Theo ông Tứ, ban đầu các cán bộ sẽ quan sát bằng mắt thường xem có phải gạo đổi màu do nấm mốc hay không. Nhưng để biết đích xác thì phải lấy mấu đi kiểm nghiệm và không loại trừ có hóa chất trong gạo.
“Năm ngoái có một trường hợp tương tự ở quận Cẩm Lệ, chúng tôi gửi mẫu đi phân tích hết mấy chục triệu nhưng không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất. Gần đây dư luận nói nhiều về gạo bị đổi màu, như ở Sài Gòn và một số nơi khác nên phải tìm hiểu. Nếu có độc tố thì phải làm rõ độc tố gì”, ông Tứ nói.
Sau hai ngày ngâm nước, gạo có mùi hôi khó chịu, chuyển từ màu trắng sang vàng và xanh. Ảnh: Bùi Trung. |
Trước đó, một số người dân ở tổ 8B phường Thọ Quang lấy gạo ra ngâm nước, để qua một ngày thì phát hiện gạo hút hết nước và chuyển sang màu vàng. Sang ngày thứ hai, gạo chuyển dần sang màu xanh, bốc mùi hôi khó chịu như mùi tôm cá ươn lâu ngày.
Anh Bùi Trung, người chia sẻ hình ảnh gạo bị đổi màu lên Facebook, cho biết thấy một số hộ dân xung quanh dùng gạo như nhà mình nấu cơm ăn hàng ngày phát hiện gạo đổi màu xanh, ngày 12/5 anh lấy gạo ngâm nước lạnh, để ở nơi khô thoáng và cũng phát hiện hiện tượng tương tự.
Theo anh Trung, loại gạo ngâm nước bị đổi màu và bốc mùi hạt trắng, đều nhìn đẹp mắt, được mua tại một đại lý gần nhà, giá bán lẻ là 125 nghìn đồng cho bao 10 kg. Trên bao bì in tên công ty có trụ sở đóng tại cụm công nghiệp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
“Tôi cũng không biết gạo bị đổi màu như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe khi sử dụng hay không. Phía chính quyền đã xuống lấy mẫu, tôi mong sớm có kết quả để biết loại gạo mình ăn lâu nay có an toàn”, anh Trung nói.
Nguyễn Đông