Tin Hà Tĩnh

Dân "đánh liều" phá hộ lan khi bị chính quyền "đem con bỏ chợ"!

Nhiều lần viết đơn gửi các cấp thẩm quyền xin mở hộ lan để có đường vào không được, một số hộ dân đã tự phá hộ lan QL1A và bị lực lượng chức năng xử phạt, thông báo sẽ cưỡng chế nếu tiếp tục vi phạm.

Bí quá “phá” hộ lan

Năm 2017, UBND xã Phù Việt (nay là xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) quy hoạch bán 30 lô đất tại khu vực đồng Kiệt (bám theo QL1A từ Km501-Km502) nhưng đến nay không làm đường gom đấu nối ra QL1A đã đẩy người dân vào tình thế bí bách. Họ chấp nhận vi phạm pháp luật, tự ý phá dỡ hộ lan vào xây dựng trên mảnh đất của mình sau nhiều lần có đơn nhưng không được giải quyết.

Vào đầu tháng 2/2020, ông Lê Song Hồng và bà Lê Thị Thanh viết đơn gửi UBND xã Việt Tiến và huyện Thạch Hà cùng các cơ quan quản lý đường bộ với mong muốn ngành chức năng xem xét, tháo dỡ hệ thống hộ lan dọc QL1A để xây dựng nhà cửa.

Sau thời gian dài xin mở hộ lan để làm nhà trên đất không được, ông Hồng đã tự ý mở hộ lan và bị Chi cục đường bộ II.3 xử phạt, yêu cầu đóng lại.

UBND huyện Thạch Hà sau đó cũng có văn bản gửi Chi cục Quản lý đường bộ II.3 và Cục Quản lý đường bộ II (Tổng Cục đường bộ Việt Nam) xem xét, tháo dỡ hệ thống hộ lan QL1 đoạn Km501+260 tới Km501+300 để các hộ dân có lối ra vào thi công công trình.

Văn bản trả lời ngày 4/3/2020 của Cục Quản lý đường bộ II về vấn đề này nêu rõ: Tại khoản 2 điều 29 Nghị định số 11/2010 NĐ-CP ngày 24/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định: “Đường nhánh được nối vào QL phải thông qua điểm đấu nối thuộc quy hoạch các điểm đấu nối đã được UBND tỉnh phê duyệt, sau khi có văn bản thỏa thuận của Bộ GTVT. Cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ thuộc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thống kê các đường đã đấu nối và lập kế hoạch xử lý phù hợp với quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt” và “Các đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào QL thông qua đường nhánh”.

Cục Quản lý đường bộ II đã có văn bản trả lời UBND huyện Thạch Hà việc mở hộ lan mềm không thuộc thẩm quyền của đơn vị này.

Như vậy có nghĩa, việc tháo dỡ hộ lan không được chấp thuận và các hộ dân chỉ được đấu nối vào QL 1 thông qua đường nhánh đã được quy hoạch.

“Sau nhiều tháng chờ đợi vẫn không có kết quả, tháng 6/2020, tôi đã mở hộ lan để cho xe vào san lấp đất và bị Chi cục Quản lý đường bộ II.3 lập biên bản xử phạt hành chính 4 triệu đồng” – ông Hồng cho hay.

Sau khi ông Nguyễn Khắc Cường mở hộ lan để ra vào ki-ốt kinh doanh, ông này đã bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt đồng thời yêu cầu đóng lại hộ lan nếu không sẽ thực hiện cưỡng chế.


Tréo ngoe hơn là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Khắc Cường - khi ông này đã xây dựng dãy ki-ốt kinh doanh vật liệu xây dựng. Do mở đường không được nên gia đình ông này đã làm liều phá hộ lan cho xe ra vào.

Hoạt động chưa lâu ông bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt, đồng thời yêu cầu hoàn trả nguyên trạng nếu không sẽ có biện pháp cưỡng chế. Gia đình ông Cường đang rất lo lắng nếu cơ quan chức năng kiên quyết bắt đóng hộ lan thì lối vào nhà cũng không có chứ chưa nói đến chuyện kinh doanh.

Không cho đấu nối nếu không có đường gom

Giải thích về việc không làm đường gom khi quy hoạch để xảy ra tình trạng trên, ông Đồng Xuân Vân, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà (nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng) cho biết, khi quy hoạch thì có đường gom nhưng kinh phí để xây dựng vào khoảng 15 tỷ đồng và địa phương không có kinh phí đầu tư nên không làm.

“Sắp tới huyện sẽ lập danh sách các hộ dân có nhu cầu làm đường rồi làm việc với cơ quản lý đường bộ để tháo gỡ khó khăn cho người dân” – ông Vân nói.

Việc thực hiện đường gom đã có trong quy hoạch nhưng từ năm 2017 đến nay, ngành chức năng không triển khai.


Tuy nhiên, ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đường bộ II.3, cho biết, huyện Thạch Hà đã 2 lần gửi văn bản cho đơn vị để xin mở hộ lan. Tuy nhiên, Cục không đồng ý và đã có văn bản số 233/CQLĐBII-ATGT khẳng định việc mở tường hộ lan mềm như đề nghị của huyện Thạch Hà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục.

“Chúng tôi kiên quyết làm đúng theo quy định, sau khi huyện Thạch Hà có văn bản gửi chúng tôi đã trả lời rất rõ ràng nhưng họ lại tiếp tục gửi văn bản xin mở hộ lan nên chúng tôi không trả lời nữa. Cơ quan quản lý đường bộ không chấp nhận việc không làm đường gom mà cứ đấu nối như vậy gây mất an toàn, ảnh hưởng hành lang giao thông” – ông Giang nói.

Mặc dù trước đó, Cục QLĐB II đã có văn bản trả lời việc mở hộ lan không thuộc thẩm quyền của đơn vị này nhưng UBND huyện Thạch Hà vẫn tiếp tục gửi văn bản xin mở hộ lan.

Cũng theo ông Giang, để xảy ra tình trạng trên là do trước khi phân lô, bán nền, chính quyền địa phương không làm đường gom, đường nhánh cho người dân như theo quy hoạch.

Đối với những trường hợp vi phạm, đơn vị đã lập biên bản xử phạt hành chính đồng thời sẽ gửi công văn nhắc nhở địa phương cần chấm dứt tình trạng nêu trên. Nếu không giải quyết dứt điểm, đơn vị sẽ báo cáo cấp trên và ra quyết định cưỡng chế.

Tác giả: Tiến Hiệp

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP