Xã hội

Đẫm nước mắt người thương binh 30 năm 'sống' cùng đồng đội đã hi sinh

Hơn 30 năm, ông Bàng dành phần lớn thời gian chăm sóc mộ phần cho những người đồng chí, đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ, kể cả khi ông đang từng ngày chống chọi với bệnh nặng...

Hơn 30 năm nay, cứ đều đặn ngày 3 lần, ông Hoàng Ngọc Bàng (SN 1938, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội) lại ra nghĩa trang liệt sĩ chăm sóc phần mộ cho các đồng đội của mình.

Được biết, ông Bàng là thương binh ¾, hưởng chế độ người nhiễm chất độc màu da cam. Như lớp thanh niên đương thời, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ năm 1966.

Sau khi được huấn luyện 3 tháng, ông Bàng được phân về trung đoàn 250A Quân khu Việt Bắc và lên đường vào Nam chiến đấu.

Ông Bàng đang ốm nặng nhưng vẫn đòi ra chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ. Ảnh: Diệu Bình

Trong trận đánh lớn ác liệt tại cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định năm 1975, ông bị thương nặng, mất khuỷu tay và ảnh hưởng mắt bên phải do mảnh đạn găm vào. Ông được đồng đội khiêng ra ngoài căn cứ để dưỡng thương. Vết thương chưa lành, ông lại tiếp tục cầm súng chiến đấu.

Năm 1976, ông phục viên trở về quê hương, mang trên mình nhiều chứng tích của chiến tranh, đoàn tụ với người vợ đang mỏi mòn đợi chồng.

Ông Bàng nghẹn ngào kể, làng ông có 11 người vào chiến trường B, chỉ có 2 người trở về, 9 người ngã xuống. Ngày đi, trong nhóm chỉ có 2 người có vợ, còn những người khác vẫn là thanh niên trẻ.

Năm đó, trước khi được phân đi các tiểu đội đưa vào chiến trường họ hẹn nhau hòa bình lập lại, nhất định phải đi học tiếp… Giờ giấc mơ mãi mãi nằm lại nơi chiến trường xưa.

Thi hài của 4 người đồng đội, em trai ruột và anh họ của ông Bàng được đưa vào trong nghĩa trang liệt sĩ của xã. Năm 1979, UBND xã Kim Nỗ tìm quản trang, ông Bàng đề xuất với cán bộ chính sách cho ông được đảm nhiệm.

Cứ như vậy, hơn 30 năm nay, ông Bàng chăm sóc cho 165 phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã. Ngày ông mới nhận trông nom, nghĩa trang là những mộ đất, cỏ mọc um tùm. Cứ cắt cỏ đằng trước, cỏ mọc lại đằng sau nên ngày nào ông và vợ cũng ra cuốc đất, cắt cỏ, nhặt rác.

Ông Bàng chụp ảnh tại nghĩa trang liệt sĩ xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, khi nghĩa trang chưa được xây dựng quy mô. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp

Những ngày mưa, đường đi lầy lội, ông và vợ đi bê đất đổ vào chỗ sình lầy, lấy lối đi lại cho đỡ trơn trượt.

Khi nghĩa trang được xã quy hoạch, xây dựng khang trang, ông và vợ đỡ vất vả hơn. Mỗi ngày hai ông bà chở nhau trên chiếc xe đạp, ra lau dọn bụi bặm trên các phần mộ, thắp hương, quét dọn lá rụng. Ngày nào ông ra muộn là bà lại rối rít giục ông.

Theo ông Bàng, từ thời bao cấp xã hỗ trợ ông 1.000 đồng/ngày, đến nay ông được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên ông cho biết, ông làm công việc này chỉ là vì tình cảm với các đồng đội, chứ không đòi hỏi tiền công hay sự hỗ trợ nào của Nhà nước. "Tôi còn sống ngày nào là còn chăm sóc nghĩa trang ngày đó, tôi ra trò chuyện cho các anh ấy khỏi tủi", mắt đỏ hoe, ông Bằng chia sẻ.

Hơn một năm trước, vợ ông Bàng đột ngột ra đi khiến ông hụt hẫng, suy sụp. Hằng ngày, ông một mình ra nghĩa trang cặm cụi dọn dẹp, thắp hương rồi ngồi rất lâu mới về. Có lẽ ông buồn vì nhớ vợ, nhớ đồng đội của mình.

Ông và vợ nên duyên sau một đám "cưới chạy” trước khi ông đi B. Cha ông Bàng sợ ông hi sinh nên yêu cầu ông lấy vợ trước khi ông nhập ngũ 1 tháng để có đứa cháu. Nhưng rồi chưa kịp đậu mụn con thì ông phải vào chiến trường.

Trở về, mừng mừng tủi tủi, hai vợ chồng ông hi vọng thực hiện nốt tâm nguyện của người cha. Đau đớn thay, ông bị ảnh hưởng bởi di chứng của chất độc màu da cam nên vợ đậu thai thì đứa bé bỏ ông bà đi khi mới tượng hình 3 tháng trong bụng mẹ.

3 năm sau, được hội Liên hiệp phụ nữ xã giúp đỡ, ông bà nhận bé gái sơ sinh bị mẹ bỏ rơi ở bệnh viện phụ sản về nuôi dưỡng.

Ông Bàng được chị Hiền - cô con gái ông xin ở bệnh viện phụ sản năm 1979 chăm sóc. Ảnh: Diệu Bình

Cô bé sinh năm 1979 được vợ chồng ông chăm sóc, yêu thương như con đẻ. Ông bà đặt tên con là Hoàng Ngọc Hiền với mong muốn những điều thiện lương, tốt đẹp trong cuộc sống sẽ đến với con. Giờ chị đã lập gia đình, sinh được 2 đứa con.

Hai tháng nay, ông ốm, sức khỏe ngày một suy kiệt. Chân ông sưng phù nhưng hằng ngày vẫn ra nghĩa trang lau dọn. Ban đầu ông tự đạp xe ra, nhưng chân sung to quá ông phải nhờ con gái đưa ra.

Bà Vì Thị Lan, người bán nước ở cổng nghĩa trang, cho biết: “Ông Bàng tốt lắm, chẳng thấy to tiếng với ai bao giờ. Ngày nào cũng cần mẫn làm, nắng mưa chẳng bao giờ vắng mặt. Đợt này ốm đau nhưng ông vẫn ra liên tục. Nhưng độ 1 tuần trở lại đây, ông yếu không ra được nữa”.

Những hôm không ra được ông nhờ em gái ruột là bà Hoàng Thị Mão ra chăm sóc nghĩa trang thay cho ông.

Những hôm mệt nặng, không ngồi dậy được ông Bàng đều nhắc em gái ra chăm nom nghĩa trang thay ông. Ảnh: Diệu Bình

“Cách đây mấy tháng, bố tôi đi khám, bác sĩ phát hiện khối u ác trong gan. Tôi muốn cho ông mổ nhưng bác sĩ khuyên không nên vì bệnh cũng di căn rồi. Họ cho ông về nhà…”, chị Huyền rơi nước mắt chia sẻ.

Con gái ông sợ ông buồn nên vẫn giấu bệnh tình. Ông chỉ biết là mình bị men gan cao.

Chị Hiền cho biết thêm, ngày nào ông cũng đòi con chở ra nghĩa trang nhưng sức khỏe ông yếu, không thể ngồi dậy được. Lắm hôm ông dỗi không chịu ăn, chị phải hứa cho ông ra nghĩa trang thăm đồng đội ông mới đồng ý.

Trước khi tôi ra về, ông Bàng vẫn bảo: “Vài hôm nữa khỏe, tôi lại ra chăm sóc cho các đồng đội tôi... ".

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết: “Ông Hoàng Ngọc Bàng là thương binh ¾, ảnh hưởng 52% sức khỏe.

Thời gian qua, ông Bàng làm quản trang cho nghĩa trang liệt sĩ có nhiều đóng góp, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ rất tốt. Gần đây tuy ốm nặng nhưng ông vẫn cố gắng hoàn thành công việc của mình.

Bao nhiêu năm nay, ông ấy làm bằng cái tâm và tình cảm của mình, không đòi hỏi hay nề hà khó khăn gì. Đây là điều rất đáng quý”.

Tác giả: Diệu Bình

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP