Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (hay còn gọi là đền Bà Hải) đón hàng vạn lượt khách đầu năm mới Mậu Tuất năm 2018. |
Đền Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (đền Bà Hải) là một địa chỉ văn hóa tâm linh, cứ vào sau Tết, mỗi ngày có hàng chục ngàn du khách thập phương trong và ngoài tỉnh tìm về đây để thắp hương và dâng lễ vật cầu mong một năm mới bình an, may mắn cho bản thân và gia đình.
Du khách thập phương trong và ngoài tỉnh dâng lễ tại đền Bà Hải. |
Chị Nguyễn Thị Thủy (quê ở Hà Tĩnh) đi làm ăn xa ở Sài Gòn cho biết: “Dù làm ăn xa xứ nhưng cứ vào dịp đầu Xuân, gia đình tôi đều về quê ăn Tết và đến đền Bà Hải dâng lễ, cầu cho mọi người trong nhà được bình an, may mắn trong năm…”.
Các thầy lễ ghi sớ cho các du khách. |
“Là người địa phương nên cứ vào sáng mồng Một Tết là gia đình tôi và gia đình bạn bè lại vào đền Bà Hải dâng lễ, thắp hương, cầu bình an cho gia đình. Mặc dù lượng khách đông đúc nhưng không hề có sự chen lấn xô đẩy, mọi người về đây thắp hương cầu an đều rất nghiêm túc và ý thức” - anh Bùi Đức Lực ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh chia sẻ.
Mặc dù lượng khách thập phương đông nhưng tại các điểm làm lễ đều rất trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy. |
Theo ông Phan Duy Vĩnh – Phó chủ tịch thị xã Kỳ Anh: Để phục vụ tốt nhu cầu của du khách thập phương trong và ngoài tỉnh về thắp hương cầu an đầu năm mới Mậu Tuất 2018 tại đền Bà Hải, ngay từ trước đó chính quyền địa phương và Ban quản lý đền Bà Hải đã có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, quán triệt các điểm bán đồ lễ, điểm giữ xe không được tự ý nâng giá “chặt chém” du khách, tạo sự hài lòng cho du khách gần xa. Chính vì vậy, từ ngày mùng 1 đến mùng 5 Tết, đã có hơn 4 vạn khách trong và ngoài tỉnh về dâng hương nhưng đều đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự không để xảy ra sự việc phản cảm đáng tiếc nào…”.
Đền thờ Thánh mẫu Nguyễn Thị Bích Châu, còn có tên gọi là đền Bà Hải, đền Hải Khẩu hay đền Chế Thắng phu nhân. Là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng vào bậc nhất nước ta từ xưa tới nay, cứ hàng năm, tại đây đón tiếp hàng triệu du khách trên khắp mọi miền đất nước đến cầu tài, cầu lộc...
Đền tọa lạc dưới chân núi Ô Tôn, thuộc xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi ghi dấu một chứng tích chiến tranh oanh liệt từ thời nhà Trần của dân tộc ta.
Đền được xây dựng trên bãi đất pha cát biển rộng khoảng 4.500m2, quay về hướng Đông Nam, phía trước đền từ trái sang phải là núi Ô Tôn có đền Eo Bạch được xây dựng cuối đời Trần. Toàn bộ công trình được bao bọc bằng cát bồi lấp giống như một bức tường, ba toà là Thượng điện, Trung điện và Hạ điện.
Năm 1991, đền đã được Bộ Văn hoá công nhận di tích lịch sử văn hoá danh lam thắng cảnh.
Cửa biển Hải Khẩu (cảng Vũng Áng ngày nay) được biết đến là một trong những cảng biển nước sâu nhất Việt Nam, nổi tiếng với nhiều hải sản quý như tôm, cua, ghẹ, mực… Cách đền một quãng là núi Bàn Độ (đỉnh núi bằng phẳng giống như cái mâm vàng đặt qua biển nên được gọi là Bàn Độ) có đầm Tiên Nữ, có Bàn Cờ Tiên…
Theo sử sách, bà Nguyễn Thị Bích Châu quê xã Bảo Lộc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, là con gái đại thần Nguyễn Tướng Công, một ông quan rất mực thanh liêm. Vì 40 tuổi mới sinh con nên gia đình Nguyễn Tướng Công rất vui mừng, coi như bắt được ngọc, ngày đêm nâng niu cho đặt tên là Bích Châu.
Từ nhỏ bà đã được cha mẹ chăm sóc dạy dỗ chu đáo về văn chương đạo lý cung kiếm võ thuật toàn tài. Đến năm Long Khánh thứ nhất (1373) bà được vua Trần Duệ Tông tuyển làm cung phi.
Bấy giờ chế độ phong kiến cuối thời Trần suy vong, chính sự đổ nát, nhân tài không được trọng dụng, cung phi Nguyễn Thị Bích Châu bèn thảo bản sớ “Kê minh thập sách” dâng lên vua nhằm chỉnh đốn chính sự. Sớ được dâng lên, vua mừng quá đập tay vào phách mà nói: Không ngờ một người đàn bà thông tuệ đến thế! Thật là một Từ Phi (vợ vua Đường Thái Tông ở Trung Quốc thế kỷ VII).
Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành. Bích Châu làm tờ biểu can ngăn nhưng vua không nghe nên nàng xin đi theo hộ giá. Khi quân nhà Trần đến cửa biển Thị Nại (Bình Định) đóng quân thì được vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem ngà ngọc, vàng bạc tới trực tiếp cho quan quân ta để trá hàng, sau đó lại lập mưu tiến đánh vào lúc nửa đêm.
Quân của Trần Duệ Tông bị tấn công bất ngờ, long thể nhà vua bất an. Bích Châu cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận bị trúng tên độc. Khi hồi quân về hội điểm an toàn vào rạng sáng ngày 11/2, bà ngã xuống bất tỉnh, đến nửa đêm cùng ngày bà từ trần. Ba ngày sau vì bệnh tình quá nặng, nhà vua cũng băng hà.
Quân ta rút về kinh đô. Khi tới địa điểm đầu Châu Hoan (Hà Tĩnh ngày nay) vì sóng to, gió lớn, tàu thuyền phải ghé vào vũng Ô Tôn (nay là Vũng Áng thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh). Quan quân làm lán trại ở chân núi bên bờ biển rước linh cữu lên tế lễ. Sau đó linh cữu nhà vua được rước về bằng đường bộ còn linh cữu của quý phi được chở về bằng đường biển. Tàu thuyền tiến được 50 dặm trên biển thì bị gió Đông Bắc tràn xuống phải ấn náu tại cửa biển Kỳ Hoa. Sau mấy ngày thời tiết vẫn không thuận Triều đình xuống chiếu cho an táng quý phi Bích Châu tại cửa khẩu bến Kỳ La, huyện Kỳ Hoa (nay là thị xã Kỳ Anh).
Năm 1470, vua Lê Thánh Tông lại thân chinh ngự giá đi đánh Chiêm thành. Khi đến đây đồn trú thấy đền thờ bèn hỏi các bô lão địa phương được các cụ cho xem bản thần tích của đền. Nhà vua biết công trạng của Bích Châu liền cho bày đồ tế lễ và đề lên bài vị 4 chữ “Nữ Trung Hào Kiệt” đồng thời xin Ngài phù trợ “Kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công” .
Khi thắng trận trở về, nhà vua cho quân dừng lại nơi đây và sai người chặt gỗ, gọt đá xây dựng 3 toà điện thờ và sắc phong cho bà là “Chế Thắng Phu Nhân”.
Tác giả: Đặng Sơn
Nguồn tin: Báo Infonet