Mới đây, Thượng tá Phạm Ngọc Kim – Phó trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho rằng, TP nên nghiên cứu việc cho các chủ cơ sở kinh doanh mặt đường thuê vỉa hè rộng theo một mức phí phù hợp.
Theo đó, đối với những nơi có vỉa hè rộng, ngoài vạch kẻ đỗ xe thì dành khoảng 2m cho người đi bộ phần diện tích còn lại tạo điều kiện cho chủ cơ sở kinh doanh thuê lại một mức phù hợp.
Xung quanh ý kiến này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi cùng một số chuyên gia giao thông.
TS. Nguyễn Xuân Thủy: “Nếu vỉa hè rộng có thể cho người dân sử dụng, nếu cho thuê thì cần minh bạch, công khai và có sự giám sát”.
TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông nói: “Việc giải phóng vỉa hè để trả lại không gian đi lại cho người dân là đúng. Tuy nhiên, chúng ta cần thấy rằng hạ tầng giao thông tĩnh của Hà Nội và TP.HCM là rất kém. Số bãi đỗ xe phục vụ nhân dân chỉ chiếm khoảng 5-7% và người dân đi ô tô, xe máy không biết để đâu”.
“Tại Hà Nội và TP.HCM, có hàng vạn người sống dựa vào vỉa hè… gần như có người nuôi cả gia đình dựa vào chỗ buôn bán đó, trong khi hạ tầng chưa có, các chợ chưa đáp ứng hoặc giá thuê quá cao, xây dựng không hợp lý. Và do đó người dân dựa vào vỉa hè sống dù điều này là sai lý nhưng có sự tiếp tay của chính quyền, tiêu cực…”, ông Thủy phân tích.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, trong giai đoạn quá độ, nên chăng ở chỗ vỉa hè quá rộng cần có vạch vôi mang tính pháp lý để người dân để xe và buôn bán bên trong.
Đề cập đến chuyện cho các hộ kinh doanh thuê vỉa hè, TS. Nguyễn Xuân Thủy đánh giá: “Có thể tùy theo tuyến phố, nơi nào mà vỉa hè rộng thì có thể cho thuê hoặc cho người dân tự sử dụng và tiền đó để vào công quỹ. Nếu làm được đây cũng là hành động tương đối nhân văn đối với người nghèo. Tuy nhiên, việc này phải được minh bạch, hợp lý, có sự giám sát để không quay lại việc bảo kê như ngày xưa hay việc đưa con ông cháu cha, đưa xã hội đen vào hạch người dân”.
Nhấn mạnh đến giải pháp để trả lại vỉa hè bền vững, TS. Nguyễn Xuân Thủy nêu ra 4 giải pháp cần làm là: “Phải có nơi gửi xe cho người dân; Có nơi buôn bán cho người nghèo; Tận dụng vỉa hè hợp lý, nơi rộng có thể cho người dân kinh doanh và cuối cùng là phải giám sát thường xuyên, xử lý ngay đối với hành động lấn chiếm vỉa hè.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, đề xuất cho thuê vỉa hè, tạo điều kiện cho người kinh doanh không phải là không có lý và việc “dẹp loạn” vỉa hè, giành lại vỉa hè cho người đi bộ phải làm sao cho hài hòa.
Theo ông Hùng, “dẹp loạn” vỉa hè là cần thiết nhưng dành bao nhiêu vỉa hè cho người đi bộ là hợp lý, đây là điều cần tính toán.
“Giành lại vỉa hè cho người đi bộ là tất yếu, rất đúng và phải làm. Tuy nhiên, bất cứ giải pháp nào cũng cần quan tâm đến việc mưu sinh của người sống bên mặt đường”, PGS. Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm.
Phân tích tiếp, ông Hùng cho biết, nhiều thành phố lớn trên thế giới, việc người dân kinh doanh trên vỉa hè, đỗ xe trên vỉa hè vẫn diễn ra.
“Phải làm sao người đi bộ vẫn có lối đi và việc mưu sinh của người dân sống và kinh doanh bên mặt đường vẫn diễn ra hợp lý. Những hộ kinh doanh mặt đường thì họ để xe thế nào? Đối với những hộ kinh doanh thì phải kinh doanh được thì mới nộp thuế được. Phải làm sao cho hài hòa, hợp lý”, ông Hùng bày tỏ.
Từ nhận định trên, PGS. Nguyễn Văn Hùng đề xuất: “Nếu nơi vỉa hè nhỏ thì không nói nhưng nơi vỉa hè rộng thì để nơi cho người đi bộ từ khoảng 1,2–1,5m còn nơi nào đông người thì có thể để rộng ra 2–2,5m… tùy theo lưu lượng người”.
“Chủ trương hoàn toàn đúng nhưng cần giải pháp hợp lý. Giải pháp hài hòa thì xã hội sẽ bền vững”, PGS. Nguyễn Văn Hùng kết luận.
Nhất Nam