Lao Động - Việc Làm

Đào tạo nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết ĐH Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII: Những tín hiệu lạc quan

Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hội nhập kinh tế và trong lúc Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều dự án lớn có tính đột phá, thì nhu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng càng trở nên cấp thiết…

Thiếu về lượng, yếu về chất


Những năm gần đây, Hà Tĩnh đã và đang triển khai quy hoạch, sắp xếp, nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở dạy nghề, giải quyết việc làm gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển KT-XH. Triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực lao động phục vụ các chương trình, dự án trọng điểm, đào tạo nghề cho lao động trong vùng di dời, tái định cư. Hiện toàn tỉnh có 33 cơ sở đào tạo nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của nhân dân, bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho trên 2,3 vạn lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 22,5% lên 35%, trong đó, đào tạo nghề tăng từ 20% lên 31%. Công tác giải quyết việc làm được quan tâm bằng nhiều hình thức. Mỗi năm, tỉnh ta có trên 3,1 vạn lao động có việc làm mới và xuất khẩu lao động trên 6.000 người.


Cùng với thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, công tác đào tạo cán bộ cơ sở ngày càng được tăng cường. Theo số liệu một điều tra của Sở Nội vụ thì số cán bộ cấp cơ sở của tỉnh không có bằng cấp chuyên môn là 1.829 người, chiếm 38,17%, số có trình độ sơ cấp là 305 người, chiếm 6,36%, trung cấp là 1.951, chiếm 40,7%, cao đẳng và đại học là 706 người, chiếm 14,7%; Số không có bằng quản lý kinh tế và quản lý nhà nước chiếm đa số với 4.366, chiếm 91,12%. Với trình độ đã được đào tạo về mặt chuyên môn và quản lý cho thấy, đây là một trong những khó khăn đối với cán bộ cơ sở trong quá trình lãnh đạo, tổ chức quản lý và quá trình phát triển KT-XH ở địa phương, nhất là khi công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu. Trình độ chuyên môn còn nhiều hạn chế dẫn đến thiếu hụt cơ bản nhất trong cơ chế bầu cử lựa chọn cán bộ hiện nay ở tỉnh Hà Tĩnh. Thêm vào đó, thái độ lao động chưa tích cực, còn mang nặng tính tự do cá nhân…


Nguyên nhân của những hạn chế đó, trước hết do Hà Tĩnh vẫn còn là một tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp chiếm ưu thế, người lao động còn mang nặng tâm lý của người nông dân, chưa hình thành nền nếp, kỷ luật lao động theo phương thức sản xuất công nghiệp. Mặt khác, điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, nên nhiều lao động phải đi làm ăn xa, nhất là lực lượng lao động trẻ ở nông thôn, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn lao động của tỉnh hiện nay.


Một mâu thuẫn lớn đang đặt ra là nhu cầu về đào tạo chuyên môn kỹ thuật của tỉnh rất lớn, trong khi đó hệ thống giáo dục đào tạo nghề lại chưa đáp ứng được nhu cầu đó. Toàn tỉnh hiện có 33 cơ sở dạy nghề, nhưng quy mô, trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Nội dung đào tạo nghề còn nhiều bất cập, chưa tiếp cận được với những tri thức mới, công nghệ mới, nghề nghiệp mới, học ít đi đôi với hành nên kỹ năng thực hành, ứng dụng vào sản xuất hạn chế. Công tác đào tạo nghề chưa sát và chưa gắn với nhu cầu phát triển của các ngành, nghề ở địa phương. Trong khi toàn tỉnh đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới và triển khai tích cực các chương trình, dự án.


“Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực bậc cao; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị, kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới”.(Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII) Bên cạnh đó, thời gian qua để giải quyết tình trạng bất cập giữa nhu cầu và khả năng đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, chất lượng cao. Tỉnh đã có các chính sách vừa thu hút, vừa tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng quy mô đào tạo, liên doanh, liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao của tỉnh, giai đoạn 2008-2012 được ban hành với nhiều cơ chế ưu đãi cụ thể. Tuy vậy, các chính sách thu hút trên chỉ mới có tác dụng đối với hệ thống cán bộ, công chức, viên chức, chưa có tác dụng lớn trong việc thu hút vào các doanh nghiệp. Trong khi mỗi năm bình quân tỉnh ta có gần 7.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ. Đây là nguồn cung cấp nhân lực có chất xám dồi dào cho xã hội, trong đó có doanh nghiệp. Vậy mà, nhiều sinh viên là con em Hà Tĩnh sau khi ra trường không muốn về làm việc tại quê hương. Bài toàn “chảy máu chất xám” nguồn nhân lực chất lượng cao được đặt ra mà đến nay dù có nhiều cố gắng trong việc tạo cơ chế, chính sách thu hút, nhưng nguồn lao động này vẫn chỉ dừng lại ở những con số khiêm tốn…

Giải pháp tạo nguồn nhân lực


Để đạt được mục tiêu cụ thể mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII về phát triển nguồn nhân lực. Trước hết, cần đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nghề, nhưng phải chú trọng theo tính chuyên môn hóa sâu. Không nên đào tạo dàn trải, đào tạo mà không gắn chặt với yêu cầu của người sử dụng, dẫn đến kém hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực sẽ thấp và lãng phí. Tăng cường đầu tư thiết bị, dụng cụ dạy học cho các trường theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp phân luồng học sinh, sinh viên trong hoạt động giáo dục và đào tạo; điều chỉnh cơ cấu đào tạo ngành, nghề phù hợp với nhu cầu thị trường.

Những tín hiệu lạc quan

Cần có chính sách đãi ngộ và tạo việc làm chất lượng cho thanh niên

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, xây dựng các tiểu vùng kinh tế, hình thành các khu, cụm công nghiệp; phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng vùng nông nghiệp sinh thái gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phân bổ lại lực lượng lao động hợp lý, bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.


Đồng thời, để khuyến khích người lao động làm việc tốt hơn cần có chính sách, chế độ về tiền lương, tiền công cho thỏa đảng, tương xứng với sức lao động, hiệu quả kinh tế của họ làm ra. Có như thế mới kích thích được người lao động hăng say học tập, nâng cao trình độ, thi đua lao động với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Mặt khác, cần có chính sách đãi ngộ đối với người lao động có trình độ kỹ thuật cao, tay nghề vững, để họ an tâm phục vụ lâu dài cho tỉnh.


Chú trọng thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực dưới nhiều hình thức, nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực tài chính thuộc các thành phần kinh tế. Cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, đào tạo nghề đối với vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn nhằm đáp ứng yêu cầu cho phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Qua đó tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho người lao động có thể tìm kiếm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ của mình.


Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, thông qua các chương trình, mục tiêu, trọng điểm đẩy mạnh giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân lực chất lượng cao của tỉnh đang dần đi thực tiễn và hé mở những tín hiệu lạc quan. Trong tương lai gần tỉnh Hà Tĩnh có được một lực lượng lao động có chất lượng cao với đội ngũ cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cao đáp ứng yêu cầu cho sự phát triển bền vững.


Nam Giang

Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP