Trong công văn này, HVG cho biết, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc doanh nghiệp bị lỗ ở cả báo cáo riêng (lỗ 224,4 tỷ đồng) và báo cáo hợp nhất (lỗ sau thuế của công ty mẹ 713 tỷ đồng) trong năm 2017.
Nguyên nhân thứ nhất đó là do thiếu hụt nguyên liệu. Mặc dù trong năm 2017 chứng kiến giá xuất khẩu cá tra fillet tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại, tuy nhiên, trái ngược với nhu cầu không ngừng tăng của thị trường, nguồn cung cá tra nguyên liệu mỗi ngày lại một giảm.
Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu bắt đầu từ năm 2016 và kéo dài đến đầu năm 2018 chưa có dấu hiệu hồi phục. 11 nhà máy với 15.000 lao động của HVG hoạt động ở mức độ cầm chừng, giảm 50% công suất, chủ yếu tái chế hàng trong kho để duy trì xuất khẩu.
Nguyên liệu không đủ, chi phí cố định lớn, cộng thêm chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngưng sản xuất làm cho giá thành sản xuất tăng 30%. Giá xuất khẩu cho dù tăng mạnh cũng không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Đây được cho là nguyên nhân chính dẫn đến báo cáo kết quả kinh doanh của HVG bị lỗ.
Thua lỗ, nợ nần, "vua cá tra" Dương Ngọc Minh đang quyết tâm tái cơ cấu, xốc lại kinh doanh |
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự sụt giảm mạnh về kết quả kinh doanh của HVG là do chi phí lãi vay và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang.
“Vua cá tra” cung cấp số liệu cho thấy, từ năm 2015 tới cuối năm 2017, HVG đã triển khai thực hiện nhiều đề án với tổng mức đầu tư là 2.154 tỷ đồng. Trong đó, công ty sử dụng 646,4 tỷ đồng từ vốn tự có và huy động thêm 1.592 tỷ đồng.
Tính đến nay, một số công trình đã được hoàn tất 80% nhưng việc giải ngân từ ngân hàng lại bị trì hoãn. “Có những dự án phải sử dụng hoàn toàn nguồn vốn ngắn hạn của công ty mà không có sự hỗ trợ nào từ phía ngân hàng cam kết”, HVG cho hay.
Tổng số vốn mà phía ngân hàng cam kết tài trợ cho các dự án là 1.508 tỷ đồng, tương ứng 70% tổng giá trị đầu tư các dự án, song thực tế, theo HVG, ngân hàng mới giải ngân được 484 tỷ đồng, nghĩa là chưa được 1/3 giá trị cam kết.
Đến nay, HVG đã bỏ ra lên đến 640 tỷ đồng, trích từ nguồn vốn ngắn hạn. Với lãi suất bình quân 9%/năm, công ty này phải gồng gánh chi phí lãi vay phát sinh lớn trong khi các dự án còn dở dang chưa thể tạo ra lợi nhuận.
Nói về phương án khắc phục trong thời gian tới, bên cạnh việc đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả do tình trạng thiếu hút nguyên liệu, HVG đặt kế hoạch thoái 100% vốn tại Thực phẩm Sao Ta và trên 50% vốn tại Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng. Đồng thời, thanh lý một số bất động sản tại TPHCM (765 Hồng Bàng, 94 Phạm Đình Hổ).
Cuối cùng, HVG cho biết sẽ thỏa thuận với ngân hàng về việc tiếp tục tài trợ nguồn vốn trung-dài hạn để hoàn thành các dự án đang triển khai dở dang. Đồng thời, đề nghị ngân hàng khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất với các khoản nợ hiện tại.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG hiện chỉ đạt mức giá xấp xỉ 5.000 đồng, lao dốc gần 50% so với thời điểm đầu năm 2018. Ông Dương Ngọc Minh là cổ đông lớn nhất tại HVG với khối lượng nắm giữ đạt 86,88 triệu cổ phiếu tương đương 39,13% vốn điều lệ.
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí