Thợ lặn Anh Jason Mallinson (Ảnh: ABC) |
Hôm 10/7, sau 3 ngày làm việc liên tục, nỗ lực của cả đội cứu hộ để đưa đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ra ngoài đã gần đi đến hồi kết. Chỉ còn cầu thủ nhí duy nhất vẫn chưa được giải cứu và thợ lặn Anh Jason Mallinson là người chịu trách nhiệm đưa cậu bé này vượt qua những lối đi ngập nước bùn để ra khỏi hang an toàn.
Đội cứu hộ buộc phải chạy đua với thời gian để giải cứu thành viên cuối cùng của đội bóng vì các điều kiện trong hang Tham Luang ngày càng xấu đi. Nước trong hang vẫn chưa rút hết trong khi lượng oxy có dấu hiệu giảm dần. Các thợ lặn gần như không thể nhìn thấy tay của họ khi xuống nước do nước quá đục.
Khi Mallinson tiến vào trong hang và tìm cách đặt mặt nạ dưỡng khí vào mặt của cầu thủ nhí cuối cùng, anh phát hiện ra rằng chiếc mặt nạ quá nhỏ so với gương mặt của cậu bé.
“Chúng tôi đặt nó lên mặt đứa trẻ, tuy nhiên nó bị siết chặt đến mức mũi của cậu bé bị bẹt ra và vẫn còn một khoảng hở lớn dưới cằm. Chúng tôi không thể che kín mặt được”, thợ lặn Anh kể lại với ABC News.
Mallinson lo sợ rằng cầu thủ nhí sẽ bị chết đuối nếu đeo mặt nạ không vừa với mặt. Mallinson không biết làm cách nào để liên lạc với đội cứu hộ bên ngoài để mang một chiếc mặt nạ mới vừa vặn hơn vào trong trong khi thời gian cũng không còn nhiều.
Các thợ lặn bám vào dây thừng khi di chuyển trong hang Tham Luang (Ảnh: ABC) |
Richard Harris, một thợ lặn và là bác sĩ gây mê người Australia, đã cho cầu thủ Thái Lan dùng thuốc gây mê để giúp cậu bé bình tĩnh và không hoảng loạn trong lúc thợ lặn đưa ra khỏi hang.
Cả hai thợ lặn Mallinson và Harris đã quyết định sử dụng một mặt nạ khác mà họ có được với hy vọng có thể giúp đưa cầu thủ nhí ra khỏi hang an toàn.
“Chúng tôi biết không còn nhiều thời gian nữa và chúng tôi hiểu đây là lựa chọn cuối cùng. Một khi đã quyết định đưa đứa trẻ ra ngoài, đó là hành trình chỉ có một chiều. Bạn không thể đưa chúng trở lại nơi xuất phát. Đó là cách đưa đứa trẻ ra ngoài. Chỉ có sống hoặc chết”, Mallinson cho biết.
Thợ lặn Anh cho biết anh rất lo lắng trong quá trình đưa cầu thủ nhí cuối cùng đi qua các ngóc ngách vì chiếc mặt nạ thay thế có thể dễ dàng tuột ra ngoài nếu nó bị va đập vào đâu đó. Tầm nhìn ở trong hang gần như bằng 0 khiến các thợ lặn không thể nhìn rõ cơ thể đứa trẻ trong lúc kéo chúng đi. Vì vậy Mallinson đã sử dụng chính cơ thể mình làm lá chắn cho cậu bé.
“Tôi đã lấy đầu của tôi che cho đầu của đứa bé. Vì thế đầu của tôi sẽ va vào đá trước và cách làm đó sẽ giúp bảo vệ đầu của đứa bé”, Mallinson kể lại.
Theo chia sẻ của Mallinson, đầu của anh đã va đập hàng chục lần trong hang nhưng vẫn phải tiếp tục duy trì tốc độ di chuyển ra khỏi hang để đảm bảo đứa trẻ không bị hạ thân nhiệt.
Mất phương hướng
Thợ lặn Chris Jewell (Ảnh: ABC) |
Ngoài Mallinson, thợ lặn Anh Chris Jewell cũng tham gia vào quá trình giải cứu một trong hai cầu thủ nhí cuối cùng rời khỏi hang Tham Luang. Trong quá trình giải cứu, Jewell cũng gặp sự cố bất ngờ.
Do hang tối và địa hình hiểm trở, các thợ lặn phải sử dụng dây dẫn đường để giúp họ di chuyển dọc theo lối đi ngập nước trong hang. Một tay họ sẽ bám vào sợi dây này trong khi tay còn lại kéo những đứa trẻ.
Tuy nhiên trong quá trình lặn, Jewell đã bị rời tay khỏi dây và hoàn toàn mất phương hướng trong bóng tối. Jewell sau đó đã tìm thấy một đoạn dây cáp điện với hy vọng có thể dẫn thợ lặn này tiến về phía trước. Tuy nhiên, sợi dây này rốt cuộc lại đưa Jewell về phía cuối hang.
Sau khi nhận ra bị mất phương hướng và không đi đúng đường, Jewell đã quyết định nổi lên mặt nước và tự xác định phương hướng. Jewell đã đặt cầu thủ mà anh đang giải cứu lên một mỏm đá.
“Tôi đã nổi lên ở một phần khác trong hang và tôi thực sự không biết là tôi đang ở đâu trong vài phút”, Jewell kể lại.
Các cầu thủ nhí được đặt trong cáng để đưa ra ngoài hang (Ảnh: Reuters) |
Cuối cùng hai thợ lặn Mallinson và Harris cũng đến được chỗ Jewell và hỗ trợ Jewell đưa cầu thủ nhí ra ngoài. Bác sĩ Harris là người đi trước và Jewell đã theo sau. Cuối cùng tất cả đều ra đến cửa hang an toàn.
“Tôi bám sát ngay sau cậu bé để đảm bảo không xảy ra bất kỳ vấn đề gì trên đường đi”, Jewell nói.
Mặc dù từng nhiều lần bất chấp nguy hiểm để cứu những người bị mắc kẹt, song các thợ lặn đều không nhận mình là những người hùng. Họ chỉ cho rằng bản thân có một số kỹ năng nhất định để giúp mọi người.
“Tôi không cảm thấy mình như một anh hùng. Tôi chỉ cảm thấy mình là người xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ và có những kỹ năng phù hợp để hoàn thành công việc”, thợ lặn Jewell nói.
12 cầu thủ và huấn luyện viên của đội bóng thiếu niên Thái Lan đã bị mắc kẹt trong hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai từ ngày 23/6. Hai thợ lặn Anh đã tìm thấy vị trí của đội bóng ngày 2/7 trong hang tối ngập nước. Chiến dịch cứu hộ với sự tham gia của hàng nghìn người, trong đó có các chuyên gia và thợ lặn nước ngoài, đã giúp đưa toàn bộ 13 người mắc kẹt ra ngoài hang sau 3 ngày giải cứu gấp rút (8-10/7).
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí