Xã hội

Đánh cược mạng sống trên những con đò vượt sông Ngàn Sâu

Người dân các xóm Liên Hòa, Liên Châu, Tân Lệ, Bình Quang của xã Đức Liên (H.Vũ Quang, Hà Tĩnh) nhiều năm qua phải đánh cược mạng sống trên chiếc thuyền nhỏ để qua sông sản xuất nông nghiệp, học tập và mưu sinh.

Hai xóm “ốc đảo” Liên Hòa và Liên Châu nằm biệt lập với trung tâm xã Đức Liên do bị con sông Ngàn Sâu vắt qua. Người dân và học sinh ở các xóm này không còn cách nào khác là phải đi lại bằng đường thủy. Còn các xóm Tân Lệ và Bình Quang dù nằm sát trung tâm xã nhưng ngặt nỗi diện tích đất nông nghiệp và đất rừng chủ yếu nằm ở hai xóm “ốc đảo” bên kia sông Ngàn Sâu. Vì thế, người dân ở cả 4 thôn này đều phải chèo thuyền qua sông và đánh cược mạng sống cho hà bá.

Làm nghề chèo đò tại bến đò Bình Quang - Liên Hòa, bà Nguyễn Thị Vân (50 tuổi) cho biết, chiếc thuyền của bà hoạt động quanh năm và chỉ nằm bờ khi có lũ lớn. Hơn 20 năm qua, con thuyền của bà từng nhiều lần bị lật. Mới đây nhất, sáng 16.1, bà Vân chở khoảng 30 người, 4 xe máy và nông cụ qua sông. Khi thuyền sang gần tới bờ bên kia thì bị lật vì quá tải. May mắn, do gần bờ nên mọi người đều tự lội được vào bờ. “Năm mô thuyền của tui cũng bị lật một vài lần. May là tai nạn đều xảy ra ở gần bờ, nếu lật giữa sông thì không thể lường trước được hậu quả chú ạ”, bà Vân nói.

Thuyền nhỏ để qua sông sản xuất nông nghiệp, học tập và mưu sinh của người dân

Cách bến đò Bình Quang - Liên Hòa khoảng 500 m về phía tây là bến đò Liên Châu - Tân Lệ. Tại đây, nhiều em học sinh cấp 1 và cấp 2 của thôn Liên Châu xếp hàng trên bờ chờ thuyền đưa qua sông tới lớp. Chứng kiến cảnh các em vai mang cặp, tay giữ xe đạp trên con thuyền chòng chành qua sông, chúng tôi không khỏi lo lắng. Anh Lê Trung Đức (46 tuổi, ngụ tại xóm Liên Châu) cho biết, mỗi ngày ít nhất 4 lần anh lên thuyền đưa đón con đi học. “Nhà tui có 2 đứa con học cấp 1 và cấp 2. Ngày nào tôi cũng hai lần lên thuyền đưa các cháu qua sông. Sau khi đưa con tới trường, tôi mới quay về nhà làm việc. Biết là nguy hiểm rình rập nhưng không còn con đường nào khác”, anh Đức nói.

Mong ước một cây cầu

Bước xuống thuyền, trên tay cầm dây thừng dắt con trâu vượt sông để về nhà sau buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khương (65 tuổi, ngụ tại xóm Bình Quang) nói: “Gia đình tôi có 1 mẫu ruộng ở phần đất phía xóm Liên Hòa. Nước dâng cao phải đi lại bằng thuyền, trâu bò dù trời lạnh cũng phải tự bơi qua sông. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với chính quyền xây dựng cây cầu qua sông cho bà con bớt khổ cực, nhưng đến nay vẫn chưa được”.

Bà Đặng Thị Hương, Bí thư Đảng ủy xã Đức Liên cho biết, hàng chục năm qua, hơn 600 hộ dân thuộc 4 xóm trên vẫn thường qua sông Ngàn Sâu bằng thuyền để học tập, sản xuất nông nghiệp, trồng rừng và buôn bán. Trong đó, do không còn con đường nào khác nên bắt buộc 2 xóm Liên Hòa và Liên Châu (400 hộ) với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó có gần 200 học sinh các cấp phải ngày ngày qua sông tới lớp. Theo bà Hương, trên dòng sông này, những năm qua đã xảy ra nhiều vụ lật thuyền làm 15 người chết. “Chúng tôi tha thiết mong UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm xây dựng cho bà con một cây cầu để ổn định cuộc sống”, bà Hương nói.

Tác giả: Phạm Đức

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP