Cuộc sống

Cưới nhau hai năm không thể 'yêu' vì điều khó nói

Mỗi lần yêu cô gái lại đau chảy nước mắt. Người chồng sau một thời gian thì cũng 'liệt' tạm thời.

Thạc sĩ Tạ Việt Cường, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ mỗi ngày tiếp xúc với đủ các ca bệnh thầm kín khác nhau. Người thì mệt mỏi vì chỗ ấy rộng quá mỗi lần quan hệ như “ đuôi chuột khuấy lọ mỡ” nhưng có người “chỗ ấy” lại bé và từ chối mọi sự động chạm vào.

Bác sĩ Cường kể, anh gặp một cặp vợ chồng ở Hà Nội tới khám sau hai năm cưới nhau nhưng không thể quan hệ được. Cô vợ nói thương chồng nhưng mà cứ hành sự là chỗ kín bị co, đau chảy nước mắt, không thể tiếp tục.

Anh chồng còn bi đát hơn. Sau khi vợ mắc chứng sợ đau thì anh ta cũng không thể “lên” được nữa. Lý do đó là mỗi lần âu yếm ham muốn cực độ thì vợ lại đau, khóc, nước mắt chảy ròng ròng. Cảm xúc bị gián đoạn, tâm lý bí bích từ ham muốn dần trở thành bất lực. Theo vị bác sĩ, điều trị cho hai ca bệnh “mệt phết” bởi vì vấn đề này liên quan tới tình dục và tâm lý rất nhiều.

Một trường hợp khác là bệnh nhân tìm tới bác sĩ Cường vì muốn điều trị IUI để sinh con. Cả hai vợ chồng đều muốn có con nhưng người vợ không thể quan hệ được nên họ muốn can thiệp hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, dù là thụ tinh nhân tạo thì vẫn phải khám âm đạo. Bệnh nhân vào khám nhưng không cho bác sĩ động chạm vào vùng kín của mình.

“Người cô vợ cứ co cứng lại khiến âm đạo không mở ra được, không thể đưa mỏ vịt hay siêu âm đầu dò được.

Thêm nữa, cô vợ này luôn cảm thấy bản thân mình không hoàn thiện,chỉ có một nửa là phụ nữ và một nửa là người vợ vô dụng nên có lúc chán nản, tức giận và thất vọng về cơ thể của mình. Vì mình mà chồng cũng bị ảnh hưởng”, bác sĩ Cường nhận định.

Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Cường, đây là tình trạng mà âm đạo đột nhiên thắt chặt lại khi bạn đang cố gắng chèn hay đưa một thứ gì đó vào trong, bao gồm cả việc quan hệ tình dục.

Với những trường hợp bị chứng khó nói này, thạc sĩ Cường cho biết tốt nhất nên điều trị từ từ và vấn đề tâm lý cũng rất quan trọng.

Những trường hợp đau do cơ ở vùng kín co thắt cũng nên sử dụng bài tập vùng sàn chậu để giúp kiểm soát cơ ở vùng kín. Bài tập giúp cảm nhận việc “co”, cảm nhận việc “thả”.

Thêm nữa có thể sử dụng một số thứ để hỗ trợ ví dụ như đơn giản nhất là một ngón tay đưa dần vào âm đạo, hoặc một dụng cụ hỗ trợ tình dục để dần cảm nhận việc “co và thả”.

Cách làm thì nghe có vẻ đơn giản nhưng bác sĩ Cường cho rằng để giải quyết được vấn đề triệt để thì tự bản thân bạn nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc này. Vì cần một sự kiên trì, cam kết và kỉ luật bản thân, cùng với đó là sự đồng hành, dịu dàng, kiên nhẫn, động viên của chồng.

Bác sĩ Cường cho biết, người bị hội chứng sợ “yêu” này không phải là hiếm nhưng có những người họ cứ âm thầm chịu đựng không tới tìm bác sĩ. Thậm chí, mới chỉ hai hôm trước có người quen của bác sĩ Cường cũng gọi điện nhờ tư vấn về em gái của cô ấy cũng mắc hội chứng không thể yêu nhưng bản thân người bệnh vẫn sợ không dám đến viện khám. Lúc này, bác sĩ cũng chẳng thể ép mà chỉ tư vấn cho người bệnh.

"Hiện ở Việt Nam vẫn chưa có các lớp học hỗ trợ tình dục hay các chuyên ngành tình dục học mà vẫn chỉ nằm ở trong nam khoa và sản khoa. Những người không quan hệ tình dục được họ chỉ đi khám khi có vấn đề về bệnh lý sản khoa hoặc là hiếm muộn mà ít người đến khám ngay từ đầu. Trong khi, hội chứng này không phải bệnh nhưng cũng cần có sự hỗ trợ y tế sớm không nên âm thầm chịu đựng", bác sĩ Cường nhận định.

Tác giả: Phương Anh

Nguồn tin: datviet.trithuccuocsong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP