Theo thống kê của các cơ quan chức năng, đầu năm 2014, cả nước có 162.400 người có trình độ đại học bị thất nghiệp. Đặc biệt, ở đất học Nghệ An, hiện có tới 4.000 cử nhân đang thất nghiệp hoàn toàn. Số còn lại có khá nhiều người làm nghề tay trái hoặc việc làm không ổn định. Có nhiều lý do khiến nạn thất nghiệp gia tăng ở Việt Nam. Sau đây là một vài nguyên nhân cơ bản:
Tình trạng thất nghiệp xuất phát từ sự quản lý thiếu chặt chẽ của ngành giáo dục và đào tạo. Các trường đại học đào tạo tràn lan: chính quy, từ xa, tại chức, liên thông… Rồi lại có đào tạo công khai, đào tạo chui, hướng tới phổ cập đại học, biến trường đại học thành trường phổ thông cấp Bốn. Đào tạo đại trà như vậy nên nhiều người học xong đại học bị thất nghiệp, học tiếp thạc sĩ cũng thất nghiệp…
Đầu năm 2014, cả nước có 162.400 người có trình độ đại học bị thất nghiệp (Ảnh minh họa) |
Nhà trường dạy những thứ mà nền kinh tế thị trường không cần. Nền kinh tế thị trường đang cần những con người năng động, bắt kịp xu hướng tiến bộ của toàn cầu thì chương trình đào tạo của một số trường tỏ ra khá bảo thủ. Sau khi thu học phí và đào tạo xong, họ “vứt” sinh viên ra đường, không cần quan tâm những sản phẩm của mình có được xã hội sử dụng hay không và cũng không cần điều chỉnh chương trình để theo kịp thời đại.
Do còn ảnh hưởng tư duy thời bao cấp, nhiều thí sinh vẫn còn khá mặn mà với các ngành khoa học cơ bản mà coi thường các môn kinh tế kỹ thuật. Nhìn vào khoa Ngữ văn của một số trường dân lập ở miền Nam, ta thấy đại đa số sinh viên là người gốc Bắc (có truyền thống giỏi văn chương). Trước đây, mỗi năm, các trường này cho ra “lò” khoảng 300 cử nhân Ngữ văn trong khi các khu công nghiệp ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… lại không có nhu cầu tuyển sinh viên giỏi thơ phú.
Thời phong kiến, người ta quan niệm học để làm người nhưng bây giờ chỉ “làm người” thôi cũng không có tiền để sống cho ra con người. Rồi người ta còn phấn đấu học để làm thầy (thầy giáo, thầy thuốc, thầy nghề, quan chức…). Đáp ứng nhu cầu ấy, các trường sư phạm, hệ sư phạm mọc lên như nấm khắp các tỉnh. Điều đó khiến sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp rất đông.
Có một thời, người ta không mặn mà với nghề cơ khí, xây dựng cầu đường vì nghĩ rằng nó chỉ là… thợ. Rồi xu hướng chọn đại học, không muốn học trung cấp cũng xuất phát từ tư duy học để làm thầy chứ không phải học làm thợ. Trong một xã hội mà thầy nhiều quá thì dĩ nhiên nhiều thầy phải thất nghiệp. Một thạc sĩ không muốn đi làm gia sư, một bác sĩ không muốn về công tác ở trạm y tế xã… Lối sĩ diện ấy cũng góp phần làm gia tăng nạn thất nghiệp.
Ngày nay, khi phong trào học học tập lên cao, người ta đua nhau phấn đấu nuôi “gà nòi” để đậu đại học. Các nhà đua nhau, các họ đua nhau, các làng cũng đua nhau học cao chỉ để khoe tiếng gáy. Học sinh bị cha mẹ ép học đến mức khờ khạo, thiếu kỹ năng sống. Khi học xong ra trường, nhiều sinh viên ngơ ngác như đứng trước ngã tư xe cộ tấp nập mà không biết làm thế nào để băng qua đường.
Để giảm nạn thất nghiệp, trước hết phải xóa bỏ tư duy phong kiến và bao cấp, xóa bỏ nạn phân biệt bằng cấp, nghề nghiệp, hư danh. Phải công khai quy chế tuyển dụng đối với các cơ quan nhà trước. Các nhà quản lý phải giảm bớt “nói” để dành thời gian cho “làm”, tạo ra nhiều công ty, xí nghiệp giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường. Tuy nhiên, để biến “tư duy làng xã cổ truyền” thành “tư duy công nghiệp hiện đại” là rất khó, phải tốn nhiều thời gian nhưng không thể không thực hiện ngay từ bây giờ.
Bài viết là quan điểm của Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền hiện đang là Giảng viên Khoa Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam. Đây cũng là một tiếng nói, một góc tiếp cận các vấn đề của giáo dục đương đại cần được quan tâm, tháo gỡ.