Giáo dục

Đã đến lúc bỏ thi giáo viên dạy giỏi

Việc một số trường ở Hải Phòng cho học sinh yếu kém nghỉ học vào giờ thi giáo viên dạy giỏi mà dư luận xôn xao mấy ngày gần đây như 'giọt nước tràn ly' về những bức xúc trong cách thi giáo viên dạy giỏi nặng về trình diễn lâu nay.

Khi nói không với trình diễn, cuộc thi giáo viên dạy giỏi sẽ tự nhiên hơn (ảnh chụp tại giờ thi giáo viên dạy giỏi cấp quận ở Trường THCS Phú Thượng, Q.Tây Hồ, Hà Nội) T.MAI

Câu chuyện mà phụ huynh ở Hải Phòng bức xúc được nhiều phụ huynh cho rằng không phải hiện tượng cá biệt, trái lại còn khá phổ biến. Việc cho học sinh (HS) yếu kém hoặc “cá biệt” ở nhà vào giờ dạy học có đoàn kiểm tra đến dự giờ hoặc chọn HS giỏi vào học giờ thi giáo viên (GV) dạy giỏi đã khá quen thuộc ở nhiều nơi.

Học sinh yếu thì ở nhà !

Một phụ huynh ở Hà Nội có con năm nay vào đại học cho biết, con chị vốn học chậm và thiếu tập trung nên suốt thời gian học phổ thông đã không ít lần “được” nghỉ học khi có đoàn kiểm tra các cấp đến dự giờ. Đơn giản hơn là một buổi dạy mẫu, chia sẻ sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo thì cháu cũng không được cô chọn vì sợ làm ảnh hưởng đến cả lớp. “Mấy lần đầu mẹ còn khóc vì thương con và tủi thân. Sau thấy cũng quen vì trường nào cũng thế, càng trường “điểm” thì càng hay có đoàn dự giờ”, vị phụ huynh này nói.

Một GV dạy tiểu học ở Q.Thanh Xuân thừa nhận, một lớp học lên tới hơn 60 HS, đương nhiên ở các cuộc thi GV dạy giỏi hay hội giảng, dạy mẫu… thì phải cho gần một nửa HS ở nhà, hoặc sang lớp khác vì sĩ số quá đông. Việc chọn lựa HS “sáng sủa” hơn, học tốt hơn ở những giờ dạy đó là có thật. “Bản thân GV cũng thấy thương học trò và mình làm điều gì đó không phải với các em. Nhưng yêu cầu đặt ra như vậy, GV chỉ là người thực hiện. Có năm tôi phải xin không đi thi GV dạy giỏi để dành thời gian cho HS”, GV này nói.

Học sinh thiệt thòi khi có gv… dạy giỏi

Bộ GD-ĐT rà soát để sửa sai

Trước thông tin một số trường ở Hải Phòng bắt HS có học lực yếu kém phải nghỉ ở nhà trong giờ thi GV dạy giỏi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tại Hải Phòng để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư về điều lệ hội thi GV dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Tuyết Mai

Một phụ huynh có con học trường THCS công lập danh tiếng bậc nhất ở Hà Nội cũng chia sẻ, khi vào trường, cũng như nhiều cha mẹ khác đều cố gắng để xin cho con vào lớp có GV danh tiếng dạy giỏi. Thế nhưng vào rồi mới biết là rất sai lầm. Cô giáo với nhiều danh hiệu dạy giỏi ở một trường danh tiếng nhưng chính HS của cô thì lại chịu nhiều… thiệt thòi nhất. Điều này tưởng như vô lý nhưng lại xảy ra trên thực tế. “Con tôi nhiều tuần đều nói tuần này cô dạy tiếng Anh hầu như không lên lớp, hoặc là lớp tự học hoặc có cô khác dạy thay”, phụ huynh này kể.

Tìm hiểu mới biết, cô dạy tiếng Anh nổi tiếng của trường rất mất thời gian với các hội thi, hội giảng từ cấp trường, quận đến thành phố. Cô còn có nhiệm vụ luyện thi cho đội tuyển HS giỏi đi thi đấu hết giải nọ đến giải kia… Do vậy, dù trên danh nghĩa cô được phân công dạy các lớp cụ thể nhưng nhà trường sẵn sàng điều động cô đi các hoạt động lấy danh hiệu, danh tiếng của nhà trường. Còn HS của cô, nhất là những HS không thuộc thành phần đi thi HS giỏi, HS yếu kém cần kèm cặp thì cô lại không có thời gian.

