Địa Chí Hà Tĩnh

Dạo bước Hoành Sơn

Xuôi theo Quốc lộ 1A qua địa phận Hà Tĩnh, cảnh sắc thay đổi đột ngột bởi một dãy núi cao cắt ngang hình thái địa lý bằng phẳng và xuôi chiều theo hướng Bắc – Nam vốn rất quen thuộc ở vùng đất duyên hải Bắc Trung bộ.

hatinh24h hatinh24h 01
Hầm đường bộ qua núi Hoành Sơn – Đèo Ngang
Dãy Hoành Sơn là một phần của dải Trường Sơn hùng vĩ đột ngột xoay ngang như một lưỡi kiếm chém thẳng ra biển. Cũng chính dãy núi cắt ngang đột ngột này đã tạo nên phần ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Bình. Đây cũng từng là biên giới tự nhiên giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài của một thời Trịnh – Nguyễn phân tranh.

Con đèo nối liền hai phía Bắc – Nam của dãy Hoành Sơn từng ghi dấu bằng bài thơ “Qua Đèo Ngang” nổi tiếng, cũng là nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng quân kiệt xuất, một trong 10 vị tướng giỏi nhất trong lịch sử thế giới. Hầm đường bộ xuyên qua lòng Hoành Sơn ngày nay đã trả lại cho cung đường Đèo Ngang vẻ đẹp vốn có của nó và một không gian thưa vắng, không ồn ào tiếng động cơ, không có những tiếng rít bánh xe sau mỗi khúc cua hóc hiểm.

Đèo Ngang ngày nay mềm mại, uốn lượn giữa một bên mây vờn đỉnh núi như chốn hư ảo bồng lai và ở phía bên kia là biển xanh, mây trắng, sóng trào.

Trên đỉnh Hoành Sơn từ cung đường Đèo Ngang, rẽ xuôi về phía biển theo một con đường nhỏ chỉ chừng 500m thấp thoáng giữa rừng thông là di tích Hoành Sơn quan, quan ải kiểm soát việc đi lại giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài. Cửa Hoành Sơn cao hơn 4m, hiện còn nguyên vẹn, cùng hai nền móng của tường lũy bằng đá chạy theo hai hướng vào núi và xuống biển. Trước đây phía cửa mỗi bên có 1.000 bậc đá để lên xuống.

Nay cửa bên nam không còn bậc đá, bên bắc chỉ còn khoảng vài trăm bậc, nhưng đã được tu sửa lại nhiều. Đứng trên đỉnh Hoành Sơn nhìn về biển phía Nam đèo sẽ thấy biển Hòn La, Vũng Chùa, Đảo Yến… xuống dưới chân đèo là đền thờ Liễu Hạnh, nằm trong cụm di tích, danh thắng gồm Đèo Ngang, Hoành Sơn quan, lũy Hoàn Vương, đình Vĩnh Sơn. Còn từ cửa Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo nhìn xuống phía bắc là hồ nước U Bò nay đã bị hầm đường bộ xuyên qua đèo chạy cắt ngang chia hồ nước làm hai. Phía xa hơn là hồ nước Quảng Đông lấp lánh như tấm gương lớn phản chiếu bóng mây trời.

Thỏa thuê dạo bước Hoành Sơn, trải nghiệm một cung đường đèo đẹp như tranh thủy mạc, mãn nhãn với thiên nhiên thủy tú. Dù chia tay cung đèo để vào Nam hay ra Bắc thì ở cả hai phía chân đèo đều có những bãi biển nhỏ nhắn, xinh đẹp và xanh mát cùng rất nhiều đặc sản hấp dẫn làm thỏa lòng vãng khách. Ở chân đèo phía nam, các bãi tắm Hòn La, Quảng Đông, Cảnh Dương với rừng dương xanh mướt, cát vàng óng ánh cùng các đảo ở ngoài khơi Vũng Chùa như Hòn La, Hòn Vụng Chùa, Hòn Cỏ, Hòn Gió, Đảo Yến tạo thành những thắng cảnh tuyệt đẹp.

Muốn ra thăm đảo cũng chỉ mất chừng 20-30 phút đi thuyền. Chân đèo Ngang về phía Bắc lại có bãi tắm Đèo Con sạch đẹp, bãi cát dài thoai thoải, mát mẻ và kín gió, những ngọn núi với hình thế đặc biệt như núi Cao Vọng, núi Ô Tôn, núi Bàn Độ, Vũng Áng tạo nên quần thể danh thắng bắc đèo Ngang mang một vẻ đẹp riêng không kém phần hấp dẫn. Những bãi tắm nhỏ, hoang sơ cùng rất nhiều món đặc sản biển tươi nguyên sẽ là nơi dừng chân lý tưởng cho những du khách sau khi thỏa mãn độ đèo.

ANTĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP