Có một đoàn người mặc áo có in hình Đại tướng, hình chiến thắng Điện Biên Phủ đến từ quê Bác (Nghệ An) lặng lẽ lập một bàn thờ Đại tướng bên bờ biển Vũng Chùa để cho mọi người thắp hương, tưởng niệm.
Theo anh Bùi Nam Hậu, đến từ TP Vinh (Nghệ An), cho biết anh và những người đồng hương đã vào quê nhà Đại tướng (Lê Thủy) thắp hương vào sáng 13-10. Do buổi chiều đưa tang người quá đông, không thể đến bên mộ thắp hương, nhóm anh em Nghệ An quyết định lập một bàn thờ bên bờ biển để mọi người thắp hương, tưởng nhớ Đại tướng.
Anh Phan Anh Tài, cũng từ Nghệ An, cho biết: “Khi Bác Hồ mất tôi chưa chào đời. Nay Bác Giáp mất, tôi đã đến nơi an táng Đại tướng”.
Sau khi lễ an táng kết thúc, rất nhiều người vẫn còn rơi nước mắt. Người dân muốn xích lại gần mộ phần Đại tướng hết sức có thể. Dòng người đi đến tận phần mộ để được đặt lên những cành hoa cúc vàng.
Đại tá Nguyễn Bội Giong, 89 tuổi, đi Hà Nội đến Vũng Chùa, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Quốc phòng, cho biết ông từng làm việc bên cạnh Đại tướng những năm 1947 -1955, òa khóc khi linh cữu Đại tướng đã nằm trong lòng đất mẹ: “Vĩnh biệt một người anh, một đồng chí kính yêu của tôi”.
19g tối, nhiều người vẫn còn lưu luyến không muốn rời khu an táng. Họ nấn ná muốn thắp nén hương cho Đại tướng,
Hơn 1.000 chiến sĩ phục vụ lễ an táng đến giờ mới có dịp lần lượt chậm rãi thay phiên nhau tiến đến bàn thắp nhang và đi vòng quanh mộ Đại tướng. Tối nay các chiến sĩ sẽ không ngủ để canh gác cho Đại tướng.
Theo ghi nhận của PV, cả ngàn người dân Quảng Bình đêm nay sẵn sàng thức trắng bên mộ ông để cầu nguyện.
Lee (tổng hợp)
Người Đưa Tin