Hồ sơ mời thầu yêu cầu vật liệu cát, đá phải có chứng nhận hợp quy và có giấy phép khai thác mỏ còn hiệu lực. Ảnh minh họa: Tiên Giang |
Cụ thể, 4 gói thầu xây lắp cùng thuộc dự án trên đang được lựa chọn nhà thầu, gồm: Gói thầu 31.XL-ĐƯ Xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên (giá gói thầu 3,223 tỷ đồng); Gói thầu 35.XL-ĐƯ Xây dựng đường giao thông nông thôn xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (7,874 tỷ đồng); Gói thầu 36.XL-ĐƯ Xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kiêm phòng chống bão lụt xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (4,964 tỷ đồng); Gói thầu 39.XL-ĐƯ Xây dựng cầu dân sinh xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (4,016 tỷ đồng).
Để được đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật của vật liệu xây dựng, HSMT các gói thầu trên quy định: Đối với các loại vật liệu dùng trong thi công, nhà thầu phải có cam kết cung cấp vật tư của đơn vị cung ứng hoặc hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung ứng. Trong đó, các vật liệu cát, đá phải có chứng nhận hợp quy và có giấy phép khai thác mỏ còn hiệu lực. Các vật liệu xi măng, sắt thép phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất.
Theo phản ánh của nhà thầu, các công trình đang mời thầu kể trên đều là công trình giao thông hoặc dân dụng cấp IV, có quy mô, kết cấu đơn giản, sử dụng các vật liệu phổ biến trên thị trường như cát, đá, sắt, thép, xi măng... Do đó, chỉ cần nhà thầu có cam kết cung cấp vật tư của đơn vị cung ứng hoặc hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung ứng là đủ điều kiện đáp ứng, thay vì phải đề xuất kèm các dạng giấy chứng nhận, giấy phép làm phức tạp hóa thủ tục dự thầu như trên.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc yêu cầu nhà thầu phải đề xuất kèm theo hồ sơ dự thầu giấy phép khai thác mỏ, chứng nhận hợp quy, chứng nhận chất lượng đối với vật liệu dự thầu từ lâu đã trở thành quy định “cứng” tại các gói thầu tương tự do Ban mời thầu, phù hợp với quy định pháp luật về xây dựng cũng như quy định pháp luật về tài nguyên môi trường. Yêu cầu này nhằm giúp Bên mời thầu xác định năng lực của đơn vị cung ứng, đảm bảo về chất lượng, tính hợp lệ, cũng như khả năng sẵn sàng đáp ứng của các loại vật tư, vật liệu thi công, là tiền đề cho công tác kiểm tra, nghiệm thu, quyết toán công trình về sau.
Bà Phạm Minh Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quy định tại HSMT như trên sẽ giới hạn sự tham dự của không ít nhà thầu. Bởi, với quy mô các gói thầu đang xét, nhà thầu hoàn toàn có thể mua vật liệu từ các đơn vị, đại lý trung gian cung cấp mà không nhất thiết đơn vị trung gian này phải có giấy phép khai thác mỏ khoáng sản. Nhà thầu chỉ cần đề xuất cam kết hoặc hợp đồng nguyên tắc cung ứng vật tư, vật liệu là hoàn toàn có thể đáp ứng điều kiện dự thầu.
Theo tìm hiểu, đây không phải lần đầu tiên các tiêu chuẩn kỹ thuật về nguồn cung vật liệu gây tranh cãi tại các gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh mời thầu. Vào tháng 8/2022, tại Gói thầu 29.XL-ĐƯ Xây dựng Trường Tiểu học Kỳ Thịnh II, thị xã Kỳ Anh, một nhà thầu bị loại đã kiến nghị kết quả lựa chọn nhà thầu do không đồng tình với kết luận đánh giá nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (vật liệu cát, đá của đơn vị cung ứng không có chứng nhận hợp quy) của Tổ chuyên gia.
Mở rộng khảo sát cho thấy, toàn bộ các gói thầu xây lắp giao thông, dân dụng do Ban mời thầu trong những năm gần đây đều ấn định tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự kể trên. Kết quả, trên 90% số gói thầu chỉ thu hút một nhà thầu tham dự, với giá trúng thầu thường sát giá gói thầu.
Tác giả: Phương Bình
Nguồn tin: baodauthau.vn