Hơn 1 tuần qua, vợ chồng cụ Cứ phải ở trên nóc nhà để tránh 2 đợt lũ liên tiếp
Nằm sát sông Ngàn Sâu, ngoài xã Phương Mỹ, các xã Phương Điền và Hà Linh (huyện Hương Khê) cũng bị ngập sâu trong biển nước. Bắt đầu từ tối 31.10, nước sông dâng cao, tràn vào nhà dân, gây ngập xóm làng. Những con đường, ao hồ, ruộng vườn ngập chìm trong biển nước. Người dân phải di chuyển bằng thuyền. Đến chiều 2.11, vẫn còn hơn 60 ngôi nhà trong hai xã này ngập gần hết tầng 1, nhà cấp 4 chỉ còn nhìn thấy nóc.
Nhiều năm sống chung với lũ, trong những ngôi nhà ở đây đều được thiết kế thêm gác chạn nằm sát nóc nhà để cất giữ tài sản, đồng thời là nơi tránh lũ của gia đình. Nhà bị ngập hơn 1 m, vợ chồng cụ Nguyễn Văn Cừ (81 tuổi) và cụ Trần Thị Phúc (76 tuổi) ở xóm 7 (xã Hà Linh, huyện Hương Khê) phải lên gác chạn tránh lũ.
Bữa ăn của hai vợ chồng cụ Nguyễn Văn Cừ (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chỉ có cơm với chuối xanh hoặc mì tôm cứu trợ
“Chỉ trong vòng hơn 10 ngày, chúng tôi phải 2 lần chạy lũ. Trận lũ trước vừa ra khỏi sân thì trận lũ mới lại ập vào. Hai vợ chồng tôi phải ăn ở trên gác chạn này. Không biết đợt này bao giờ nước lũ mới rút hết”, cụ Cừ nói.
Vợ chồng cụ Cừ sinh được 7 người con thì có 4 người đi làm ăn xa, 3 người con còn lại lập gia đình sống ở gần nhà nhưng nhà cũng bị ngập lũ nên hai cụ phải tự lo cho mình.
Đợt lũ này, anh Lê Văn Tuất (xã Phương Điền, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đưa vợ và 2 con sang nhà ngoại, mình anh ở trên gác chạn tránh lũ
Ngôi nhà cấp 4 của anh Lê Văn Tuất (45 tuổi) ở xóm 1 (xã Phương Điền, huyện Hương Khê) ngập nước hơn 1 m. Trước đó, ngày 31.10, khi nước lũ chưa dâng lên, anh Tuất phải đưa vợ và 2 con về nhà ngoại cách đó khoảng 2 km để tránh lũ.
“Con trâu của gia đình đã được đưa lên núi, còn đồ đạc, thóc gạo thì tôi gác lên chòi tránh lũ . Đợt lũ trước cả gia đình ở trên chòi này nhưng do thiếu thốn quá và ở chung với gà vịt hôi thối nên đợt này chỉ có mình tôi ở lại”, anh Tuất thở dài.
Cạnh đó, ngôi nhà vợ chồng anh Phạm Văn Giáp (40 tuổi) và chị Hồ Thị Thu Huyền (35 tuổi) cũng bị ngập sâu. Khi chúng tôi đến, anh Giáp chui người qua mái ngói đã trổ trước đó để ra hiệu nhà có người.
Ngôi nhà cấp 4 của gia đình anh Phạm Văn Giáp (xã Phương Điền, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị ngập sâu. Vợ chồng anh phải ở trên gác chạn 2 ngày qua
“Nhà tôi bị ngập sâu 2 m nên 2 vợ chồng sống ở trên gác chạn. Hai đứa con tôi gửi về ngoại từ 2 hôm trước. Nước lũ bủa vây, điện bị cắt, 2 vợ chồng chỉ ăn mì tôm, uống nước lã cầm chừng”, chị Hiền nói và cho biết, chồng chị mới thả lưới được mấy con cá rô đồng nên tối nay hai vợ chồng sẽ nhóm lửa nấu cơm trên gác chạn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền cho biết, đến thời điểm này, nước đã rút bớt, trên địa bàn chỉ còn 21 hộ bị ngập từ 1 – 2 m.
“Tại địa phương, những hộ ngập sâu thì di chuyển người và đồ đạc lên ở chung với hộ có nhà cao hơn. Có nhà là nơi tập trung của 2 – 3 hộ gia đình, lượng người bỗng dưng tăng lên nhưng họ cùng nhau sẻ chia từng bữa ăn. Họ cùng nhau thổi cơm chung, có cá ăn cá, có rau ăn rau”, ông Minh nói.
Nhiều nhà dân ở xã Phương Điền và Hà Linh vẫn chìm sâu trong nước lũ
Ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do lượng mưa giảm từ chiều tối 1.11, đến sáng nay tại các địa phương ngập lụt sâu nước đã rút dần. Đến chiều chỉ còn 1.080 hộ dân ở 12 xã thuộc huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Hương Khê bị ngập.
Hiện nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn vẫn đang xả lũ điều tiết trong khi mực nước lúc 7 giờ sáng 2.11, trên sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ đạt 13,55 m (trên báo động 3 là 0,5 m), tại Hòa Duyệt 10,1 m (dưới báo động 3 là 0,39 m).
Phạm Đức