Kinh tế

Đại gia ngầm tung 7,4 ngàn tỷ, sánh cùng nữ tỷ phú USD Phương Thảo

Đại gia kín tiếng bất ngờ tung ngàn tỷ thống trị doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam với quỹ đất hàng triệu mét vuông. Cùng với sự có mặt của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, giới đầu tư chờ đợi đại dự án đô thị Splendora đổi vận.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán thoái vốn thành công 255 triệu cổ phiếu VCG tương đương 57,71% vốn điều lệ Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex.

Theo đó, phiên đấu giá trọn lô này có 1 tổ chức và 2 nhà đầu tư tham gia và người thắng cuộc là Công ty TNHH An Quý Hưng. An Quý Hưng đã bỏ giá 28.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 35,6% so với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra.

Tổng cộng An Quý Hưng sẽ phải bỏ ra gần 7,4 ngàn tỷ đồng để sở hữu gần 58% cổ phần của Vinaconex - doanh nghiệp xây dựng hàng đầu Việt Nam với quỹ đất hàng triệu mét vuông và hiện đang có cổ phiếu niêm yết trên HXN.

Mức giá An Quý Hưng là rất cao, bởi giá của VCG trên sàn hiện chỉ là 18.500 đồng/cp.

Kết quả thoái SCIC vốn Vinaconex.

An Quý Hưng được biết đến là một doanh nghiệp xây dựng có lịch sử hoạt động gần 20 năm, ở khu vực ngoại thành Hà Nội do ông Nguyễn Xuân Đông (70% vốn) và vợ là bà Đỗ Thị Thanh sở hữu 100% vốn.

Cũng có ngành nghề giống Vinaconex, nhưng An Quý Hưng có kinh nghiệm thi công nhiều dự án nhà máy cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Nike, sợi Texhong, giày Regis, Piagio Việt Nam, năng lượng Laurel,...

An Quý Hưng cũng thực hiện nhiều dự án bất động sản như: Dự án khu nhà phố thương mại 24h Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Shophouse Gleximco Lê Trọng Tấn,...

Ông Nguyễn Xuân Đông là một doanh nhân kín tiếng cho dù cũng đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp nổi tiếng hơn như: Vimeco - VMC (từng sở hữu 30% vốn), trong HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX),...

Nguyễn Xuân Đông, ông chủ của An Quý Hưng

Doanh nghiệp của ông Nguyễn Xuân Đông cũng từng tham gia gia đấu giá mua cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên (sở hữu Khạch sạn Kim Liên với vài hecta đất vàng ở vành đai 1 Hà Nội), nhưng thất bại dưới đại gia chịu chơi ThaiGroup của bầu Thuỵ.

Vinaconex là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng nhưng gần đây có xu hướng đi xuống, kết quả kinh doanh sụt giảm, lợi nhuận 9 tháng giảm 40% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, Vinaconex vẫn đang quản lý và sở hữu hàng triệu mét vuông đất tại Hà Nội. Vinaconex bất ngờ trở nên hấp dẫn khi mà cả SCIC và Viettel đồng loạt thoái vốn, bán toán bộ 79% cổ phần. Tập đoàn này hiện sở hữu khu đất hàng triệu m2 tại Khu công nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc, dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora) hàng trăm hecta. Bên cạnh đó còn nhiều dự án khác và cả trường Lý Thái Tổ ngay tại khu vực trung tâm Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội,...

Tại dự án Splendora, sau 10 năm mắc cạn, hồi đầu năm nay (2018), nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã tham gia vào dự án này. Công ty Địa ốc Phú Long, một thành viên của Sovico Holdings của nữ tỷ phú Thảo đã mua lại 50% vốn góp của phía đối tác ngoại Posco E&C.

Như vậy, Splendora giờ có sự tham gia của 2 đại gia phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam gồm Địa ốc Phú Long và An Quý Hưng.

Doanh nghiệp của nhà nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tham gia vào Splendora từ đầu 2018.

Ông Nguyễn Xuân Đông sinh năm 1966 còn sở hữu công ty bất động sản An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản. Với cú mua Vinaconex, An Quý Hưng của nhà ông Đông có quyền chi phối, tuy nhiên đại gia này có thể cần mua thêm khoảng hơn 7% nữa để đạt ngưỡng trên 65%, nắm trọn quyền phủ quyết doanh nghiệp.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp. Thị trường lên điểm chủ yếu nhờ một số mã chủ chốt như Vinhomes của ông Phạm Nhật Vượng, VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang, Thế giới di động của ông Nguyễn Đức Tài,...

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn Lưu thận trọng trong các dự báo.

Rồng Việt cho rằng, sự thận trọng vẫn hiện hữu và khó có thể xảy ra các phiên giao dịch đột biến trong thời gian tới. Các cổ phiếu lớn phân hóa khiến thị trường tiếp tục dao động với biên độ hẹp.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/11, VN-Index tăng 1,86 điểm lên 924,42 điểm; HNX-Index tăng 0,65 điểm lên 104,55 điểm. Upcom-Index tăng 0,1 điểm lên 52,16 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.

Tác giả: V. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP