(Ảnh minh hoạ) |
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 23/10/2017, Ủy ban nghề cá Châu Âu đã cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu với 9 khuyến nghị mà Việt Nam cần triển khai thực hiện ngay.
Một trong 9 khuyến nghị đó có khuyến nghị về việc Việt Nam cần có khung pháp lý về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thủy sản đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Việc ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính cần phải được thực hiện ngay với các quy định về mức phạt tối đa để đảm bảo đối tượng vi phạm không còn khả năng để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm.
Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định việc ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là rất cần thiết; đồng thời đề xuất mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với cá nhân vi phạm là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức vi phạm là 2 tỷ đồng.
Nguyên tắc xác định mức vi phạm về chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản được xác định bằng kết quả phân tích đã được tính giao động cho phép trong kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nâng mức phạt tiền tăng gấp 10 lần hiện nay
So với pháp luật hiện hành thì mức phạt đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản được dự thảo này nâng lên rất nhiều, có những hành vi mức phạt tiền tăng gấp 10 so với mức phạt tiền hiện nay và biện pháp xử phạt bổ sung cũng được áp dụng rất nghiêm khắc như thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, giấy phép hoạt động đối với hành vi khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam do tổ chức, cá nhân Việt Nam thực hiện, hành vi hoạt động khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện.
Việc nâng mức phạt cao đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy thủy sản đặc biệt là đối với một số hành vi được coi là nghiêm trọng như: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; không trang bị hoặc có trang bị mà không bật thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá trong cả chuyến biển đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam mà không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn; tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc xác định các hành vi nghiêm trọng trong hoạt động khai thác thủy sản để có quy định mức phạt tiền phù hợp và áp các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp là yêu cầu của Ủy ban Châu Âu để đảm bảo xử lý vi phạm đối với việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Những thay đổi về mức phạt và hình thức xử phạt bổ sung trong hoạt động khai thác thủy sản được đề cập trong dự thảo nghị định nhằm đảm bảo tính tương thích với pháp luật quốc tế, yêu cầu hội nhập và đặc biệt là các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu đối thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam.
“Việc áp dụng mức phạt cao như vậy để nhằm tác động vào ý thức của người dân và tước đi lợi ích của người vi phạm nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm tượng tự tiếp tục xảy ra để bảo vệ nguồn lợi thủy sản”- Bộ này nhấn mạnh trong tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí