thực năm 2011 vừa qua đạt 95.224 tấn. Ở Nam Đàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình thanh niên, phụ nữ làm kinh tế giỏi. Bằng bàn tay, khối óc, bằng sức lao động của mình, họ đang biến những vùng đất cằn, đá bạc thành những trang trại trù phú… Bên cạnh đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đạt được nhiều kết quả trong thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động. Kết cấu hạ tầng, hệ thống điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi, thiết chế văn hoá ngày càng được hoàn thiện, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn. Vùng đất với khí hậu khắc nghiệt giờ đây đã trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới.
Rời Nam Đàn trong những xúc cảm chưa dứt về nơi đã kiến tạo nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh, chúng tôi ai nấy đều hẹn với lòng mình sẽ còn trở về nơi đây trong những mùa sen thơm ngát, về để cảm nhận và lớn lên trong từng nghĩ suy, hành động.
Bài, ảnh: Anh Hoài
Báo Hà Tĩnh