Cần bỏ các cuộc thi hình thức

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (Hà Nội), cũng cho rằng bệnh thành tích đang có nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn. Một trong những việc cần làm trước mắt là Bộ cần bỏ các cuộc thi “GV dạy giỏi”; “GV chủ nhiệm giỏi”, “Tổng phụ trách giỏi”... vì các cuộc thi này đã không còn thực chất, gây áp lực cực kỳ lớn cho GV. Bên cạnh đó, cần bỏ việc “dự giờ theo chuyên đề cấp quận/huyện”. Những buổi dự giờ này, GV và HS không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, rất phản tác dụng. “GV cần có thêm thời gian và công sức để tập trung cho việc dạy dỗ và chăm sóc HS của mình”, ông Khang nói.

PGS Nguyễn Hữu Hợp, Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng đã từng đề xuất bỏ thi GV dạy giỏi từ cách đây nhiều năm, vì nhiều bất cập của cuộc thi này trong thực tế. Ngoài ra, PGS Hợp cho rằng cách làm này thiếu khách quan. Một tiết dạy (với bài thi, sáng kiến kinh nghiệm) hoàn toàn chưa phản ánh được năng lực sư phạm của GV, thiếu tính sư phạm vì làm đảo lộn hoạt động của GV, HS: các em phải làm “quân xanh” cho GV dạy thử, GV bày cho HS nói dối để tạo tình huống sư phạm... Chưa kể, cách làm này còn gây tốn kém về mặt tiền bạc, thời gian của GV và ngân sách nhà nước. (còn tiếp)

Ý kiến

Nếu không nặng thành tích thì GV không gian dối

“Nếu cấp trên không đặt nặng thành tích thì GV không phải gian dối trong việc dạy của mình. Bất kỳ một cuộc thi hay hoạt động phong trào nào nếu thực hiện nghiêm túc với quy chế chặt chẽ và không áp lực thành tích thì cuộc thi đó sẽ có kết quả thực chất. Khi ấy GV không là “chiếc máy dạy”, không phải xấu hổ với HS khi rao giảng HS sống trung thực nhưng mình lại chính là kẻ gian dối”.

Một GV THCS tại Q.Tân Phú (TP.HCM)

Đừng đánh giá GV bằng giải thưởng

“Hậu quả của những tiết học này với HS không chỉ hoàn toàn vô giá trị mà điều đáng lo ngại hơn, HS sẽ học theo việc trình diễn đối phó, từ đó manh nha tính cách dối trá, thiếu thực chất, nặng hình thức trong học tập. Khi gắn quyền lợi của GV vào giải thưởng sẽ khiến nảy sinh những gian dối, tiêu cực. Giải pháp đơn giản là ngành giáo dục đừng đánh giá GV bằng giải thưởng nữa. Hãy đánh giá người dạy qua sự tiến bộ của người học thì chắc chắn GV sẽ phải giảng dạy bằng thực chất. Thanh tra giáo dục sẽ kiểm tra trình độ của một số HS bất kỳ trong lớp, so sánh với kết quả học tập các năm trước là có thể nhận định để đánh giá GV trực tiếp giảng dạy. Đừng chỉ để đánh giá GV mà làm hại HS”.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương
(nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Bích Thanh (ghi)

Bậc mầm non cũng ưu tiên trẻ nhanh nhẹn dự giờ !

Một phụ huynh ở TP.HCM bức xúc kể: “Một hôm, GV điện thoại dặn tôi, ngày mai chị cho bé ở nhà. Ngày mai là tiết dự giờ của cô mà bé hay mất tập trung và không chịu nghe lời cô. Chỉ sợ cô đang lên tiết và con chạy lung tung, sợ ban giám khảo đánh giá cô quản lý lớp học không tốt”. Quả thật, một GV mầm non nhìn nhận quy trình dự giờ hay thao giảng thường được thực hiện theo công thức: “Trước khi đăng ký đề tài, bài giảng đương nhiên là phải khảo sát, nếu trên 50% số trẻ nắm bắt được nội dung thì mới lựa chọn. Trong quá trình khảo sát phải lưu ý trò nào ổn nhất để gọi phát biểu khi thao giảng”. Tuy nhiên, theo GV này, để không mất thời gian và không “bể sô” thì tốt nhất là dạy trước, chọn từ 3 - 5 HS nhanh nhẹn, dặn dò khi cô hỏi thế này thì bạn A trả lời, khi cô nói cô cần cái gì thì bạn B chạy đi lấy cho cô rồi ai chạy lên dán hình cho cô… Đến khi vào tiết, những HS còn lại chỉ việc ngồi trật tự, chăm chú lắng nghe”.

Bích Thanh

Tác giả: Tuệ Nguyễn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP