Xã hội

Dân không muốn nhường đất vì tiền đền bù 1m2 "không đủ mua gói mì tôm"

Cho rằng mức đền bù thấp, số tiền đền bù không đủ mua đất nơi ở mới và khó khăn trong việc kiếm kế sinh nhai, gần 30 hộ dân nằm trong dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 vẫn chưa chịu di dời khiến dự án chậm tiến độ hơn 2 năm so với dự kiến.

Giá 1 m2 đất không bằng gói mì tôm

Anh Phạm Văn Việt, thôn Chợ, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa là một trong những người dân thuộc diện phải di dời phản ánh: “Nhà tôi có 17.000 m2 đất đồi trồng cây luồng do cha ông để lại, hằng năm thu hoạch hàng chục triệu đồng. Khi Nhà nước vận động di dời để làm hồ thủy điện, gia đình tôi đã nhường 9.000 m2 đất. Tuy nhiên, nhận thấy giá đền bù quá thấp (chỉ có 1500 đồng/m2), chưa đủ mua gói mì tôm, thì chúng tôi quyết định giữ phần đất còn lại”.

Do ảnh hưởng của dự án, nhiều gia đình bị nứt nhà .

Còn chị Hà Thị Điểm (người dân tộc Thái), thôn Thành Long 2, xã Cẩm Thành cho biết, nhà chị vào diện ngập lòng hồ thủy điện. Tuy nhiên, chị chỉ được đền bù 200 nghìn đồng/mét đất ở, 17 nghìn đồng/mét đất trồng cây lâu năm, tổng diện tích đất của gia đình chị là 600 m2 nhưng số tiền bồi thường chỉ được có 45 triệu đồng. Với số tiền này, chị Điểm không đủ mua đất tái định cư nên việc phải di dời là rất khó. Hiện chị đang chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, tăng tiền đền bù, hoặc hỗ trợ cho gia đình đến nơi ở mới an toàn.

Không chỉ khó khăn trong giá đền bù thấp, việc nhường đất cho Nhà máy Thủy điện khiến người dân đối mặt với nhiều nguy cơ khi sinh kế cũ bị phá vỡ. Ông Phạm Văn Nghị, thôn Chợ, xã Cẩm Bình buồn rầu cho biết: “Chúng tôi giờ đã có tuổi rồi đi xin làm việc ở công ty, xí nghiệp cũng chẳng ai muốn nhận, đất mầu trồng ngô thì thủy điện đã thu hồi. Nếu còn đất, hàng năm chúng tôi cũng có thêm thu nhập, không biết con cháu chúng tôi sau này sẽ làm những gì để kiếm sống lâu dài. Đất trồng cây giờ không còn, tiền đền bù rồi cũng sẽ hết. Nhà tôi có 5.000m2 đất, mỗi m2 đất chỉ đền có 17.000 đồng, đền cũng như không, chả buồn lấy”.

Ngoài 29 hộ dân thuộc 4 xã Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Lương, Cẩm Thạch chưa được bồi thường và di dời, tại xã Cẩm Thành, còn có mỏ cát số 121 của Công ty TNHH Thái Dương do trước đó UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép khai thác mỏ cát này. Đây là vị trí nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện đã được Sở Công Thương xác định ranh giới và UBND huyện đã có thông báo thu hồi đất.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn chỉ đạo UBND huyện thu hồi đất thuộc mỏ cát 121, nhưng hiện Công ty TNHH Thái Dương yêu cầu bồi thường máy móc, thiết bị khai thác cát, sỏi hoặc cấp vị trí mỏ mới cho công ty, nên việc giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn. UBND huyện Cẩm Thủy đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 chậm tiến độ do nhiều hộ dân không chịu di dời.

Được biết, Dự án thủy điện Cẩm Thủy 1 do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông Intracom làm chủ đầu tư nằm trên địa phận 2 xã Cẩm Thành, Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

Dự án có công suất 28,8 MW nhằm cung cấp cho hệ thống điện quốc gia và kết hợp làm hồ chứa, tăng đầu nước phục vụ tưới nông nghiệp. Kinh phí thực hiện dự án trên 1.300 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện dự án là 481 ha.

Để thực hiện Dự án Thủy điện Cẩm Thủy 1, hơn 1.200 hộ dân phải nhường đất cho Dự án. Tuy nhiên, do giá đền bù quá thấp nên hiện vẫn còn 29 hộ dân tại các xã Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Thạch, Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy) chưa chấp nhận di dời khỏi vùng lòng hồ.

Đang chờ báo cáo

Theo bà Mai Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy, số hộ dân đang vướng mắc về việc đền bù, huyện đã kiến nghị với tỉnh, tỉnh đã giải quyết cho nhân dân, nhưng các hộ dân vẫn không đồng ý với mức giá bồi thường theo quy định nên huyện đang tiếp tục báo cáo tỉnh.

“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động nhân dân nhận tiền bồi thường, nhường đất cho dự án, đối với các hộ mất đất ở, huyện sẽ hỗ trợ các hộ tiền thuê nhà 6 tháng, các hộ có nhu cầu đất ở huyện cũng bố trí đất ở cho các hộ ổn định sản xuất. Còn những hộ mất đất sản xuất, huyện sẽ hỗ trợ các hộ tìm kiếm ngành nghề khác, có thu nhập”- Bà Hà nói.

Liên quan đến việc này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn trong chuyến công tác kiểm tra tình hình thi công dự án mới đây đã đưa ra kết luận, chủ đầu tư chưa xây dựng phương án phòng chống lụt bão; phương án vận hành hồ chứa chưa được Bộ Công Thương duyệt.

Phương án phòng chống lụt bão vùng hạ du cũng chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, ngoài ra, chủ đầu tư còn chưa thực hiện xong việc nghiệm thu, kiểm định chất lượng công trình nên không đủ điều kiện để cho phép tích nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu huyện Cẩm Thủy rà soát các điểm vướng mắc sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu phương án bồi thường giải phóng mặt bằng tại mỏ cát nằm trong lòng hồ.

Tác giả: Bình Minh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP