Tình nguyện viên dọn rác tại vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) - Ảnh: Saigon Compass |
Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng du lịch có trách nhiệm cho khách du lịch, các tổ chức du lịch, khu bảo tồn cũng như người dân địa phương, trường học... để cùng giữ gìn các cảnh đẹp Việt Nam TẠ THÙY TRANG |
"Balô của tôi sẽ có bình nước, bộ đồ dùng vệ sinh riêng của mình chứ không dùng combo những túi dầu gội, sữa tắm, bàn chải, dao cạo râu, chai nước của khách sạn. Nghĩa là hạn chế dùng những thứ tiện lợi chỉ dùng một lần để hạn chế rác thải" - Nguyễn Trung An (28 tuổi, TP.HCM) chia sẻ.
Không mang rác đến đảo
Là một người mê du lịch, đi rất nhiều nơi trong khoảng vài năm nay nhưng An đã nhận ra nhiều thói quen xấu của người đi du lịch đang dần phá hủy những nơi vốn dĩ rất đẹp đẽ.
"Tôi rất mê đảo, đi từ Lý Sơn, Bình Ba, Phú Quý, Phú Quốc, Côn Đảo, cũng có nơi đi lại nhiều lần nhưng có một điều mà chỉ gần đây tôi mới nhận ra là hầu hết các đảo đều không thể xử lý rác. Người ta chỉ gom lại một chỗ rồi đốt được bao nhiêu thì đốt. Trước đây ở những nơi đó du lịch chưa phát triển lắm thì rác của các hộ dân người ta có thể tự xử lý được. Nhưng khi bắt đầu đông khách thì rác tích tụ lại. Có một buổi chiều khi tôi ở đảo Phú Quốc, khói bay mù trời khi người ta đốt ở bãi rác" - An kể.
Kể từ đó An bắt đầu để ý chăm chút những chuyện tưởng chừng rất nhỏ là hạn chế uống chai nước nhựa, ống hút; rác trên đường đi như vỏ bánh kẹo, chai lọ thì nhét vào một ngăn mang về lại thành phố lớn, nơi rác có thể được xử lý tốt hơn.
"Nhiều người đang cố gắng biến mọi thứ bình thường trở nên tiện lợi hơn cho những chuyến đi du lịch, chẳng hạn như mang khẩu trang tiện lợi, đồ lót dùng một lần, khăn mặt dùng một lần... Đi bảy ngày thì mang theo bảy cái quần lót dùng một lần rồi bỏ. Trước kia tôi cũng vô cùng hào hứng với sự tiện lợi đó. Chỉ khi bắt đầu đọc nhiều thông tin về ô nhiễm rác thải và thấy rác ở mọi nơi tôi đến thì tôi bắt đầu thay đổi" - Nguyễn Ngọc Minh (25 tuổi, TP.HCM) kể.
Theo cô, không chỉ là chuyện rác thải mà còn có rất nhiều chuyện tỉ mỉ liên quan đến ý thức như vẽ, khắc lên cây, lên đá, các di tích, ăn đặc sản thú rừng, ăn uống thừa mứa, điện nước thả ga, cho tiền trẻ em để chụp hình, mua nhẫn lông đuôi voi...
"Nhiều người vẫn nghĩ là tôi trả tiền, tôi có quyền và làm rất nhiều điều gây tổn hại, lãng phí và làm méo mó văn hóa bản địa ở những nơi họ đến" - Minh nói.
Tình nguyện viên dọn rác tại vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận) - Ảnh: Saigon Compass |
Yêu rồi sẽ biết thương
Du lịch có trách nhiệm là chủ đề trong rất nhiều sự kiện của Saigon Compass - một tổ chức hoạt động về môi trường của người trẻ. Tạ Thùy Trang (31 tuổi) - người sáng lập - là một cô gái mê du lịch đã bắt đầu những chuyến đi của mình từ khi còn học cấp II, cấp III.
"Du lịch có trách nhiệm không chỉ là bảo vệ môi trường ở những nơi mọi người đến mà mang nghĩa rộng hơn. Không chỉ là ngắm cảnh đẹp, giữ gìn môi trường mà còn là tìm hiểu văn hóa, lịch sử, đặc điểm địa lý đặc trưng, những khác biệt... Mỗi nơi có cái hay, cái đẹp khác nhau mà nếu hiểu được thì người ta có thể sẽ cảm thông, yêu thương và có trách nhiệm với những nơi mình đến" - Trang chia sẻ.
Cảm nhận của Trang là nhiều người hiện nay đang đi du lịch như một phong trào, không có đủ thời gian để hiểu về nơi mà họ đến. Nhiều người tỏ ra thất vọng khi họ đến nơi và cảm thấy nơi đó "không như trên ảnh", không chụp được ảnh đẹp.
"Đó không phải là ý nghĩa thực sự của du lịch: trải nghiệm những điều mới và chấp nhận những sự khác biệt. Một anh bạn mất vài ngày để trek (đi bộ đường rừng) đến một địa điểm nhưng khi về anh nói rằng ở đó không có gì cả, chỉ có một cái làng với vài cái nhà. Nhưng nếu dành nhiều thời gian hơn, biết đâu anh lại có được những điều thú vị về con người, phong tục, lịch sử... ở đó" - Trang kể về một người bạn.
Điều cô muốn nói là nhiều người có lẽ cần phải du lịch chậm hơn bởi "đến công việc mới còn cần phải thử việc thì việc hiểu về một nơi nào đó cũng cần có thời gian".
Không rác thải nhựa Không chỉ tổ chức những buổi nói chuyện về chủ đề rác thải, sống xanh, du lịch xanh, trong tháng 5-2019, Saigon Compass cùng với Save Côn Đảo - một tổ chức cộng đồng về môi trường, và các tình nguyện viên chương trình bảo tồn rùa biển của Chương trình phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (IUCN) đã cùng bắt tay cho chương trình "Đồng hành cùng Côn Đảo không rác thải nhựa". Chuyến đi ba ngày đến Côn Đảo ngoài hoạt động trek ở các vịnh, bãi, các bạn sẽ cùng tham gia nhặt rác trọn một ngày ở bãi Vong, Cầu Tàu và cùng tập huấn về rác thải nhựa, bảo tồn biển cho người dân địa phương. Trước đó, Saigon Compass cũng kết nối với nhiều tổ chức địa phương để tổ chức chuỗi chương trình du lịch có trách nhiệm: Đồng hành vì Lý Sơn không rác thải nhựa, Đồng hành vì Vĩnh Hy không rác thải nhựa. |
Tác giả: Vũ Thủy
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