Họ thường sống tại một địa điểm trong những túp lều lợp bằng lá cây khoảng vài ngày, khi lá chuyển sang màu vàng thì bỏ đi nơi khác. Gần đây, mặc dù người Chứt đã dần xóa bỏ được cảnh sống hoang dã, phụ thuộc vào tự nhiên, nhưng những câu chuyện buồn về quan hệ hôn nhân cận huyết thống vẫn còn là một dấu lặng buồn cho dân bản cũng như chính quyền địa phương.
Con cô lấy con chú…
Bản Rào Tre nằm lọt thỏm trong thung lũng bao bọc bởi những ngọn núi đá sừng sững và dòng sông Ngàn Sâu hiền hòa. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Chứt nơi đây dường như tách biệt hoàn toàn với xã hội bên ngoài. Không chỉ cách trở về địa lý, bà con dân tộc Chứt ở bản còn rất thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện sản xuất kinh tế cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trước đây đồng bào dân tộc Chứt được người Pháp gọi là Xá lá vàng, một từ để chỉ sự lạc hậu, mông muội, sống hoang dã, tách biệt trong rừng, thiếu thốn đủ bề, sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm qua ngày, không có quần áo mặc, ngủ trong hang đá, quan hệ cận huyết thống và có nguy cơ tuyệt chủng…
Bản Rào Tre ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê dường như là địa danh duy nhất ở Việt Nam có 100% người dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện nay, toàn bản có 34 hộ, với 135 nhân khẩu với trình độ văn hóa rất thấp, nạn mù chữ hoành hành, cuộc sống gặp nhiều khó khăn khi người Chứt chưa quen với hình thức định canh định cư. Từ xưa đến nay, người dân tộc Chứt chỉ biết sống quanh quẩn trong ngôi làng của mình qua nhiều thế hệ nên việc duy trì nòi giống của họ cũng không giống ai. Dù đã mất rất nhiều thời gian để tìm phương pháp giải quyết nhưng chính quyền địa phương nơi đây dường như ngày càng bất lực với quan hệ hôn nhân cận huyết thống của đồng bào người Chứt. Hằng năm, tiệc cưới của những người thân cận vẫn thường xuyên diễn ra trong cái vòng luẩn quẩn đáng buồn ấy.
Trình độ nhận thức thấp kém cùng với truyền thống của bản làng nên người Chứt ở bản Rào Tre không thể hiểu được việc “con cô lấy con chú” có tác hại như thế nào của hình thức hôn nhân có thể ảnh hưởng tới sự tồn vong của cả một thế hệ về sau. Người dân bản Rào Tre từ bao đời nay luôn cho rằng việc dựng vợ, gả chồng cũng là một phong tục đơn giản, mang tính đặc trưng riêng của đồng bào người Chứt. Khi người con trai biết trong gia đình nọ có con gái đã đến tuổi lấy chồng, người con trai vào trong rừng chặt một bó củi thật to, về đặt trước nhà cô gái. Nếu trong thời gian tới, không thấy bó củi đó nữa thì có nghĩa là nhà gái đã đồng ý cho người con trai ở rể. Không rầm rộ, ồn ào như tục cưới của những đồng bào dân tộc phía Bắc, hay Tây Nguyên, nhà gái sẽ mở cửa, người con trai bước vào ngủ chung với con gái nhà họ, vậy là từ đó họ thành vợ thành chồng, bất kể việc đôi trai gái đang cùng chung một dòng máu.
Nhiều hệ lụy đáng buồn đã xảy ra khi quan hệ hôn nhân không phân biệt dòng máu. Anh Hồ Hải (SN 1986) và chị Hồ Thị Tương (SN 1988) là hai anh em con cô con chú nhưng vì thích nhau nên cũng đã dùng bó củi chặt trên rừng rồi thành vợ thành chồng đến nay đã được 8 năm. Tuy nhiên, cũng chừng ấy thời gian họ sống chung mà không có thêm nhân khẩu trong gia đình. Dân bản cho rằng một trong hai người bị quỷ ám nên không thể sinh con, người hiểu biết giải thích bằng nhiều nguyên nhân khác, trong đó nguyên nhân họ lấy nhau quá cận huyết.
Người dân trong bản không còn lạ lẫm gì về gia đình anh Hồ Viết Bốn (SN 1990) và chị Hồ Thị Bình (SN 1994), cưới nhau đã được 5 năm. Họ đến với nhau cũng chứa đựng những nét văn hóa rất riêng của đồng bào Chứt, đó là bằng bó củi anh Bình chặt trong rừng rồi đặt trước nhà chị Bình… thế là hai người nên vợ chồng. Tuy vậy, trớ trêu cho cuộc hôn nhân của hai anh em họ khi người con gái đầu sinh ra được một thời gian ngắn đã qua đời. Chưa dừng lại ở đó, năm 2010 chị Bình sinh con gái thứ 2, năm 2013 sinh được người con thứ 3 nhưng những đứa con còn sống của họ sức khỏe rất yếu và thường xuyên ốm đau.
