Phóng sự - Ký sự

Cuộc “giải cứu” bất thành ở Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy: Bài 1: Tuột dốc không phanh

Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy (Công ty ĐTBT) thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, có trụ sở đóng tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân).


>> Hà Tĩnh: Bắt 5 cán bộ lãnh đạo Nhà máy đóng tàu Bến Thủy


Đây là doanh nghiệp (DN) nhà nước từng có tên tuổi trong và ngoài tỉnh về sửa chữa, đóng mới các phương tiện vận tải đường biển và các sản phẩm cơ khí công nghiệp. Thế nhưng, trong những năm gần đây, tình hình SXKD của Công ty đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Doanh thu luôn đạt điểm âm và hệ lụy của nó là người lao động lãnh đủ.


Những thương vụ bất thành


Những năm 2008 trở về trước, Công ty ĐTBT thường xuyên tạo việc làm cho hơn 800 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3 – 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ giữa năm 2008 lại nay, tình hình SXKD của Công ty đã gặp phải muôn vàn khó khăn.


Trong nỗ lực tái cấu trúc Tập đoàn Vinashin nói chung, vực dậy Công ty ĐTBT nói riêng, năm 2011 Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã quyết định “thay máu” và “hà hơi tiếp sức” cho đơn vị. Ông Đào Văn Lợi được bổ nhiệm Giám đốc Công ty. Đơn vị chủ quản và người lao động thầm mong một “đầu tàu khỏe” để đưa Công ty ĐTBT vượt qua cơn bĩ cực.


Thế nhưng, trái với niềm mong đợi, dưới sự điều hành của Giám đốc Đào Văn Lợi, hoạt động SXKD Công ty tiếp tục thua lỗ kéo dài. Sau khi ông Lợi nhận chức Giám đốc, Công ty ĐTBT nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ phía Tập đoàn Vinashin và địa phương. Trong lộ trình tái cơ cấu của Tập đoàn Vinashin, Công ty ĐTBT được rót thêm 30 tỷ đồng để hoàn thiện tàu Nasico River 01 có tải trọng 4.000 tấn (đóng từ năm 2005). Có nghĩa là tổng vốn đầu tư cho con tàu này lên đến 110 tỷ đồng, trong lúc giá bán khoảng 75 tỷ đồng.


Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Công ty vẫn chưa tìm được đối tác để bán. Và, không biết đến bao giờ “sản phẩm” này mới tìm được nơi tiêu thụ (?!).

Bài 1: Tuột dốc không phanh

Kho, bến đóng mới và sửa chữa tàu vắng bóng người lao động

Tháng 7/2012, Công ty ĐTBT được ký hợp đồng đóng mới 7 xà lan (từ 900 – 1.800 tấn) cho Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) thuê trong 3 năm (bắt đầu bàn giao cho thuê chiếc đầu tiên tháng 11/2012, bàn giao cho thuê chiếc thứ 7 vào giữa năm 2013). Tổng giá trị đầu tư của dự án gần 80 tỷ đồng; trong đó công ty tài chính của Tập đoàn (VFC) cho vay 31 tỷ đồng; tôn đóng vỏ, ứng từ các tổng công ty của Tập đoàn.


Song, do Công ty không có nguồn vốn lưu động đáng kể nào nên việc đóng xà lan được thực hiện theo kiểu “gạo được bao nhiêu đổ nước bấy nhiêu”. Vì vậy, đến nay đã gần hết thời gian bàn giao toàn bộ số xà lan cho bên thuê, nhà máy chỉ mới hoàn thành 4 chiếc. Đang tiếp tục hoàn thành chiếc thứ 5 với tiến độ “cầm chừng” vì thiếu vốn. Sự chậm trễ trong việc đóng mới các xà lan cho thuê đồng nghĩa với việc thu hồi vốn chậm nên vốn lưu động của Công ty đã khó khăn càng khó khăn hơn.


Người lao động khốn khó


Hàng trăm tỷ đồng cho Công ty ĐTBT “làm ăn” đang có nguy cơ “cụt vốn”, các thương vụ mà đơn vị thực hiện từ năm 2011 đến nay chưa thể xóa được màu sắc ảm đạm của Công ty. Và tất nhiên, với những phương án kinh doanh bất thành của Công ty, đời sống, quyền lợi của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bài 1: Tuột dốc không phanh

Chỉ còn ít công nhân cầm cự với nhà xưởng

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Đào Văn Lợi cho biết: Tổng nợ của công ty đến ngày 15/5/2013 đã lên đến 670 tỷ đồng; trong đó, nợ BHXH của người lao động 5,1 tỷ đồng và nợ thuế VAT 5,5 tỷ đồng, nợ lương công nhân gần 3 tỷ đồng. Kế hoạch sản xuất đang bế tắc, không có việc làm, chỉ có 80% người lao động trực tiếp có việc làm theo kiểu cầm chừng, còn khối gián tiếp thì nghỉ luân phiên. Hiện tại, công việc thường xuyên của đơn vị là sửa chữa tàu, thuyền cũng chỉ tạo việc làm được cho khoảng 60 lao động, hơn 100 lao động đang trực tiếp thi công xà lan, nếu hoàn thành chiếc xà lan còn lại vào cuối tháng 5 này thì họ sẽ lâm vào cảnh “ngồi chơi xơi nước”.

Bài 1: Tuột dốc không phanh

Một cảnh hoang tàn

Theo báo cáo tài chính của Công ty ĐTBT, năm 2011, DN lỗ gần 20 tỷ đồng; năm 2012, tổng thu được 36,5 tỷ đồng nhưng lỗ hơn 38 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2013 sẽ càng bi đát hơn khi chỉ tính riêng 2 sản phẩm chính của Công ty là tàu 4.000 tấn và dự án 7 xà lan kể trên, DN tiếp tục có nguy cơ mất trắng hàng chục tỷ đồng nữa. Và, con số lỗ lũy kế sẽ chắc chắn cao hơn năm 2012.


Như vậy, có thể nói, những nỗ lực tái cấu trúc để vực dậy Công ty ĐTBT đã bất thành, sự tiếp sức của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam trở nên vô nghĩa. Câu hỏi đặt ra là: Vì đâu lại nên nỗi?


(Còn nữa…)


Thăng Long

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP