Nguyên Phó trưởng ban Biên giới Quốc gia Trần Công Trục khẳng định việc Trung Quốc đang đề nghị phía Việt Nam rút hết tàu thuyền trên vùng biển sau đó mới ngồi đàm phán là “không bình thường, không muốn nói là buồn cười”.
Chiều 9.5, tại Hà Nội, Hội luật gia Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo lên tiếng phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc khi đặt giàn khoan HD-981 trên vùng biển Việt Nam.
Trong tuyên bố của mình, Hội luật gia khẳng định khu vực giàn khoan HD-981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Hội Luật gia Việt Nam ra tuyên bố mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc.
Các việc làm trên của Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, vi phạm ngang nhiên chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (Điều 58, Điều 77) mà chính Trung Quốc là quốc gia thành viên.
Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN. Mặc dù Tuyên bố đã nêu rõ: “Tất cả các bên cam kết kiềm chế thực hiện những hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định”, nhưng hành động nêu trên của Trung Quốc rõ ràng là đã làm phức tạp tình hình và gây bất ổn định ở khu vực Biển Đông.
“Việc Trung Quốc cho rằng đây là “hoạt động tác nghiệp bình thường” và so sánh hành động này của Trung Quốc với các hoạt động thăm dò, khai thác do Việt Nam thực hiện trên Biển Đông là hết sức vô lý vì các hoạt động của Việt Nam được tiến hành trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo đúng quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, được các nước công nhận và cùng hợp tác, trong khi Trung Quốc tiến hành thăm dò tại thềm lục địa của Việt Nam chỉ dựa trên yêu sách đơn phương của Trung Quốc, trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được bất cứ quốc gia nào khác công nhận”, Hội Luật gia đánh giá.
Hội Luật gia Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, không để tái diễn những hành động tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hội Luật gia Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982, theo đó, không ai có quyền tiến hành thăm dò thềm lục địa hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, nếu không có “sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia ven biển”. Hội Luật gia Việt Nam cũng yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Hội Luật gia Việt Nam kêu gọi giới luật gia các nước trên thế giới có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là bảo vệ Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Đánh giá cao động thái của Hội Luật gia Việt Nam, luật gia Trần Công Trục (nguyên Phó trưởng ban biên giới Quốc Gia khẳng định) cho rằng việc Trung Quốc đang đề nghị phía Việt Nam rút hết tàu thuyền trên vùng biển sau đó mới ngồi đàm phán là “không bình thường, không muốn nói là buồn cười”.
“Phạm vi và vị trí của HD-981 đang nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không dính dáng gì tới quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã xâm chiếm của Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn nằm trong vùng chủ quyền của Việt Nam nên không thể nào có chuyện Việt Nam phải rút trước khi ngồi đàm phán. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp hòa bình, nhưng không phải bằng bất kỳ giá nào. Trung Quốc đang có thái độ gây sức ép không bình thường và chắc chắn Việt Nam sẽ không chấp thuận yêu cầu vô lý này”, luật sư Trục khẳng định.
Với tư cách là chuyên gia về luật biển, ông Trục khẳng định vị trí HD-981 đang hạ đặt cách Lý Sơn 171 hải lý, cách đảo Tri Tôn của chúng ta 18 hải lý, các vùng ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế 80 hải lý. Rõ ràng đây là vùng hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không liên quan gì tới vùng chồng lấn và tranh chấp.
“Tôi khẳng định căn cứ vào luật biển 1982, rõ ràng vùng này hoàn toàn nằm trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc đã vi phạm luật biển 1982, đây là hậu quả việc Trung Quốc biến vùng không tranh chấp thành có tranh chấp để họ đạt được mục tiêu độc chiếm biển Đông. Với tất cả các lý do đó, công ước đã có chế tài, nguyên tắc, thủ tục… để các bên với tư cách thành viên của công ước để đưa vấn đề lên cơ quan tài phán quốc tế về luật biển. Vì vậy chúng ta hoàn toàn có thể làm như Philippin đã làm khi đưa hồ sơ lên Hội đồng trọng tài của Luật biển quốc tế. Việc làm của Philippin được sự đồng tình ủng hộ của dư luận quốc tế và của các quốc gia trong khu vực. Hiện nay Phi đang tiến triển rất tốt trong việc đưa Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế vì đây là việc làm hết sức bình thường và văn minh”, ông Trục nhấn mạnh.
Tuấn Hải – Triệu Quang