Không khó để bắt gặp những cặp vợ chồng quan hệ hôn nhân cận huyết thống.
Chưa tìm ra giải pháp
Trăn trở
Thiếu tá Dương Thanh Tịnh, Đội trưởng tổ công tác biên phòng bản Rào Tre thuộc đồn biên phòng Bản Giàng (bộ đội biên phòng Hà Tĩnh) cho hay: “Đây là vấn đề mà chúng tôi vô cùng trăn trở suốt bao năm nhưng vẫn chưa thể giải quyết được. Tổ công tác cắm bản đã mất rất nhiều thời gian cũng như công sức để đồng bào có cuộc sống ổn định, giờ lại thêm cả vấn đề cải tiến giống nòi thì rất cần một kế hoạch dài hơi, có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành. Quan niệm lấy nhau cận huyết thống diễn ra qua bao đời nay nhưng họ vẫn chưa nhận thức được hệ lụy sau khi sinh con”.
Cộng đồng người Chứt ở Hà Tĩnh còn ít, phân bố cố định một nơi nhưng việc tiếp cận họ lại gặp khá nhiều khó khăn vì điều kiện địa lý cách trở cũng như sự nhút nhát, e dè của đồng bào. Không ổn ào, mạnh mẽ như những khúc tráng ca của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, cũng không nên thơ như cảnh núi rừng Tây Bắc, đồng bào dân tộc Chứt có cuộc sống điềm tĩnh đến lạ thường. Khi thấy có người lạ xuất hiện, từ già trẻ, trai gái đều co ro, lủi thủi, e thẹn rồi trốn tránh sau những câu hỏi. Ông Hồ Bắc, trưởng Ban mặt trận bản Rào Tre cho hay: “Người dân chúng tôi đại đa số vẫn còn rụt rè trong cách giao tiếp, từ trước đến nay chúng tôi chỉ biết quanh quẩn trong ngôi làng này. Hơn nữa một hệ lụy tồn tại trong cộng đồng người Chứt khá lâu, người dân trong bản xem chuyện con cô lấy con chú là chuyện bình thường”.
Hệ lụy của quan hệ hôn nhân huyết thống, hủy hoại giống nòi, ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của cả một cộng đồng. Những đứa trẻ tại bản Rào Tre, khi sinh ra trông rất yếu ớt, nhiều trong số đó bị ốm đau, bệnh tật mà qua đời. Hậu quả của quan hệ hôn nhân cận huyết thống đã làm cho thể hình của người Chứt gầy guộc, nhỏ bé, đau ốm khá phổ biến, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, tuổi thọ trung bình chỉ đạt 45 tuổi. Người dân sống quanh xã Hương Liên cho rằng, trong nhiều thế hệ của đồng bào Chứt, hôn nhân huyết thống là kết quả tất yếu. Trong một thời gian dài họ sống với nhau mà không có sự giao lưu với thế giới bên ngoài, mặt khác, để có được quan hệ với bên ngoài, rồi tính tới chuyện hôn nhân cũng cần một khoảng thời gian nhất định. Từ xưa đến nay, chưa thấy ai trong bản Rào Tre thành vợ thành chồng với người ngoài bản.
Mặc dù hậu quả của hôn nhân cận huyết thống là rất nghiêm trọng nhưng cho đến nay huyện Hương Khê vẫn chưa tìm ra phương pháp giải quyết dứt điểm. Mấy năm gần đây, chính quyền địa phương đã cho đồng bào Chứt bản Rào Tre (Hà Tĩnh) giao lưu với người Chứt ở Minh Hóa (Quảng Bình). Tuy nhiên đây cũng là một vấn đề không đơn giản, người Chứt (Quảng Bình) xưa nay vẫn còn đang tồn tại quan niệm “trai làng giữ gái làng” nên việc tiếp cận và xa hơn là xây dựng các mối quan hệ nam nữ không phải chuyện một sớm một chiều.
Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đã có những bước chuyển quan trọng trong nhận thức về việc thay đổi tập tục sinh hoạt của mình như từ bỏ cuộc sống du canh du cư, từ hang đá để trở về với cuộc sống định canh định cư trong những ngôi nhà vững chãi. Hệ thống điện, đường, trường trạm được đầu tư xây dựng nhiều nơi để phục vụ cuộc sống văn minh hơn cho bà con dân bản. Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân cận huyết thống vẫn là một trăn trở rất lớn cho tương lai của tộc người thiểu số bậc nhất Việt Nam.
Hồ Ngọc – Nguyễn Long
Người Đưa Tin