Trong nước

Đề nghị phong anh hùng cho EVN, chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng

Trước việc EVN trong danh sách đề nghị phong anh hùng lao động đợt này, chuyên gia kinh tế cho rằng, EVN chưa xứng đứng được phong danh hiệu Anh hùng bởi làm ăn chưa hiệu quả, người dân còn bức xúc…

Ban Thi đua khen thưởng vừa công bố danh sách 42 trường hợp được đề nghị phong anh hùng lao động trong năm 2015 vì những thành tích xuất sắc. Trong danh sách này có nhiều đơn vị như Tập đoàn Dầu khí VN, Tập đoàn Điện lực, Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone, Công ty cao su Lộc Ninh, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Cục thuế Hà Nội, Cục Hải quan Bình Dương, Đại học Quốc gia Tp.HCM… Các cá nhân có ông Trần Đình Thanh, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung; ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai…

Đáng chú ý, việc Tập đoàn Điện lực EVN có mặt trong danh sách này khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đã phong là Anh hùng Lao động thì phải là tiêu biểu để người ta làm gương học tập, phải xứng đáng với thực sự. Infonet dẫn lời ông Ngô Trí Long đánh giá: “Cả quá trình hoạt động của ngành điện bị kêu ca rất nhiều, Chủ tịch EVN bị miễn nhiệm chức vụ, hoạt động thì bị dân kêu, tính công khai, minh bạch không có. Bao nhiêu bê bối đã xảy ra chứ không chỉ dưới góc độ về giá điện, mà còn cả vấn đề cửa quyền, độc quyền… cả quá trình hoạt động của EVN nữa đều gây bức xúc cho người dân. Thực sự, EVN chưa xứng đứng được phong danh hiệu Anh hùng bởi làm ăn chưa hiệu quả, còn bê trễ, người dân không đồng thuận, bức xúc nhiều”.

Cũng theo báo này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng chỉ ra, ngay cả Thủ tướng cũng đã phê phán khi làm việc với ngành điện khi Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT mỗi người phát biểu một khác, thiếu trung thực… ngành điện là ngành độc quyền còn nhiều vấn đề tạo bức xúc cho người dân. Thế nên, bây giờ mà EVN nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thì người ta cảm thấy thất vọng, thiếu tin tưởng.

Ông Long chia sẻ: “Tôi nghe được thông tin EVN nằm trong danh sách 42 trường hợp đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động… tôi thấy ngỡ ngàng”.

Đề nghị phong anh hùng cho EVN, chuyên gia kinh tế ngỡ ngàng - Ảnh 1

EVN nằm trong danh sách các cá nhân, tập thể được đề nghị phong danh hiệu anh hùng đợt này. Ảnh minh họa

Infonet cũng dẫn lời ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho rằng, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương công bố danh sách để lấy ý kiến nhân dân thì phải công bố kèm theo tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình rõ ràng, thời hạn và đối tượng lấy ý kiến là như thế nào, hình thức kiểm tra thông tin đến người dân bằng cách nào và thu lại ý kiến của người dân bằng cách nào?… Theo bà An, đã lấy ý kiến thì phải rõ ràng như thế, nếu chỉ đưa danh sách tên các đơn vị rồi bảo lấy ý kiến nghĩa là chỉ mang tính hình thức…

Trong khi đó, trả lời trên Trí thức trẻ về đề nghị phong danh hiệu anh hùng cho EVN, ông Dương Trung Quốc, Đại biểu QH khóa XIII cho rằng, điều quan trọng ở đây là cần phải xem thành tích của Tập đoàn này cụ thể như thế nào.

“Việc đề nghị phong tặng này có hồ sơ, quy trình còn đánh giá của xã hội có thể tiếp cận rất nhiều phía. Bản thân tôi là người tham gia làm lịch sử điện lực, phải nói là để nhìn nhận một ngành kinh tế rất quan trọng, sát với đời sống của người dân nhưng cũng không thể vượt được nền kinh tế thị trường hiện nay. Cho nên việc đánh giá hiệu quả là việc không đơn giản” – Trí thức trẻ dẫn lời ông Dương Trung Quốc.

Theo ông Dương Trung Quốc, bên cạnh nhìn ngành điện chung thì nên đi vào những cái cụ thể. Khi ông tham gia vào làm công việc biên soạn lịch sử ngành điện xem anh em ở lĩnh vực làm đường dây chẳng hạn, họ phải trải qua rất nhiều gian khó.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, cách tốt nhất hiện nay là những tồn tại, thành tích, so sánh những hiệu quả khác nhau gì thì ta có phương tiện thông tin đại chúng ta phải nói rõ ra. Còn đánh giá cảm tính thành thực rất khó nhất là đối với ngành điện hiện nay.

“Tuyên dương Anh hùng là một vấn đề liên quan đến đóng góp trong sự phát triển chung, cả một đội ngũ tập thể. Có thể nhìn ở chỗ này thấy mấy ông chỉ thu tiền điện thôi… nhưng ở chỗ khác những người thợ kéo dây thì sao, những nỗ lực khác thì sao, đó là chưa nói đến các vấn đề lớn như quy hoạch, thủy điện, giữa thủy điện với đời sống. Chúng ta cần nhìn cả hai mặt, có những thủy điện làm cho người dân khốn khổ về chuyện nước nhưng không có thủy điện mình sẽ rất khó khăn.

Tôi chỉ muốn rằng, những vinh danh này cần trên cơ sở luận chứng rõ ràng và nên công khai cho người dân biết, vì đây là tuyên dương và người dân cần biết đầy đủ thành tích như thế nào” – ông Quốc nêu ý kiến.

Do đó, theo ông Quốc, Ban Thi đua – Khen thưởng và trách nhiệm của Ban là phải giải trình tất cả những điều đó thuyết phục, biện chứng để người dân đồng thuận, giúp cho giá trị của vinh danh mới thực chất.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn Đại biểu QH tỉnh Thanh Hóa khóa XI, XII cũng cho rằng, việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Tập đoàn điện lực phải căn cứ theo các thành tích. Nếu như theo như các tiêu chí về thi đua mà Tập đoàn đạt được các tiêu chí đó, được sự đồng thuận của Hội đồng thi khen thưởng các cấp cũng như ý kiến nhân dân thì phong tặng.

Cũng theo ông Công, có thể một số thiếu sót trong hoạt động của EVN mà dư luận nêu lên có thể là do một số lãnh đạo, bộ phận nhỏ gây nên còn khi đánh giá về thi đua thì phải đánh giá về nỗ lực, cố gắng của cả Tập đoàn. Nếu như có những thành tích vượt bậc theo tiêu chí của danh hiệu Anh hùng Lao động mà xét họ đạt được thì phải ghi nhận…

“Còn nhân vô thập toàn, có là đơn vị Anh hùng đi nữa thì cũng không thể tròn trĩnh, không có khuyết điểm, sai lầm nào nhưng cần xem xét kỹ, khách quan, công bằng, có cái nhìn toàn cục, cân nhắc để rồi lấy đại cục làm chuẩn, cơ sở” – ông Công nêu ý kiến…

Lê Hân (TH)

Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP