Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hôm nay (8/11) Thủ tướng Canada Justin Trudeau bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017. Chuyến thăm được hy vọng sẽ thiết lập một dấu mốc mới, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ tới Hà Nội vào trưa nay (Ảnh: Tablet Magazine) |
Canada là một quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ. Với diện tích gần 10 triệu km2, Canada là quốc gia lớn thứ 2 thế giới, sau Nga. Hiện nay, dân số Canada vào khoảng 36,7 triệu người thuộc hơn 60 dân tộc khác nhau, trong đó nhiều nhất là người gốc Anh chiếm khoảng 28% dân số và người gốc Pháp chiếm 23% dân số. Người bản địa hiện chỉ chiếm 2% dân số. Canada có khí hậu ôn đới với 2 mùa chính là mùa đông kéo dài, băng tuyết phủ kín, còn mùa hè khí hậu mát mẻ.
Canada theo chế độ Quân chủ lập hiến. Đứng đầu nhà nước là Nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị. Thủ tướng Canada là người đứng đầu Nội các và Chính phủ. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, Thủ tướng Canada có nhiệm kỳ không cố định, thường sẽ giữ chức đến khi từ chức, hay qua đời hoặc bị miễn nhiệm. Hiện nay Canada là nền kinh tế lớn thứ 7 của thế giới và là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, là thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thuộc nhóm 8 quốc gia phát triển (G8).
Về đối ngoại, Thủ tướng Justin Trudeau rất coi trọng việc tiến hành các trao đổi và tiếp xúc cấp cao và ngày càng coi trọng ASEAN. Về vấn đề Biển Đông, chính quyền Canada hiện nay ủng hộ thượng tôn pháp luật, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo quy định của luật pháp quốc tế, ủng hộ đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về Biển Đông.
Việt Nam và Canada thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Hai nước đã ký Ý định thư nhằm củng cố và thúc đẩy quan hệ hai nước vào năm 2014. Hai năm sau đó, trong năm chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Canada, hai bên đã nhất trí thúc đẩy quan hệ trên 7 lĩnh vực mà Ý định thư đã đề cập, đặc biệt là thương mại-đầu tư, giáo dục đào tạo.
Về thương mại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất trong khối ASEAN của Canada với kim ngạch thương mại 2 chiều của quý 2 năm nay đạt gần 2,3 tỷ USD. Canada hiện là nhà đầu tư đứng 14 trong tổng số các nhà đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án có tổng kinh phí lên đến 5,28 tỷ USD. Không chỉ là đối tác thương mại quan trọng, Canada còn liên tục cung cấp vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam từ năm 1990 cho đến nay với tổng trị giá lên đến hơn 800 triệu USD. Gần đây, Canada đã công bố khoản viện trợ ODA cho dự án phát triển Hợp tác xã tại Việt Nam, dự án giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và 2 dự án an toàn thực phẩm. Giáo dục đào tạo đang là một trong những lĩnh vực có nhiều bước phát triển mạnh mẽ. Số du học sinh Việt Nam sang Canada học tập đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nước lớn nhất trong số các nước ASEAN có du học sinh tại Canada với 12.000 học sinh.
Việt Nam và Canada còn hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Trong lĩnh vực này, hai nước duy trì thông qua trao đổi đoàn các cấp, tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương, thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, huấn luyện quân sự và đào tạo. Hai nước cũng hợp tác trong việc phòng chống tội phạm, khủng bố, an ninh cảng, cứu trợ nhân đạo và nhập cư. Ngoài ra, hai bên cũng thúc đẩy hợp tác và kết nối giữa các địa phương tương đồng như tỉnh Hà Tĩnh với Langley, thành phố Hồ Chí Minh với Toronto, Đà Nẵng với Vancouver.
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với Canada phát triển tích cực, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Justin Trudeau nhằm nâng tầm quan hệ hai nước, tạo cơ sở để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước thời gian tới theo hướng thực chất, hiệu quả hơn trong nhiều lĩnh vực./.
Tác giả: Việt Nga
Nguồn tin: Báo VOV